Tại Diễn đàn doanh nghiệp năm nay (diễn ra hôm qua – 02/12 tại Hà Nội), nhiều ý kiến đã cảnh báo Việt Nam về “bẫy năng suất kém”, làm tụt hạng vị thế cạnh tranh do chất lượng lao động tiếp tục không được cải thiện.
Chất lượng nguồn nhân lực đang là mối quan ngại của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam. Ảnh MH |
Trong báo cáo “Cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2011” công bố tại VBF, năm nay nhìn chung môi trường kinh doanh ở Việt Nam được các doanh nghiệp đánh giá là có chuyển biến ở tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, có vẻ như mức độ hài lòng nghiêng nhiều hơn về phía các DN trong nước khi có đến 39% DN đánh giá môi trường kinh doanhc ó sự cải thiện, trong khi con số này đối với các DN FDI là là 22%. Hạ tầng và viễn thông là hai lĩnh vực mà các DN đánh giá là có mức độ cải thiện lớn, ngược lại, hai lĩnh vực đất đai và thuế vẫn tiếp tục bị “chê”.
Điều rất đáng mằng là, dù trong bối cảnh khó khăn vẫn có tới 69% DN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới.
Phát biểu tại VBF, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ các chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 11/CP của Chính phủ.
Đồng thời, bà Victoria cũng khuyến nghị 5 giải pháp trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam nên làm ngay. Đó là, tiếp tục cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính; cải thiện hệ thống thông tin, viễn thông và năng lượng; cải tiến hạ tầng vận tải (hệ thống cầu, đường bộ, cảng biển, sân bay…); giảm rào cản gia nhập thị trường và đối xử bình đẳng hơn giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Còn ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội các DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định về giá cả và tiền đồng được tái thiết lập. Để có thể thực hiện được chủ trương “chất lượng hơn số lượng” trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, ông Alain Cany khuyến nghị Việt Nam sớm hình thành một “văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)”. Theo đó, Chính phủ phải tăng cường công tác tuyên truyền; thực thi luật luật một cách nghiêm túc để đảm bảo xã hội “nói không” với việc sản xuất, mua bán hàng hóa, sản phẩm vi phạm quyền SHTT.
Ông Christopher Twomey, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cũng một lần nữa lưu ý, Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng. Vị này nhắc lại rằng, vấn đề này đã được đề cập liên tục 6 năm qua.
Đặc biệt, theo đại diện Amcham, phải sớm tháo gỡ sự bất cập và chậm trễ trong các dự án cơ sở hạ tầng then chốt, đặc biệt là tuyến cầu đường liên tỉnh, bao gồm đường tiếp nối, điện năng, cảng biển có vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng liên quan tiếp giáp cũng như hệ thống vận chuyển công cộng đô thị như đường sắt nhẹ. Một mặt khác, cần tiếp tục cải tổ doanh nghiệp nhà nước (DNNN), giải quyết vấn đề tham nhũng và xung đột lợi ích dính tới cơ cấu DNNN.
Ông Christopher cũng cảnh báo, Chính phủ Việt Nam nên tiến hành nhiều biện pháp cụ thể hơn nhằm cải thiện và nâng cao trình độ của lực lượng lao động, bởi lẽ, nếu không nhanh, Việt Nam có thể bị rơi vào “bẫy năng suất kém”.
Lần đầu tiên phát biểu trước đại diện cộng đồng DN trong và ngoài nước, ông Lê Minh Hưng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, năm 2012 NHNN sẽ tiếp tục điều hình chính sách tiền tệ đảm bảo đúng mục tiêu định hướng Quốc hội và Chính phủ đã đề ra; đảm bảo duy trì lạm phát dưới 10% , tăng trưởng tín dụng đạt 15% -17%; NHNN tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá, thị trường ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu của thị trường và quan hệ cung cầu ngoại tệ cũng như cân đối vĩ mô và cán cân thanh toán.
Theo ông Hưng, năm 2012, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng theo hướng tăng trưởng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất kinh doanh, DN nông thôn, xuất khẩu, DNNVV. Đặc biệt, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực phi sản xuất cũng như lĩnh vực không ưu tiên.
Đối với thị trường vốn - chứng khoán, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành đã trình Chính phủ về Chiến lược tổng thể phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 – 2020.
Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành chiến lược này ngay trong tháng 12. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó có các nội dung mới rất đáng lưu ý, như: phát hành niêm yết chứng khoán nước ngoài, phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu, quy định về việc thành lập các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài theo lộ trình cam kết WTO.
Mai Hoa