“Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Quan điểm này đã được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, báo cáo chính trị cũng như các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, mở ra không gian cho tăng trưởng xanh… Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi cần phải quyết liệt tăng tốc, phải sớm có những chính sách cụ thể để hỗ trợ những địa phương, doanh nghiệp lựa chọn con đường phát triển bền vững này".
Phát triển xanh là lựa chọn tất yếu
Năm 2024 các yêu cầu về xanh hóa sản xuất, phát triển bền vững từ các thị trường lớn và khó tính trên thế giới chính thức được luật hóa. Cụ thể, các quốc gia châu Âu (EU) đã đưa ra rất nhiều quy định cụ thể như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Đạo luật Chống phá rừng châu Âu (EUDR) đối với hàng hóa muốn qua “cổng hải quan” của các quốc gia này. Điều này buộc Việt Nam - một quốc gia vốn có nền kinh tế có độ mở lớn bậc nhất thế giới với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP phải chuyển mình theo hướng xanh hơn để đáp ứng được các yêu cầu mới này.
Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) được EU ban hành vào tháng 12/2022 và chính thức có hiệu lực cho các báo cáo phát hành từ năm tài chính 2024 yêu cầu các doanh nghiệp (DN) báo cáo về hiệu quả xã hội và môi trường của các hoạt động trong chuỗi giá trị của họ. Theo đánh giá, Chỉ thị CSRD đang và sẽ có tác động mạnh mẽ ở Việt Nam trong bối cảnh kim ngạch thương mại hai chiều EU - Việt Nam ngày càng tăng trưởng. Với việc một lượng lớn DN Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị của các DN hoạt động tại châu Âu, sự ra đời của Chỉ thị CSRD sẽ đòi hỏi các DN này đẩy mạnh việc chuẩn bị số liệu và lập báo cáo phát triển bền vững để cung cấp cho công ty mẹ hoặc DN đối tác tại châu Âu khi có yêu cầu.
Tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bắt đầu được đề cập rầm rộ và xuyên suốt trong 2 năm gần đây ở Việt Nam với hàng loạt các hội nghị, tọa đàm được tổ chức. Tại các hội nghị, tọa đàm, đội ngũ chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến, các đề nghị cũng như gợi ý để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam có thể dựa vào đó, đưa ra chiến lược, đường đi nước bước trong xu hướng mới khi cuộc đua xanh hóa đang diễn ra trên toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế, phát triển bền vững, chuyển đổi từ nền kinh tế nâu sang kinh tế xanh đã được đặt ra tại Việt Nam từ năm 2011 thông qua Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI với quan điểm “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020”. Văn kiện cũng đưa ra giải pháp cụ thể nhằm phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mô hình phát triển xanh. Trong đó khuyến khích nghiên cứu khoa học và áp dụng vào sản xuất các công nghệ không gây ô nhiễm môi trường và hình thành các ngành, nghề kinh tế mới thân thiện với môi trường.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
“Nhận thức của hệ thống ngân hàng thương mại đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, quản lý rủi ro về môi trường. Nhiều TCTD đã chủ động hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để nhận các hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính để tài trợ cho các dự án mang lại lợi ích về môi trường”, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngay sau đó, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1393/QĐ-Ttg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đã định hướng xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia… Đồng thời đặt ra các nhiệm vụ chiến lược như giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm…
Từ đó, các nghị quyết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam luôn nhắc đến các yếu tố thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đây chính là chìa khóa mở ra không gian cho phát triển kinh tế xanh, bền vững khi hình thành một hệ thống chính sách liên quan đến phát triển, tăng trưởng xanh.
Đặc biệt, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, con đường xanh cho phát triển kinh tế được xác định rất rõ ràng với chủ trương “ít chất thải, giảm phát thải khí nhà kính, carbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế”… từ đó, thúc đẩy các Bộ, ngành, doanh nghiệp vào cuộc mạnh mẽ hơn với công cuộc chuyển đổi xanh.
Khơi thông dòng vốn xanh từ sớm…
Trong tiến trình thực hiện phát triển xanh, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất liên quan đến vấn đề tài chính. Theo tính toán, giai đoạn đến trước năm 2020, để giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết trong 9 lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế, phải huy động nguồn vốn đầu tư trên 30 tỷ USD. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nhu cầu tài chính tăng thêm để Việt Nam xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2022 - 2040 lên đến 368 tỷ USD, trong đó, nguồn tài chính đến từ khu vực công là 130 tỷ USD.
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: “Từ rất sớm, NHNN đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng”. Sau đó là hàng loạt các văn bản liên quan để tạo hành lang thông thoáng cho dòng vốn tín dụng xanh đổ về hướng sản xuất các lĩnh vực liên quan…
Bên cạnh đó, ngay từ năm 2018, NHNN đã ban hành Quyết định 1604/QĐ-NHNN, phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam, với mục tiêu tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV. |
“Tăng trưởng xanh có 2 sự lựa chọn, gồm lựa chọn xây dựng sản xuất xanh, ít phảt thải ngay từ khi bắt đầu và chuyển đổi xanh với các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động. Nhưng dù lựa chọn theo hướng phát triển nào thì câu chuyện về dòng vốn và nhân lực luôn cực kỳ khó khăn”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV.
Ngoài ra, NHNN đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018, phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đã đặt ra mục tiêu tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn tín dụng.
Đồng thời, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nhiều chương trình tín dụng, trong đó có các chính sách nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu phù hợp với các ngành, lĩnh vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường, các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với mục tiêu xanh và bền vững, chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Tại một hội thảo về tín dụng xanh, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, nhận thức của hệ thống ngân hàng thương mại đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, quản lý rủi ro về môi trường. Nhiều TCTD đã chủ động hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để nhận các hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính để tài trợ cho các dự án mang lại lợi ích về môi trường.
Tuy con đường cho tín dụng xanh, hàng lang cho phát triển xanh đã có từ sớm nhưng dường như doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được. Các báo cáo gần đây về mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh của DN đều thể hiện rõ nét những khó khăn này khi cả những DN ngàn tỷ cũng phải chật vật với chuyển đổi xanh…
Bà Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) cho biết, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh có 2 sự lựa chọn, gồm lựa chọn xây dựng sản xuất xanh, ít phảt thải ngay từ khi bắt đầu và chuyển đổi xanh với các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động. Nhưng dù lựa chọn theo hướng phát triển nào thì câu chuyện về dòng vốn và nhân lực luôn cực kỳ khó khăn.
(Còn tiếp)