Hà Nội đã thông qua Nghị quyết trong đó quy định có khoảng 2.400 dịch vụ y tế các loại và thực hiện lần điều chỉnh đầu tiên vào tháng 8/2013 đối với khoảng 800 dịch vụ y tế. Khoảng 1.600 dịch vụ khác chưa điều chỉnh mà vẫn áp dụng mức giá từ năm 2006 và đó là lý do của việc đề xuất điều chỉnh tới đây, thực hiện tiếp với 1.348 dịch vụ trong tổng số 1.600 dịch vụ y tế kể trên.
Một năm, tăng hai lần?
Cũng vì thế, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội khẳng định không có việc một dịch vụ điều chỉnh tăng hai lần trong một năm như một số người lầm tưởng.
Không chỉ xin điều chỉnh 1.348 dịch vụ nói trên lên 20% mà Hà Nội còn đề xuất điều chỉnh phê duyệt giá với 135 dịch vụ kỹ thuật mới mà các cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội đã thực hiện được nhưng chưa có giá thanh toán. Ngoài ra, do đặc thù có các chuyên khoa đầu ngành nằm ở các bệnh viện hạng 1 và hạng 2 nhưng lâu nay không được thu một mức giá nên Hà Nội đề xuất mức thu các dịch vụ chuyên khoa đầu ngành này thống nhất theo mức của bệnh viện hạng 1.
Giải thích về lý do chia nhiều đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế như vậy, bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đó là thực hiện điều chỉnh có lộ trình để đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Mặt khác, nếu không tăng, các cơ sở y tế của Hà Nội rất khó khăn trong việc nâng cấp hạ tầng và nâng cao chất lượng khám bệnh.
Một thực tế khác là các bệnh viện trung ương và của các Bộ, ngành đóng trên địa bàn Hà Nội đã được Bộ Y tế đồng ý cho thực hiện tăng 100% với khung giá viện phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT- BTC-BLĐTB&XH từ năm 2006, trong khi Hà Nội lâu nay vẫn duy trì từ 65 đến 80% tùy hạng bệnh viện, gây bất cập.
Phát biểu trước Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND - cho rằng, việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giúp các cơ sở y tế có thêm nguồn tài chính để cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thêm trang thiết bị…
Người dân được lợi gì?
Trả lời băn khoăn của không ít người dân về việc tiền thu được từ tăng viện phí thời gian qua đã được đầu tư vào đâu và người dân được hưởng lợi gì, bà Lưu Thị Liên cho biết, theo quy định, dịch vụ khám bệnh và giường được phép cắt lại 15% để các cơ sở khám chữa bệnh tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Còn một phần kinh phí thu từ dịch vụ kỹ thuật (như tiền thuốc hay tiền vật tư tiêu hao) thì được bù vào ngay cho người dân được thụ hưởng vì những phần đó bệnh viện không được động chạm đến.
Qua 9 tháng thực hiện tăng viện phí vừa qua, người dân có thể nhìn thấy sự đổi khác ở các bệnh viện, từ những việc đơn giản như sơn sửa mới cửa, phòng, trang bị bàn ghế để ngồi chờ khám, lắp điều hòa, ti vi phục vụ người bệnh…, đến việc xây dựng các quy trình khám bệnh, gọi số khám tự động để người dân đến khám nhanh nhất, tiện lợi nhất. Thậm chí, có những thứ mà người dân có thể không để ý tới như môi trường, cảnh quan bệnh viện được cải thiện, sạch đẹp hơn.
Một hình ảnh mới tại các bệnh viện Thủ đô là hình thành một đội ngũ nhân viên tiếp đón, hướng dẫn ngay tại phòng khám - nơi tiếp xúc ban đầu với người bệnh. Đó chính là những thay đổi có được từ việc tăng viện phí và người dân được thụ hưởng. “Chúng tôi sẽ chú trọng hơn nữa thái độ ứng xử với người bệnh trong thời gian tới. Trong tương lai, tất cả các bệnh viện sẽ có các phòng quản lý chất lượng bệnh viện” - bà Liên cho biết.
Tuy nhiên, điều mà người dân khá thất vọng là tăng giá dịch vụ vẫn không giải phóng được tình trạng quá tải, nằm chung, nằm ghép tồn tại lâu nay. Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, chỉ riêng việc điều chỉnh viện phí không thể giải quyết được tình trạng quá tải vì 15% cắt lại chỉ đủ tái đầu tư những hạng mục nhỏ chứ không đủ để mở rộng cơ sở hạ tầng như thêm phòng bệnh, mà để giảm tải phải có giải pháp khác như tăng chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới./.