“Không cản trở việc giải quyết vụ án”
Theo Hiến pháp 2013, VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong việc kiểm sát việc giải quyết các vụ án được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức VKSND 2014.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị tiếp tục xác định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự như quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) hiện hành và Dự thảo BLTTDS sửa đổi.
Về việc phát biểu quan điểm của VKSND tại phiên tòa sơ thẩm, Dự thảo BLTTDS quy định: Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, xác định VKS là cơ quan tố tụng là chính xác. Nếu đại diện VKS không có mặt nhưng có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Trước quan điểm VKS tham gia phiên tòa mà không được phát biểu về nội dung vụ án, ĐB Thuyền khuyến cáo “cần xem lại”.
“Việc phát biểu của VKS không làm cản trở việc giải quyết vụ án vì Tòa án khi quyết định phải căn cứ vào kết quả tranh tụng, vào các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, có ý kiến của VKS các bên được hưởng sự công bằng cao hơn”, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhấn mạnh thêm.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng, quy định như Dự thảo là phù hợp và “không có căn cứ để thay đổi vị trí, chức năng của VKS”. Việc để VKS phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án là thêm một “kênh” cho Tòa khi xét xử, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị.
Tuy nhiên, bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ quy định của Dự thảo, vẫn còn những ý kiến trái chiều về vai trò của VKS. ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) nêu quan điểm: VKS không tiến hành tố tụng mà chỉ kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự là phù hợp, do đó khi tham gia phiên tòa sơ thẩm không nên quy định VKS được phát biểu về nội dung vụ án.
ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An) đồng tình kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử. Riêng quy định VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm, ĐB Hà lưu ý “cần cân nhắc” vì nếu giải quyết vụ án theo trình tự rút gọn thì phải bảo đảm được thời gian. Do đó, nếu VKS tham gia thì phải có quy định về thủ tục gửi hồ sơ cho Viện nghiên cứu.
Nên mở rộng các trường hợp được áp dụng thủ tục rút gọn
Dự thảo BLTTDS có quy định mới đáng chú ý là quy định về xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn. Theo đó, việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn do 01 thẩm phán tiến hành. Thủ tục rút gọn vụ án được áp dụng cho các vụ án đơn giản. ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) ủng hộ cao quy định này vì “bảo đảm nhanh gọn, tránh tình trạng hình thức gây tốn kém cho các bên”.
Đồng tình với quy định về các tình tiết mới thì Tòa án được quyền quyết định chuyển từ thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường như Dự thảo, song ĐB Lý đề nghị bổ sung thêm các trường hợp đương sự ở nước ngoài đã thống nhất được việc ly hôn, không yêu cầu Tòa giải quyết về con cái cũng như tài sản thì cũng nên cho phép được áp dụng thủ tục rút gọn.
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị Dự thảo cần quy định chặt chẽ hơn về thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án nhanh chóng nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật. “Nếu quy định là 45 ngày làm việc mà trong thời hạn đó thẩm phán lại phải trả hồ sơ nếu phát sinh tình tiết mới, vụ án chuyển sang thủ tục thông thường và lại bắt đầu từ đầu thì rất khó khăn. Tôi đề nghị nghiên cứu giảm tối đa để tránh việc kéo dài thời gian. Việc kháng cáo đối với bên đương sự không có mặt tại phiên tòa nên quy định là 7 ngày kể từ thời điểm bản án được giao cho họ”, ĐB Hoàng nói.t.h
Các bên đương sự có quyền được biết các tài liệu, chứng cứ của bên kia
Về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ: Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đương sự có nghĩa vụ sao chụp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ giao nộp cho Tòa án để Tòa án gửi cho các đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác.
UBTVQH nhận thấy, để bảo đảm cho các bên đương sự thực hiện được nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự thì cần quy định các bên đương sự có quyền được biết các tài liệu, chứng cứ của bên kia, làm cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.