Từ “tự quản” đến “cấp cứu”
Về thị trấn Hà Lam, hỏi về “Đội xe ôm tự quản” hầu như ai cũng biết và có thể kể cho nghe nhiều mẩu chuyện cảm động về họ.
Trước đây, hoạt động của cánh xe ôm ở khu vực thị trấn Hà Lam rất lộn xộn. Chuyện chèo kéo, tranh giành khách dẫn đến gây gổ, xô xát diễn ra như cơm bữa. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh, văn minh đô thị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của chính họ.
Nhận thấy được thực tế đó, khoảng năm 2000, những người hành nghề xe ôm nơi đây bắt đầu tự hình thành tổ, nhóm, chia địa bàn, chia phiên đón khách rất trật tự, có tổ chức và đi vào nề nếp.
Do đặc điểm của nghề, các lái xe ôm thường nắm bắt mọi diễn biến của cuộc sống nơi họ đứng chờ khách cũng như khắp hang cùng ngõ hẽm nơi họ đưa khách đến. Những lúc “giữa đường thấy chuyện bất bình” họ liền chủ động ra tay cứu giúp hoặc cung cấp thông tin để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Năm 2004, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, Công an huyện và thị trấn, Đội xe ôm tự quản về ANTT thị trấn Hà Lam chính thức được thành lập. Từ đây, đội xe ôm đã cung cấp cho cơ quan công an nhiều nguồn tin có giá trị, tham gia bắt giữ nhiều đối tượng hình sự như trộm cắp, cướp giật.
Đối với những vụ trộm cắp, đánh nhau nhỏ lẻ, những người lái xe ôm không ngần ngại truy đuổi, giữ người và tang vật để giao công an xử lý. Còn những vụ lớn, phức tạp hoặc có đông đối tượng hoặc có dùng hung khí thì họ điện báo Công an, đồng thời liên tục theo dấu đối tượng để cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng.
Một lần, tại ngã tư Hà Lam, ông Nguyễn Văn Minh (SN 1961, Đội trưởng Đội xe ôm tự quản) thấy một thanh niên có biểu hiện khả nghi nên đến “hỏi thăm”. Biết gặp phải “tai mắt”, tên thanh niên lập tức bỏ chạy.
Ông Minh liền đuổi theo gần 2 cây số thì tóm được gã thanh niên và giao cho công an thị trấn để xác minh, làm rõ. Đúng như phán đoán của ông Minh, thanh niên này là một tên “đạo chích”, khai nhận đã cuỗm hơn 10 chiếc xe đạp của người dân địa phương.
Theo lời kể của ông Lê Thắng, Giám đốc công ty TNHH Việt Phúc (có trụ sở tại Gia Lai), một lần ông đi từ Gia Lai về quê nhà Thăng Bình để sửa sang phần mộ tổ tiên. Khi đến ngã tư Hà Lam, ông xuống xe khách để đón xe ôm về nhà. Cũng tại đây, ông Thắng phát hiện mình bị mất một ví tiền. Thấy ông hết đưa tay vào túi quần rồi đến túi áo, ông Minh liền tiến đến hỏi han.
Từ đây, cháu bé này đã có phương tiện đến trường. |
Khi nghe ông Thắng kể chuyện bị mất tiền, ông Minh liền gọi thêm một đồng nghiệp nữa đến hỗ trợ người đi đường tội nghiệp. Sau khi tiếp cận chiếc xe khách mà ông Thắng vừa xuống, ông Minh và đồng nghiệp đã hỏi tài xế về việc lên, xuống xe của hành khách. Cuối cùng, họ đã xác định kẻ tình nghi là một phụ nữ ở tổ 9, thị trấn Hà Lam, người đi cùng chuyến xe với ông Thắng.
Dù không biết tên, tuổi của người phụ nữ này, chỉ dựa theo mô tả của nạn nhân và tài xế, vậy mà ông Minh đã lần tìm được nhà của “đối tượng”. Mặc dù vấp phải sự phản kháng của gia đình người phụ nữ, ông Minh nhẹ nhàng phân tích, thuyết phục họ nhìn thấy sự sai trái của mình. Cuối cùng, người phụ nữ đã giao trả lại ví tiền của ông Thắng, trong đó có 12 triệu đồng.
Ngã tư Hà Lam được xem là điểm đen về tai nạn giao thông bởi có Quốc lộ 1A chạy qua và có sự giao thương nhộn nhịp với các huyện lân cận. Chứng kiến những vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường, chờ xe cứu thương thì quá lâu và nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân, anh em đội xe ôm tự quản tự nguyện chở người gặp nạn đến cơ sở y tế gần nhất.
Có nhiều trường hợp, đội phải huy động nhiều thành viên, chia nhau người cầm lái chở, người ngồi sau giữ nạn nhân đưa đến bệnh viện, những thành viên còn lại thì đem xe đi sửa giúp. Sau này, người nhà nạn nhân tìm đến cảm ơn, trả tiền công nhưng họ đều nhất quyết không nhận.
Để việc làm nhân đạo này được tiến hành rộng khắp và có tổ chức hơn, tháng 6/2014, Hội Chữ thập đỏ thị trấn Hà Lam đã triển khai mô hình “Đội xe ôm cấp cứu”, thành viên chính là những lái xe của “Đội xe ôm tự quản”. Ngoài kinh nghiệm đã có, các lái xe ôm còn được tập huấn nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu người bị tai nạn để hạn chế tử vong.
Chính vì luôn túc trực trên tuyến đường cả ngày lẫn đêm nên họ giống một lực lượng “phản ứng nhanh” mỗi khi có tai nạn giao thông xảy ra hay có biến cố về ANTT. Giờ đây, Đội xe ôm “2 trong 1” này đã trở thành cánh tay đắc lực của Công an và là niềm tin cậy của người tham gia giao thông trên địa bàn.
Đến làm từ thiện
Ngày 4/12, phóng viên báo Câu chuyện pháp luật cùng 3 thành viên đội xe ôm tự quản của thị trấn Hà Lam lên đường đến xã Bình Lãnh (huyện Thăng Bình) để trao quà từ thiện.
Trên chính những chiếc xe máy hành nghề hàng ngày, 3 người đại diện cho đội xe ôm chở những túi hàng do chính họ bỏ tiền ra mua và quyên góp được. Mặc dù trời mưa như trút nước nhưng nhóm thiện nguyện vẫn vui vẻ chuẩn bị mọi thứ và thực hiện bằng được kế hoạch của mình.
Đội trưởng Nguyễn Văn Minh, người dẫn đầu nhóm chia sẻ: “Trong quá trình làm nghề, chúng tôi nhiều lần đưa khách về đến nhà và tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của gia đình họ. Thế là chúng tôi nảy ra ý tưởng vận động trong cộng đồng quyên góp để hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Để có nguồn hỗ trợ, ông Minh vận động nhiều gia đình thu gom vật dụng, quần áo cũ rồi đem về chọn lọc, giặt giũ lại hoặc sửa chữa thành đồ dùng được. Đồng thời ông cũng vận động các mạnh thường quân, một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn thị trấn Hà Lam hỗ trợ thêm bằng tiền hoặc hiện vật.
Nhóm thiện nguyện trên đường đi trao quà từ thiện. |
Do mới triển khai nên chưa thể quyên góp được nhiều, ông Minh vận động các thành viên trong đội xe ôm góp thêm một ít tiền để mua quà thực hiện chuyến từ thiện đầu tiên. Lần này họ trao 3 suất quà cho 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Hiền Lộc (xã Bình Lãnh). Mỗi suất quà gồm 10kg gạo, 1 thùng mì tôm, 1 chai dầu ăn và một số quần áo cũ.
Ngoài ra, nhóm thiện nguyện cũng trao 1 chiếc xe đạp cũ cho một em học tiểu học tại thôn này để giúp em có phương tiện đến trường. Việc trao quà từ thiện có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, để chọn những hộ gia đình khó khăn, chọn loại quà trao cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tấn Thọ (trưởng thôn Hiền Lộc) cho biết: “Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của thôn là hơn 20%, rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp chính quyền và những người hảo tâm. Những thành viên của Đội xe ôm tự quản tuy cuộc sống còn chật vật nhưng vẫn quan tâm đến những gia đình khó khăn khác. Tôi rất cảm kích trước những nghĩa cử cao đẹp của họ”.
Theo chia sẻ của ông Minh, Đội xe ôm đã lên kế hoạch trao quà từ thiện cho một xã khác của huyện Thăng Bình vào tuần sau. Thời gian tới, ông tiếp tục vận động quyên góp tiền và hiện vật, nếu có đủ nguồn lực có thể mở rộng địa bàn hỗ trợ ra ngoài huyện Thăng Bình.
Ngoài nhu yếu phẩm hàng ngày, Đội xe ôm “2 trong 1” còn có kế hoạch hỗ trợ con giống gà, vịt để các hộ nghèo có cơ hội phát triển kinh tế. Mọi đóng góp cho hoạt động từ thiện của Đội xe ôm tự quản thị trấn Hà Lam xin vui lòng liên hệ ông Nguyễn Văn Minh, số điện thoại: 0986.014.540.