Chốn yên nghỉ của người tâm thần
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn thành lập năm 1979. Từ thời điểm ấy, đội ngũ lãnh đạo trung tâm đã nghĩ đến chuyện xin riêng một nơi an nghỉ cho những người tâm thần không có gia đình hoặc không được gia đình đón về.
Bởi, nghĩa tử là nghĩa tận. Lúc sống đã tận mắt chứng kiến họ chống chọi với bệnh tật, ai cũng mong lúc nằm xuống, người tâm thần không có gia đình cũng được chăm lo hậu sự như bao người bình thường khác. Vậy là nghĩa địa riêng cho người tâm thần ra đời dưới sự chấp thuận của UBND xã Hoài Hảo.
Nghĩa địa đầu tiên nằm trên một khu đất cát, cách trung tâm vài cây số về hướng Tây. “Thời đó, mức hỗ trợ mai táng phí chỉ 2 triệu đồng/người. Vậy nên, để tiết kiệm chi phí, anh em trung tâm chia nhau đảm nhiệm các phần việc liên quan đến hậu sự.
Trên nền đất cát, huyệt mộ cho người đã khuất rất dễ sạt lở. Có 20 mộ chôn tại đây là đúng 20 lần huyệt mộ bị sạt lúc đưa quan tài xuống, anh em ở Trung tâm phải đào đến lần hai, lần ba mới hoàn tất việc chôn cất”, ông Võ Khắc Trực - Trưởng phòng tổ chức của Trung tâm nhớ lại.
Ông Tuấn thắp nén hương lên bàn thờ trong nhà tang lễ của Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. |
Hơn 6 năm nay, do nghĩa địa nằm ở khu vực quy hoạch của địa phương nên Trung tâm được cấp mảnh đất mới với diện tích hơn 670m2. Nghĩa địa mới nằm ngay bên cạnh nghĩa địa nhân dân của hai thôn Phụng Du 1 và Phụng Du 2 (thuộc xã Hoài Hảo).
Ở nghĩa địa mới đã có 13 ngôi mộ được chia làm hai dãy song song nhau. Thời gian tới, số mộ tại nghĩa địa cũ cũng sẽ được di dời về đây. Nhỏ bé, khiêm nhường so với những dãy mộ to cao, khang trang của người dân địa phương, song đây là cái kết có hậu cho những cuộc đời không gia đình.
Đi một vòng thắp nén hương cho những người đã khuất, ông Trực khẽ nhắc về hoàn cảnh ẩn chứa đằng sau mỗi cái tên trên bia mộ. Có người vốn là người tâm thần lang thang được tập trung về trung tâm nên không thể khai thác được thông tin gia đình để có thể báo tin khi họ bước qua bên kia thế giới.
Có người, Trung tâm biết thông tin về gia đình nhưng khi tìm về báo thì người nhà không còn ai. Có người, gia đình còn đầy đủ nhưng quá nghèo hoặc cha mẹ đã già yếu nên nhờ trung tâm lo hậu sự.
Đứng lâu hơn trước nấm mộ còn tươi màu sơn, ông Trực tỉ tê: “Đây là mộ của anh Nguyễn Thái Minh, quê gốc ở thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ngày anh mất, chúng tôi thông tin về cho gia đình, sau đó gia đình có cử người lên. Họ kể gia đình có 7 thành viên thì đã 6 người mắc bệnh tâm thần.
Vì hoàn cảnh ngặt nghèo nên họ nhờ trung tâm lo hậu sự cho người thân. Với trách nhiệm, chúng tôi sẵn sàng lo hậu sự cho những người đã mất. Đó là một nghĩa cử cao đẹp mà mỗi cán bộ, nhân viên ở đây có thể làm được khi những phận đời kém may mắn đã lìa xa cuộc đời”.
Lúc thắp hương cho từng ngôi mộ, ông Đoàn Thế Tuấn - Giám đốc Trung tâm, tâm sự: “Mỗi người về bên kia thế giới là nỗi đau để lại cho những người còn lại ở Trung tâm. Có một cụ già ở địa phương, mỗi lần có người mất cụ đều đến đây đưa tiền. Cụ nói với tôi, tình người nằm ở những việc làm giản đơn nhất. Nếu ở nhà, đến lúc mất chưa chắc cụ đã được mồ yên mả đẹp như thế này”.
Ông Tuấn cũng trăn trở: “Đây là khu nghĩa địa mới của trung tâm. Chúng tôi rất muốn xây tường rào khang trang nhưng vì kinh phí hạn hẹn nên chưa thực hiện được. Còn một số mộ ở khu nghĩa địa cũ nằm trong khu quy hoạch nên sắp tới sẽ di dời về đây. Họ là những người kém may mắn trong xã hội nên mỗi người may mắn như chúng ta hãy cùng góp một phần công sức để giúp cho những người kém may mắn kia được yên nghỉ ấm lòng dưới ba tấc đất”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi lần có người qua đời, những người bệnh đang sống ở Trung tâm đều đưa tiễn. 3 ngày sau tang lễ, Trung tâm tổ chức cúng mở cửa mả. Vào các ngày 14, rằm, 30, mùng một âm lịch hàng tháng, bàn thờ ở nhà tang lễ của Trung tâm lại đầy trái cây, nhang đèn lên hương khói. 20 tháng Chạp hàng năm, Trung tâm lại tổ chức chạp mả, tôn tạo, quét vôi mới cho từng ngôi mộ.
Ấm nồng nén tâm hương
Ngoài khu nghĩa địa, những người tâm thần tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn còn được thờ cúng tại nhà tang lễ nằm trong khuôn viên của trung tâm. Nơi đây in dấu những tấm lòng nhân hậu với người bệnh tâm thần.
Năm 2009, nhà tang lễ được nâng cấp khang trang hơn so với trước. Nhờ vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, bộ bàn cúng, tủ thờ, khung đặt di ảnh người mất được sắm sửa đầy đủ.
Ông Tuấn cho biết: “Đoàn từ thiện nào khi ghé thăm trung tâm cũng đều đặt chân đến nhà tang lễ thắp nén tâm nhang, góp tiền lo nhang khói cho người đã mất. Đặc biệt, không ít đoàn chuẩn bị cả xôi, chè, bánh kẹo, hoa quả... để cúng người tâm thần đã khuất. Chuyện nhang khói mỗi ngày, mỗi dịp rằm, lễ đều được đảm bảo là nhờ một phần từ những nguồn đóng góp này”.
Đặc biệt, nhà tang lễ còn là nơi lưu lại hình ảnh và thông tin của những người tâm thần lang thang đã mất, giúp người nhà tìm lại thân nhân. Cho đến nay đã có 5 trong 33 người tâm thần đã mất được người thân tìm lại và nhận về.
Ông Tuấn cho biết: “Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng gần 500 người tâm thần, trong đó có 144 đối tượng lang thang không có gia đình. Trong khả năng của mình, cán bộ Trung tâm chung tay lo chuyện hậu sự, đồng thời lưu lại hình ảnh và thông tin liên quan để hỗ trợ các gia đình đi tìm người thân, có nguyện vọng dời mộ về quê hương. Chế độ mai táng phí là 3 triệu đồng/đối tượng nên chi phí lo hậu sự cho người đã khuất thường phải trích từ nguồn từ thiện để đảm bảo”.
Một góc nghĩa địa mới cao ráo, thoáng mát. |
Với những người làm việc tại trung tâm, mỗi khi có gia đình tìm đến và xin đối chiếu thông tin để di dời mộ người thân về quê hương, cảm giác luôn thật đặc biệt. Lúc đã về với đất, những người tưởng chừng đã mất tình thân gia đình vẫn được tìm về, được đón nhận trở lại. Ắt hẳn, đó là niềm vui không kể xiết với những người luôn cố giữ gìn những thông tin của người đã khuất.
“Điều đáng quý là những người được nuôi dưỡng tại trung tâm, khi khỏi bệnh, hòa nhập với cộng đồng xã hội bên ngoài, họ vận động đóng góp vào việc sắm sửa ở nhà tang lễ cũng như tu sữa mồ mả cho những người đã khuất.
Từ đó mối quan hệ giữa những người khỏi bệnh và những người đang điều trị có tình cảm hơn, càng ngày càng khắng khít hơn. Còn những người đang là bệnh nhân, khi họ được dự tang lễ trang trọng, họ sẽ cảm thấy ấm lòng hơn”, ông Tuấn tâm sự.
Nói rồi, ông Tuấn bảo: “Một bệnh nhân đã từng nói với tôi: “Dù kém may mắn nhưng sống ở Trung tâm này tôi thấy mãn nguyện và cảm thấy may mắn rất nhiều so với những người không nơi nương tựa, lang bạt ngoài xã hội”. Tôi cảm thấy rất vui khi nghe người bệnh nói như thế và đó là một động lực để những cán bộ, nhân viên ở đây làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình đối với người bệnh”.
Khi vào thăm nhà tang lễ của trung tâm, chúng tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy ngay trước bàn thờ là thùng “Hương nhu”, nơi đựng những đồng tiền đóng góp để hương khói cho những người bất hạnh đã khuất.
Trên góc tường là danh sách những doanh nghiệp, cá nhân đóng góp tu sữa nhà tang lễ của trung tâm được đóng khung trang trọng. Mỗi lần tổ chức bữa ăn ngon từ thiện cho người tâm thần, các nhà hảo tâm không quên đặt lễ cúng lên bàn thờ. Thế mới biết, tình thương của cộng đồng dành cho những số phận không may mắn không chỉ dừng lại khi họ còn sống mà còn tiếp nối khi họ đã lìa xa cuộc đời.