Không phải Giải thưởng thương hiệu
Ra đời theo Quyết định 253 ngày 25/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ, kết thúc giai đoạn 2003- 2010 , từ năm 2011 trở đi, Chương trình THQG tiếp tục được triển khai bài bản hơn với việc ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện chương trình. Bộ Công thương vẫn được giao là đơn vị “cầm trịch” của Chương trình này.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, Phó Tổng thư ký Chương trình THQG, nhấn mạnh đây là chương trình duy nhất của Chính phủ tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, THQG thông qua thương hiệu sản phẩm. Biểu trưng THQG có tựa đề Giá trị Việt Nam (Vietnam Value) được trao cho các thương hiệu sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí. “Chương trình không phải là một giải thưởng thương hiệu. Việc lựa chọn các sản phẩm đạt THQG chỉ là sự khởi đầu để các DN trở thành đối tác của Chương trình..”, ông Lang lưu ý.
Được biết, việc chọn các sản phẩm được mang biểu trưng THQG (Vietnam Value) được tiến hành 2 năm một lần. Đến nay, chương trình đã tiến hành 4 đợt lựa chọn các DN và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam đạt đủ các tiêu chí được mang biểu trưng THQG.
Doanh nghiệp không mặn mà?
Không có số liệu về các DN đã đạt được THQG nhưng không giữ được và giả sử các DN đều đã giữ được thì cứ 2 năm một lần có thêm khoảng chục DN được mang THQG. Thế nhưng, các DN đã phát huy thương hiệu này như thế nào?
Khảo sát mới nhất của ông Nguyễn Quốc Thịnh, Đại học Thương mại Hà Nội cho kết quả khá bất ngờ: Trong số 63 DN đạt THQG có 44 DN không đưa logo Chương trình THQG lên website, trong đó, 17/23 DN đạt 4 lần THQG, 10/11 DN đạt 3 lần THQG, 10/14 DN đạt 2 lần THQG, 7/15 DN đạt 1 lần THQG. Chỉ có 19/63 DN đạt THQG có đưa logo của Chương trình lên website, trong đó có 15 DN đưa ngay trang chủ, nhưng trong số đó chỉ có 3 DN đặt đầu trang với kích cỡ to rõ là Doji, Hoa Sen và Duy Tân, còn lại kích cỡ logo khá nhỏ, mờ nhạt...
Vị chuyên gia này cũng đặt vấn đề về một quan hệ giữa Chương trình THQG với vấn đề xây dựng các thương hiệu du lịch khi dẫn kết quả phỏng vấn 42 khách du lịch đến Hội An của một đồng nghiệp cũng được thực hiện ngay trong tháng 7 này.Trong số 42 vị khách được phỏng vấn chỉ có một nửa muốn quay lại Việt Nam, một nửa còn lại trả lời không muốn hoặc chưa quyết định. Thông tin điểm đến du lịch nghèo nàn, sản phẩm phẩm du lịch ít và đơn điêu, tính chuyên nghiệp chưa cao, đặc trưng vùng miền chưa rõ … là những điểm hạn chế để giữ chân du khách.
Cấp thiết trước mặt và chiến lược lâu dài
Nhãn Lồng Hưng Yên, Hồng không hạt Bắc Kạn, Cam Cao Phong, Gạo Điện Biên… là những đặc sản vùng miền nổi tiếng bấy lâu nay. Tại Diễn đàn, đại diện các địa phương này có cơ hội được giới thiệu về tiềm năng cũng như những trăn trở trong việc xây dựng quảng bá thương hiệu. Không có gian hàng trưng bày sản phẩm hay chí ít những hình ảnh giới thiệu sản phẩm cũng như Chương trình THQG mà thay vào đó là tràn ngập pano quảng bá của các nhà tài trợ.
Một đại biểu rời Diễn đàn từ khá sớm và tỏ ra tiếc cho Ban tổ chức vì đây chính là cơ hội để quảng bá các thương hiệu sản phẩm địa phương cũng như các DN đạt THQG nói riêng và Chương trình THQG nói chung.
Chương trìnhTHQG năm nay sẽ kéo dài trong 1 tuần từ 12- 17/7, trong đó Diễn đàn THQG với sản phẩm địa phương chỉ là một sự kiện. Ngoài sự kiện công bố các DN có thương hiệu sản phẩm đạt THQG lần thứ 5- năm 2015, nhiều hoạt động quảng bá cho chương trình sẽ đươc triển khai.
Để xây dựng THQG đúng là có nhiều việc cần phải làm như trong phát biểu khai mạc Diễn đàn của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định, trong những năm qua, nhiều thương hiệu các vùng miền đã có bước phát triển ấn tượng ở tầm quốc gia tạo ra sức mạnh để quốc gia vươn ra thế giới, tạo vị thế cao ở trong nước và trên thị trường xuất khẩu quốc tế. Tên tuổi nhiều DN Việt Nam gắn với các thương hiệu vùng miền theo đó cũng được hoàn thiện.
Tuy nhiên vẫn còn những mục tiêu lớn phải hướng tới nhằm hoàn thiện và không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt trên toàn cầu. Do đó vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vừa cấp thiết trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực về nhiều mặt, và của các ngành, các địa phương…