Chúng ta có nhiều hình tượng rất hay về thiếu niên nhi đồng, xem trẻ em là hoa hồng nhỏ, có nhiều khẩu hiệu rất hay như “tất cả vì đàn em thân yêu”.
Chúng ta cũng có rất nhiều tổ chức, đoàn thể của thiếu nhi, bảo vệ thiếu nhi như Đội Thiếu niên Tiền phong; Quốc hội có Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; chính quyền các cấp có Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ Trẻ em...
Về pháp luật chúng ta đã tham gia Công ước Quốc tế về trẻ em, có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và nhiều luật lệ khác liên quan. Thế nhưng tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục khắp nơi trên cả nước có đến hàng ngàn vụ mỗi năm.
Con số khủng khiếp
Đại diện Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên dẫn số liệu báo cáo từ Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), hàng năm có hơn 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục, trung bình 8 giờ có thêm một trẻ bị xâm hại, 60% số đó độ tuổi từ 12-15, và nói:
"Đây thực sự là một con số khủng khiếp". Đây là con số những vụ đã được gia đình tố cáo với các cơ quan chức năng giống như phần nổi của tảng băng. Con số thực tế bị xâm hại tình dục trẻ em thực tế có thể lớn hơn nhiều.
Thế nhưng việc bảo vệ trẻ em và xử lý hành vi xâm phạm tình dục thì sao?. "Luật quy định khoảng 15 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em vậy mà khi bị xâm hại thì không biết kêu ai, tìm đến ai để nhờ giúp đỡ. Xin hãy thôi đau xót chung chung mà hành động nhanh chóng để giải quyết vấn đề", đại diện trung tâm trên nói.
Vị này cho biết, đơn vị bà quản lý mỗi năm tiếp nhận, hỗ trợ nhiều vụ trẻ bị xâm hại tình dục, nhưng số vụ được đưa ra tòa rất ít, thường thương lượng dân sự hai bên là xong. Nếu có đưa ra cơ quan điều tra, xử lý cũng rất chậm chạp, nhiều vụ còn "chìm xuồng".
Điểm lại ba nghi án xâm hại trẻ em đình đám gần đây ở Thủ Đức, Hà Nội, Vũng Tàu, có thể thấy ở cả ba vụ này, các cơ quan pháp luật địa phương đều cùng một lý do là chưa đủ chứng cứ để xử lý.
Vụ bé gái ở Thủ Đức nghi bị xâm hại ngay trong trường học, nghi phạm bị tố cáo là nhân viên IT của trường, bệnh viện Từ Dũ xác định cháu bị tổn thương vùng kín, nhưng cơ quan điều tra đơn giản chỉ dựa vào cái camera “bị hư” trong khoảng thời gian nghi vấn xảy ra tội phạm, căn cứ vào kết luận y tế về những dấu vết trên cơ thể để cho rằng không có chứng cứ phạm tội.
Hành vi dâm ô đâu nhất thiết phải làm tổn thương cơ thể? Những người làm và hiểu về điện thì đều hiểu rằng không thể nào có chuyện dây camera tự nhiên mất điện hay ngắt nguồn tổng. Đây là sự tác động của con người nhằm xóa dấu vết,có thể điều tra ra sự tác động đó và phục hồi lại dữ liệu. Đáng tiếc hơn nữa là nhà trường không đứng về phía em học sinh bị xâm hại mà cho rằng “sự việc không xảy ra”.
Sự việc ở Hoàng Mai, Hà Nội đã kéo dài mấy tháng trời, có nhân chứng là một cậu bé cùng xóm. Sau khi báo án với công an, nghi phạm bị bắt 3 ngày rồi được thả. Dù gia đình đã ghi âm lại lời nhận tội và thách thức của nghi phạm, cùng tìm ra những nạn nhân khác cùng bị bức hại đứng ra chỉ chứng, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục im lặng. Cho đến khi trước sưc ép mạnh mẽ của dư luận, nghi phạm mới bị khởi tố, bắt tạm giam.
Nghi án xâm phạm em bé ở Vũng Tàu đã 2 năm điều tra, dù có nhân chứng, có đến 9 trẻ em bị hại khác tố cáo, cơ quan điều tra vẫn cho rằng không đủ chứng cứ vì “có 5 gia đình các bé không làm đơn”. Nhưng khi có ý kiến của Chủ tịch Nước, VKSND tối cao đã chỉ đạo VKSND TP Vũng Tàu phải yêu cầu công an thành phố ra ngay quyết định khởi tố bị can với nghi phạm để điều tra về tội dâm ô trẻ em.
Theo nội dung thông báo, ông Lê Minh Trí đã chủ trì cuộc họp với Phó viện trưởng thường trực VKSND tối cao; Vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án trật tự xã hội; và VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng với chỉ đạo trên, Viện trưởng VKSND tối cao cũng chỉ đạo, thông qua vụ án này, yêu cầu kiểm tra, rà soát ngay toàn bộ các vụ việc, vụ án về loại tội phạm này trong toàn quốc và báo cáo trước ngày 20/3 để chỉ đạo xử lý nghiêm minh, nhằm chống bỏ lọt tội phạm.
Nhận thức, quy định còn lỏng lẻo?
Chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao cho thấy có thể có tình trạng bỏ lọt tội phạm với các hành vi xâm phạm tình dục trẻ em. Nguyên nhân tình trạng bỏ lọt này không thể loại trừ yếu tố tiêu cực, bao che, và nhận thức pháp luật về hành vi này còn mơ hồ.
Pháp luật chưa có định nghĩa rõ ràng về hành vi dâm ô, định nghĩa hành vi giao cấu còn chưa khái quát hết mọi hành vi này… Suy nghĩ, quan điểm về hành vi này ngay trong giới luật gia cũng còn phân tán với khái niệm thế nào là chứng cứ, nhất là trong điều kiện bị hại là chủ thể đặc biệt là trẻ em, nhận thức chưa phát triển đầy đủ.
Có ý kiến luật sư cho rằng, chúng ta đang có một khoảng trống quá lớn trong luật pháp hình sự hiện hành trong việc quy định và thực thi đối với loại tội phạm nguy hiểm và để lại hậu quả lâu dài cho con người và xã hội này.
Dường như chúng ta chưa nhận thức đúng đắn về mức nguy hại của tội phạm ấu dâm. Nên một đối tượng phạm tội từ Mỹ trở về thì một số báo chí còn chào đón vui mừng sự trở lại của tội phạm mà đối với các đất nước văn minh là phải cách ly đến suốt đời.
Cần hiểu thêm rằng, xâm hại tình dục ở đây không chỉ được hiểu theo nghĩa đơn giản là phải có sự xâm hại trực tiếp đến cơ thể, cơ quan sinh dục của trẻ em, mà là xâm hại đến cả nhận thức bằng các hành vi tương tác từ xa.
Ở các nước văn minh việc bảo vệ trẻ em được thực hiện một cách tích cực, pháp luật và chính quyền luôn trừng trị nghiêm khắc những loại tội phạm ấu dâm một cách rất nhanh chóng, khách quan và với những hình phạt, biện pháp hết sức ngặt nghèo.
Chưa cần tiếp xúc cơ thể với trẻ em, chỉ cần cho trẻ xem ảnh khiêu dâm, gợi ý sex, gạ gẫm hay rủ rê, mời mọc, đã có thể bị phạt án tù. Sau khi thụ án xong có thể sẽ phải thiến sinh học, bị gắn chíp theo dõi kiểm tra 24/24h, phải chịu sự giám sát suốt đời hoặc ít nhất 20 năm bằng chíp điện tử.
Bị công khai tên tuổi, danh tính và hình ảnh trên thông tin quốc gia và loại tội ấu dâm đã thực hiện. Phải cách ly, tức buộc phải cách xa trẻ em một khoảng cách nhất định mà không được tiến lại gần.
Luật pháp quy định chặt chẽ, nhận thức trách nhiệm của cộng đồng với việc bảo vệ trẻ em rất cao đồng thời nhà nước các nước tiên tiến cũng tạo ra những thiết chế để bảo vệ trẻ em một cách khắc nghiệt.
Hệ thống điện thoại của Mỹ có thiết kế một số gọi đặc biệt dành cho trẻ em kêu cứu khẩn cấp, chỉ cần bấm số này không cần nói tiếng nào ngay lập tức cảnh sát sẽ có mặt. Tất cả trẻ em ngày đầu đến trường đều được dạy đầu tiên là con số này.
15 tổ chức, hệ thống luật lệ và những khẩu hiệu có cánh của chúng ta hiện nay chưa tỏ ra hiệu quả. Tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em hiện nay như cánh cửa đang mở rộng. Một số kẻ thủ ác tha hồ hành động mà không bị xử lý hoặc bị xử lý quá nhẹ nhàng. Một số nhà trường, cơ quan đang bàng quan vô tư. Muốn thay đổi điều này, phải điều chỉnh ngay từ hệ thống pháp luật, các thiết chế xã hội, và nhất là nhận thức hành vi của các cơ quan pháp luật.