Tại nội dung dự thảo Luật có 18 hành vi được quy là hành vi BLGĐ và so với luật hiện hành đã bổ sung một số hành vi bạo lực mới như: bỏ mặc không quan tâm, chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em; ngăn cản thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp; phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó; phân biệt giới tính, định kiến giới và các đặc trưng cá nhân của thành viên gia đình liên quan đến giới.
Hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép thực hiện hành vi tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng; xâm hại tình dục trẻ em hoặc thành viên khác trong gia đình; cưỡng ép mang thai, phá thai; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc các nội dung, trình diễn hành vi khiêu dâm, kích thích bạo lực và vi phạm pháp luật… cũng được coi là BLGĐ.
Tuy nhiên, trong quá trình đóng góp ý kiến, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất bổ sung thêm nhiều hành vi khác nữa với mong muốn có thể ngăn chặn từ sớm, từ xa BLGĐ. Những ý kiến đóng góp này đang rất được dư luận xã hội quan tâm, bởi một điều dễ hiểu gia đình luôn là vấn đề của mọi người, mọi nhà.
Nhưng cũng cần thấy một thực tế là, khó có thể định lượng được hết các hành vi BLGĐ để đưa vào luật. Bởi, với BLGĐ, bạo lực về kinh tế, về thể xác thì có thể thấy ngay, nhưng bạo lực tinh thần thì không dễ gì nhận ra.
Bản thân bạo lực về tinh thần, thể hiện ra bên ngoài như thế nào thì để lượng hóa cũng không hề là vấn đề đơn giản. Hay như hành vi bạo lực tình dục, đã diễn ra ở nhiều khu vực, xuất hiện trong các tầng lớp xã hội tại Việt Nam trong nhiều năm qua, nhưng đây là vấn đề tế nhị, thường ít được đề cập đến, nên rất khó nói hết được tất cả những vấn đề cần. Vì vậy, với các nhà làm luật, khó như vậy, nên khi xây dựng đã bỏ nhiều công sức cân nhắc xem đưa cái gì là chính.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 31/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã chia sẻ, nói về gia đình thì phạm vi thuộc nhiều bộ, ngành, chứ không chỉ là lĩnh vực quản lý riêng của Bộ VH,TT&DL. Ví như vấn đề trẻ em lại thuộc Bộ LĐ-TB&XH, về chăm số sức khỏe, dân số lại của Bộ Y tế, hoặc vấn đề lao động sản xuất, sinh kế lại nằm ở các bộ có tính chất kinh tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, khi soạn thảo luật, cơ quan soạn thảo đã bắt đầu Hiến pháp 2013 quy định về quyền con người, cái đó là cái cơ bản nhất. Từ quyền con người được quy định trong Hiến pháp thể hiện ra việc quyền con người được bảo vệ trong PCBLGĐ là gì.
Thứ hai là dựa trên quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề xây dựng gia đình, coi gia đình là tế bào của xã hội, là cái gốc, là nơi hình thành nhân cách, là nơi nuôi dưỡng, bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức. Đảng đã có các nghị quyết, các chỉ thị, gần đây nhất là Chỉ thị 34 về xây dựng gia đình.
Có thể thấy, trong gia đình thì có nhiều yếu tố chi phối, trong quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình thì có sự giao thoa giữa nhiều bộ, ngành, thế nên việc thể chế những vấn đề đời thường của gia đình thành công cụ pháp luật sẽ không hề đơn giản.
Vì vậy, thiết nghĩ với lần sửa đổi lần này, quan trọng nhất là Luật PCBLGĐ sẽ có cái kế thừa, có cái làm mới để làm sao khi các quy định pháp luật đi vào cuộc sống thì đạt được mục tiêu lớn nhất của PCBLGĐ, đó là xây dựng gia đình thực sự trở thành tổ ấm. Và đó mới là điều quan trọng!