“Ép” ra khỏi nhà ở ổn định hơn 40 năm
Năm 1976, được phép của HTX Láng Hạ, bác sĩ Phạm Ngọc Khổn xây dựng một căn nhà cấp 4 trên diện tích 30,6m2 tại tổ 7, phường Láng Hạ, quận Đống Đa.
Ngày 20/1/2016, UBND TP Hà Nội phê duyệt cho Cty TNHH Đầu tư RITM MEKONG thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu hỗn hợp nhà ở thấp tầng và nhà trẻ… trong đó có phần đất của nhà ông Khổn.
Ngày 17/11/2016, UBND quận Đống Đa ban hành Quyết định số 5213/QĐ-UBND “Về việc di chuyển hộ gia đình ông (bà) Phạm Ngọc Khổn – Phạm Thị Xuân Bình tại 25 Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ ra khỏi mặt bằng khu đất Viện Công nghệ quản lý, sử dụng theo Quyết định số 646/QĐ-UB ngày 30/01/2011 và số 3269/QĐ-UB ngày 22/5/2013 của UBND thành phố và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB082631 ngày 07/07/2005 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu hỗn hợp nhà ở thấp tầng và nhà trẻ”.
Tuy nhiên, UBND quận Đống Đa khi thu hồi đất và nhà của ông Khổn không đúng trình tự thủ tục thu hồi đất. Việc ban hành Quyết định di chuyển số 5213/QĐ-UBND của UBND quận Đống Đa, đã coi gia đình ông Khổn như người lấn chiếm đất đai hoặc vi phạm pháp luật?
Được biết, ngày 30/12/1987 UBND TP Hà Nội cấp Giấy sử dụng đất số 6053/XD-UB cho Viện Công nghệ, mục 1 nêu: Viện Công nghệ phải có trách nhiệm “liên hệ với chính quyền địa phương để bồi thường những gia đình hay hợp tác xã có ruộng, hoa màu hoặc tài sản khác nằm trong phạm vi đất cơ quan được sử dụng”.
Thế nhưng, Viện Công nghệ không thực hiện việc đền bù cho các hộ dân nơi đây, trong đó có gia đình ông Khổn. Không hiểu vì lý do gì, khi chưa thực hiện việc đền bù, đất còn tranh chấp mà ngày 7/7/2005, UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 082631 cho Viện Công nghệ.
Tất cả việc cấp Giấy sử dụng đất cho Viện Công nghệ năm 1987 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005 của UBND TP Hà Nội đều không công khai, không thông báo cho gia đình ông Khổn được biết. Đây là việc làm trái pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Khổn.
Luật sư Trần Thu Nam (Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Về nguồn gốc thửa đất 30,6m2 của ông Khổn dự kiến bị thu hồi, ông đã sử dụng xây nhà và ở ổn định từ năm 1976 cho đến nay không có tranh chấp với ai, phù hợp với quy hoạch khu dân cư, chưa bao giờ bị xử phạt vi phạm hành chính về đất đai. Ngày 6/3/1998, UBND phường Láng Hạ và Phòng LĐTB&XH quận Đống Đa cùng Sở LĐTB&XH TP Hà Nội đã có Giấy xác nhận chế độ chính sách theo Quyết định số 118/TTg, trong đó ghi nhận ông Khổn được hỗ trợ 70% tiền sử dụng đất.
Vì vậy, thửa đất của ông Khổn thuộc diện được đền bù về đất và tái định cư khi Nhà nước thu đất theo các quy định của pháp luật về đất đai. UBND quận Đống Đa không thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư theo đúng các quy định của pháp luật đất đai mà ban hành quyết định di chuyển là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Quyết định cưỡng chế trái luật?
Không dừng lại, căn cứ vào nhiều lý do, trong đó có công văn đề nghị của Cty TNHH Đầu tư RITM MEKONG ngày 10/1/2017, về việc cưỡng chế các hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp này lấy đất xây nhà để bán, UBND quận Đống Đa ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông Khổn.
Ngày 20/2/2017, ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa ký Quyết định số 1322/QĐ-UBND, cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Khổn, áp dụng biện pháp cưỡng chế di chuyển đối với gia đình ông Khổn từ ngày 22/2/2017 đến ngày 16/3/2017. Kinh phí phục vụ thực hiện cưỡng chế, giao Cty TNHH Đầu tư RITM MEKONG thực hiện.
“Việc UBND quận Đống Đa ban hành những văn bản, nhằm lấy nhà và đất của tôi để giao cho đơn vị tư nhân xây nhà bán kiếm lời mà không đền bù thỏa đáng cho chúng tôi là vô lý”, ông Khổn bức xúc.
Luật sư Trần Thu Nam và nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng: Việc UBND quận Đống Đa ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông Khổn, thương binh nặng đã ở đây ổn định 40 năm là vô lý. Thứ nhất, về hình thức quyết định cưỡng chế thu hồi đất biến thành việc cưỡng chế di chuyển là sai.
Thứ hai, việc cưỡng chế di chuyển thường chỉ áp dụng đối với việc cá nhân vi phạm giao thông, trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè đường phố... khi bị xử phạt, không chấp hành sẽ bị cưỡng chế di chuyển.
Thứ ba, việc thu hồi đất của dự án này, không phải phục vụ an ninh quốc gia hoặc công trình công cộng. Bản thân dự án này, từng bị đình chỉ xây dựng. Đây là dự án của doanh nghiệp tư nhân nhằm xây dựng nhà ở thương mại để bán mà UBND quận Đống Đa không bồi thường về đất, không hỗ trợ tái định cư cho ông Khổn là chưa đúng với các quy định của Luật Đất đai và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi thu hồi đất.