Quyết định “2 trong 1”
Cái ao ở thôn 7, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội có diện tích khoảng 380m2, từ những năm 1956 đã trở thành của chung của 3 hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dậu, Nguyễn Quang Lựu và ông Đào Tiến Thọ, những gia đình nghèo trong làng đã tham gia cách mạng.
Sau nhiều năm biến đổi, hiện cái ao đã không còn mà được các hộ dân san lấp để làm đất ở. Tuy nhiên, đến nay thì thửa đất vẫn chưa trở thành đất ở bởi sự can thiệp của UBND huyện Gia Lâm đã khiến cả thửa đất trở thành “bãi chiến trường pháp lý”.
Nguyên nhân của sự việc bắt đầu từ việc ông Lựu giao cho người nhà là ông Đào Tiến Ve quản lý để sang nội thành Hà Nội sinh sống. Sau một thời gian quản lý, gia đình ông Ve lại chuyển quyền cho gia đình bà Nguyễn Thị Chi tiếp tục sử dụng. Năm 1997, ông Lựu trở về quê và đòi quyền sử dụng đối với phần đất ao mà ông cho rằng gia đình ông đã được Nhà nước cho sử dụng từ những năm 1956.
Việc giải quyết khiếu nại của ông Lựu kéo dài liên tục nhiều năm. Căn cứ báo cáo của UBND xã Ninh Hiệp và Thanh tra huyện, ngày 4/2/2002, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-UB giải quyết khiếu nại của ông Lựu. Theo đó, UBND huyện đã bác khiếu nại đòi quyền sử dụng đất của ông Lựu vì lý do trong suốt một thời gian dài, nhiều lần Nhà nước kê khai sử dụng đất nhưng gia đình ông Lựu không kê khai đăng ký sử dụng thửa đất này. Trong hồ sơ quản lý đất đai đã không có tài liệu thể hiện việc gia đình ông Lựu được quyền sử dụng một phần thửa đất ao này.
Việc UBND huyện Gia Lâm bác đơn khiếu nại của ông Lựu vì lý do như trên là việc không gây ngạc nhiên. Nhưng điều gây băn khoăn là trong Quyết định giải quyết khiếu nại số 63 ngày 4/2/2002, UBND huyện “tiện thể” thu hồi luôn toàn bộ thửa đất 380m2 (cái ao cũ), trong đó có diện tích 146m2 đất mà các con ông Dậu đang sử dụng. Việc thu hồi này khiến các con ông Dậu là ông Nguyễn Văn Chỉnh, ông Nguyễn Văn Chiến “chết đứng” vì mảnh đất mà bố ông đã sử dụng gần nửa thế kỷ, không tranh chấp bỗng dưng bị thu hồi mà không có lý do.
“Ngâm” khiếu nại 14 năm rồi… trả lại
Ngay sau khi biết việc UBND huyện thu hồi cả diện tích mà gia đình đã sử dụng ổn định và hợp pháp, anh em ông Chiến đã gửi đơn khiếu nại khẩn cấp đến UBND huyện. Theo giấy biên nhận đơn thư khiếu nại của UBND huyện thì cơ quan này đã nhận đơn khiếu nại của ông Chỉnh và ông Chiến chỉ 1 tháng sau khi ban hành Quyết định “2 trong 1” số 63/QĐ-UB.
Cũng trong thời điểm này, ông Lựu, “nhân vật chính” của vụ việc khiếu nại, tranh chấp đất đai tiếp tục khởi kiện Quyết định 63/QĐ-UB ra toà án để yêu cầu huỷ bỏ quyết định này. Có lẽ do chỉ tập trung theo đuổi vụ kiện hành chính này nên UBND huyện đã “quên” không giải quyết đơn khiếu nại của anh em ông Chỉnh.
Mặc dù đơn khiếu nại không được hồi đáp nhưng anh em ông Chỉnh vẫn kiên trì gõ cửa UBND huyện. Ròng rã 14 năm, cuối cùng thì UBND huyện cũng “nhớ” ra là còn đơn khiếu nại liên quan đến Quyết định 63 chưa được giải quyết. Do vậy, ngày 7/11/2016, UBND huyện đã có văn bản trả lời người khiếu nại với một nội dung cũng bất ngờ như chính Quyết định giải quyết khiếu nại “kiêm” thu hồi đất số 63.
Cụ thể, trong Thông báo số 3312 ngày 7/11/2016, UBND huyện báo tin cho người khiếu nại biết việc cơ quan này không giải quyết khiếu nại Quyết định 63 vì lý do đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại. Theo UBND huyện, thời hiệu giải quyết khiếu nại là 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại. Hết thời hạn trên mà đơn khiếu nại chưa được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện quyết định hành chính ra toà án hoặc khiếu nại lên cấp trên. Do đó, đến nay đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại nên UBND huyện cũng hết trách nhiệm(?).
Theo Luật sư Trần Việt Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc UBND huyện viện dẫn điều luật trên để từ chối khiếu nại của dân là không đúng pháp luật. Bởi lẽ, thời hiệu giải quyết khiếu nại được viện dẫn trong thông báo của UBND huyện là căn cứ để công dân có thể khởi kiện ra toà án hoặc khiếu nại lên cấp trên, chứ không phải là căn cứ để từ chối giải quyết khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại không muốn khởi kiện ra toà hoặc khiếu nại lên cấp trên, vẫn yêu cầu cơ quan ban hành quyết định hành chính phải giải quyết, như việc anh em ông Chỉnh chờ đợi UBND huyện suốt 14 năm qua, thì UBND huyện là cơ quan ban hành quyết định hành chính bị khiếu nại phải tiếp tục giải quyết khiếu nại.
Việc ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của một công dân nhưng lại “tiện thể” thu hồi đất của công dân khác như việc UBND huyện đã làm với Quyết định số 63, theo luật sư, là có vấn đề. Phải chăng, việc từ chối thụ lý đơn khiếu nại của người dân chính là cách tốt nhất để UBND huyện Gia Lâm tránh phải sửa sai quyết định hành chính “có một không hai” này?