Tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014 ước đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 21,6 lần so với năm 2003. Tuy nhiên, Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra ra đời đã ẩn chứa nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành.
Tại Hội thảo về kết quả nghiên cứu của chuyên gia châu Âu (EU) về chính sách trong sản xuất – xuất khẩu (SX – XK) cá tra hôm 24/6 vừa qua, đại diện Hiệp hội Chế biến thủy hải sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký cho biết, cá tra của Việt Nam còn đang phải cạnh tranh trực tiếp với các loại cá thịt trắng khai thác từ biển như: cá pollock, các tuyết… đang có sản lượng gia tăng đột ngột mấy năm gần đây.
Theo ông Nam, Nghị định 36 ra đời đã tác động tích cực đến ngành cá tra như: chấm dứt tình trạng thả nổi chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại; chấn chỉnh sản xuất từ quy hoạch, cấp mã vùng nuôi, cân đối cung - cầu sản lượng, áp dụng nuôi theo VietGap… nhưng nó cũng còn rất nhiều bất cập như: quy định hàm độ ẩm của cá tra filler XK không vượt quá 86%, thay vì 83% như hiện nay; tỷ lệ mạ băng sản phẩm cá tra bằng quy định ghi nhãn bắt buộc, trọng lượng tịnh trên bao bì.
Thủ tục đăng ký hợp đồng XK đang trở thành thủ tục hành chính gây khó khăn cho DN. Hay việc quản lý hồ sơ và cung cấp đầy đủ, chính xác các giấy tờ liên quan khi lô hàng XK được chế biến từ nguyên liệu của nhiều ao nuôi, trại nuôi khác nhau.
Các mặt hàng XK chế biến từ phụ phẩm cá tra như: bột cá, dầu cá, bao tử cá… phụ phẩm XK sang thị trường khác nhau. Việc quy định đăng ký hợp đồng XK cá tra vô hình trung đã can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, tổ chức đã tạo thêm cơ chế “xin - cho” trong quan hệ kinh tế.
Theo ông Nam, thủ tục đăng ký hợp đồng XK không phải là công cụ có thể giúp kiểm soát được nguồn cung cá tra hay tạo sự ổn định về giá thu mua nguyên liệu. Bởi trên thực tế, nhiều DN và cơ sở nuôi cá tra luôn tiến hành thả nuôi trước khi chưa có hợp đồng XK. Điều đó chỉ ra, việc đăng ký hợp đồng XK sẽ không đảm bảo được DN và các cơ sở nuôi cá sẽ không thả vượt quá hay dưới mức nhu cầu thực tế.
Nếu chỉ vì mục tiêu kiểm soát để bảo đảm rằng cá XK được nuôi bởi các cơ sở đã được chứng nhận VietGap và các điều kiện nuôi trồng khác thì chỉ cần trong bộ hồ sơ Hải quan (hoặc Nafiqad) có giấy tờ chứng minh cá được lấy từ các ao nuôi được cấp phép và có chứng nhận của địa phương… Khi đó Hải quan sẽ xem xét cho phép XK và ngược lại sẽ không được XK.
Việc quy định giá sàn thu mua nguyên liệu cũng đang vi phạm pháp luật cạnh tranh, theo đó các nhóm DN, hiệp hội không được phép thỏa thuận ấn định một mức giá cố định. Quy định về giá sàn nguyên liệu cá tra của Nghị định này đang trái với các văn bản pháp luật cấp cao hơn, cụ thể là Luật Giá và Luật Cạnh tranh.
Để gỡ khó cho con cá tra XK, ông Nam đề nghị cần sớm bãi bỏ những thủ tục quy định về giá sàn nguyên liệu cá tra; bãi bỏ thủ tục đăng ký hợp đồng XK cá tra qua Hiệp hội Cá tra Việt Nam mà xem xét thay vào đó là cơ chế chứng nhận các lô nguyên liệu từ các cơ quan quản lý và người tiêu dùng địa phương theo đúng cách tiếp cận về đăng ký, cấp phép ao, vùng nuôi của Nghị định này…