PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng hậu quả của bia rượu đầu năm mới là rất nặng nề. Trong đó các trường hợp tại nạn giao thông, ẩu đả dẫn đến chết người vì những cuộc nhậu luôn khiến chúng ta phải lo lắng.
Công chức nhà nước không phải ngoại lệ
"Công chức viên chức có lẽ cũng không khác gì những người không phải công chức xung quanh mặc dù đã có những chỉ thị cấm uống rượu bia trong giờ làm việc, trong giờ nghỉ trưa. Khi đi đến phòng làm việc của các lãnh đạo các cơ quan, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy có chai rượu để tiếp khách bất cứ lúc nào, mời uống tại chỗ." - Ông Bình chia sẻ thêm.
Có thể thấy việc cấm, hạn chế uống rượu bia của công chức, viên chức trong giờ làm việc là không có tác dụng trên thực tế.
Dọc các khu phố ăn uống, con đường có nhiều nhà hàng, quán nhậu, karaoke những ngày trước và sau Tết có thể thấy hàng loạt các xe ô tô biển số ngoại tỉnh, xe biển xanh. Văn hóa rượu bia đã đi sâu vào nếp nghĩ của nhiều cá nhân, tập thể.
Ô tô biển xanh tại một số địa điểm nhà hàng, quán nhậu dịp đầu năm. |
Công chức nhà nước cũng bị cuốn theo 'văn hóa zô zô' |
Muốn có quan hệ tốt với sếp: nhậu. Muốn gặp thuận lợi trong giao thương với khách hàng, đối tác: nhậu. Muốn tình cảm anh em tốt hơn: nhậu. Sinh nhật, cưới hỏi, tất niên, mừng năm mới... - lại là nhậu. Nhiều người có muôn vàn lý do để có thể tập hợp và 'làm vài ly' với bạn bè, người thân.
Ảnh về những cuộc rượu bia tại Việt Nam của hãng thông tấn AFP |
Ông Bình cho hay: "Nam giới sẽ bị chê là không mặc quần, mặc váy nếu không sử dụng rượu bia để thúc ép nhau chén rượu. Không những thế, hiện nay rất nhiều bạn nữ cũng tự thưởng cho mình những chén rượu khi đến các nhà hàng, quán nhậu như để chứng tỏ bản thân mình".
Ngay cả khi được hỏi rằng có nhận được lời mời từ bạn bè, cấp dưới vào những thời điểm đầu năm hay không. Thì chính bản thân ông cũng thừa nhận rằng: "Trừ trường hợp tôi tìm được lý do chứ nhiều khi cũng không thể chối từ. Chúng ta đều bị tâm lý mặc cảm, mình không được phép sa đà quá với sinh hoạt chung. Nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt. Không vì thế mà nhận lời mọi lúc và uống vô tội vạ".
Những con số 'biết nói'
Ông Trịnh Hòa Bình cũng cung cấp những số liệu về tiêu thụ rượu bia tại nước ta. Theo đó, tính đến tháng 1/2016 Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỉ lít (năm 2010 là 2,4 tỉ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân. Trung bình mỗi người Việt uống 41 lít bia trong năm 2016. Trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, cả nước tiêu thụ tới 300 triệu lít bia.
Một nghiên cứu mới đây của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 77% đàn ông Việt Nam biết uống bia rượu. Trong khi đó tỉ lệ toàn thế giới chỉ xấp xỉ 48%. Một thực trạng đáng báo động.
Cũng theo số liệu của Bộ Y tế chỉ trong 3 ngày Tết đã có hơn 2.200 trường hợp nhập viện cấp cứu do đánh nhau.
Còn theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, cả nước xảy ra 368 vụ TNGT, làm chết 203 người, bị thương 417 người. Riêng ngày mùng 5 Tết, có 41 vụ tai nạn, làm chết 30 người, bị thương 47 người, trong đó đường bộ xảy ra 39 vụ.
Vụ TNGT đường sắt tại tỉnh Đồng Nai ngày 1/2 - mùng 5 Tết khiến chiếc ô tô biến dạng hoàn toàn. (ảnh: Cục CSGT) |
Trong khi các quốc gia nâng tầm rượu của họ thành một đặc sản, quốc tửu như rượu Sochu của Hàn Quốc, Sake của Nhật Bản, Mao Đài của Trung Quốc... thì tại Việt Nam rượu nào cũng có thể uống và bày bán tràn lan, không nhãn mác.
Cũng như 'văn hóa phong bì', 'văn hóa rượu bia' đang dần trở thành một phương thức giao tiếp trong xã hội hiện nay. Một phương thức tiêu tốn về kinh tế, hủy hoại về sức khỏe mà nhiều người lại cho rằng là để ...'ngoại giao'.