Dấu hiệu nhận biết rối loạn tự kỷ
Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan toả với mức độ từ nhẹ đến nặng do rối loạn phát triển hệ thần kinh. Rối loạn phổ tự kỷ (autism spectrum disorder: ASD) được đặc trưng bởi các triệu chứng từ ba nhóm sau: Những bất thường ở chất lượng tương tác xã hội, bất thường trong việc giao tiếp, các mô hình hành vi hoặc các mối quan tâm bị thu hẹp, rập khuôn và lặp lại.
Đây là một rối loạn mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ, hành vi cũng như khả năng học tập, sinh hoạt và khả năng thích ứng của trẻ sau này. Bệnh thường khởi phát trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Việc can thiệp sớm mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện các triệu chứng tự kỷ, giúp trẻ học các kỹ năng quan trọng, nâng cao khả năng học tập và hoà nhập xã hội |
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc can thiệp sớm mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện các triệu chứng tự kỷ, giúp trẻ học các kỹ năng quan trọng, nâng cao khả năng học tập và hoà nhập xã hội.
Vì vậy các hoạt động can thiệp, điều trị cần được thực hiện ngay sau khi có đánh giá toàn diện đối với trẻ có các yếu tố nguy cơ càng sớm càng tốt, ngay khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mà không chờ đến khi chắc chắn có “tự kỷ” hay không. Phát hiện trẻ tự kỷ ở giai đoạn đầu rất quan trọng và nhất là trong giai đoạn "vàng" phát triển (6 tháng đến 3 tuổi).
Theo nhiều chuyên gia, bác sĩ, tự kỷ rất khó chẩn đoán khi còn sớm vì hiện không có dấu hiệu sinh học hoặc xét nghiệm y tế xác định chính xác, chỉ dựa vào thông tin do phụ huynh cung cấp và quan sát hành vi thực tế của trẻ tại thời điểm đó. Tuy nhiên, những biểu hiện của tự kỷ khác làm cho việc chẩn đoán tự kỷ cho những trẻ dưới 3 tuổi trở nên khó khăn.
Theo BSCKII Phục hồi chức năng Đỗ Minh Hoàn - Phó giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai, các dấu hiệu “cờ đỏ” cảnh báo trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ mà các gia đình có thể dễ dàng nhận thấy để đưa con đến khám sàng lọc như sau: Trẻ 6 tháng: Không cười, đáp vui vẻ hoặc có biểu hiện thích thú; Trẻ 9 tháng: Không có sự tương tác qua lại bằng âm thanh, nụ cười hoặc biểu lộ bằng ánh mắt, nét mặt;
Trẻ 12 tháng: Không nói bập bẹ và không tương tác qua lại bằng cử chỉ, điệu bộ như chỉ ngón trỏ, với hoặc vẫy tay; Trẻ 16 tháng: Chưa nói được từ đơn; Trẻ 24 tháng: Chưa nói được câu 2 từ rõ nghĩa hoặc có dấu hiệu nhại lời; Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc mất kỹ năng xã hội ở bất kỳ lứa tuổi nào.
BSCKII Phục hồi chức năng Đỗ Minh Hoàn - Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai |
Hiện nay chưa có các bằng chứng khoa học chắc chắn về nguyên nhân và bệnh sinh của rối loạn tự kỷ. Các yếu tố có liên quan đóng vai trò chính là gen và di truyền. Ngoài ra các yếu tố khác bao gồm sự phát triển bất thường của não, tuổi của bố mẹ, những khó khăn trong thai nghén và sinh nở, tình trạng dinh dưỡng, sử dụng thuốc trong thời gian mang thai, cân nặng khi sinh và môi trường sống của mẹ, các bệnh nhiễm khuẩn, sự tương tác giữa gen và các yếu tố môi trường.
Phát hiện trẻ tự kỷ ở giai đoạn đầu rất quan trọng và nhất là trong giai đoạn "vàng" phát triển (6 tháng đến 3 tuổi). |
Nguyên nhân của tự kỷ không liên quan đến sự xa cách tình cảm giữa trẻ với cha mẹ, cách nuôi dạy trẻ của gia đình, việc trẻ xem nhiều ti vi, điện thoại… Tuy nhiên, nếu các yếu tố môi trường, gia đình không thuận lợi sẽ khiến trẻ tự kỷ giảm cơ hội phát triển, các biểu hiện trở nên nặng hơn và việc can thiệp sẽ khó khăn hơn.
Bà Tăng Ngọc Nữ - Thạc sĩ Công nghệ sinh học Đại học Cornell (Mỹ), Trưởng phòng tư vấn di truyền tại Genetica, cho biết, nguyên nhân cụ thể của rối loạn phổ tự kỷ đến nay vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng cho thấy yếu tố gene, môi trường hoặc kết hợp giữa gene và môi trường là nguyên nhân gây tự kỷ. Có một số báo cáo chỉ ra rằng các điều kiện kinh tế, xã hội cũng có liên quan tới tỷ lệ mắc căn bệnh này.
Cha mẹ là những người gần gũi nhất, yêu thương trẻ nhất, và có nhiều thời gian ở bên trẻ nhất, nên thường là người đầu tiên nhận ra những biểu hiện bất thường ở trẻ. Cha mẹ và gia đình cũng chính là người đồng hành quan trọng nhất đối với trẻ tự kỷ và các nhà chuyên môn xuyên suốt quá trình khám, chẩn đoán và can thiệp.
Vai trò phục hồi chức năng đối với điều trị can thiệp rối loạn phổ tự kỷ trẻ em
Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ nhằm hạn chế tối đa các khuyết tật, tăng cường hoạt động chức năng chủ động và chất lượng cuộc sống của trẻ, qua đó làm giảm bớt gánh nặng và căng thẳng trong gia đình, tạo điều kiện học tập và phát triển cho trẻ.
BSCKI Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó khoa Phụ trách khoa Nội Nhi Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai hướng dẫn trẻ nhận biết đồ vật. |
Khoa Nội Nhi - Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai là đơn vị y tế đầu tiên của tỉnh Lào Cai được giao nhiệm vụ khám sàng lọc, can thiệp và điều trị cho đối tượng trẻ đặc biệt như tự kỷ, chậm phát triển tâm thần, tăng động giảm chú ý, các rối loạn về vận động và ngôn ngữ khác.
Đây cũng là đơn vị đầu tiên tại tỉnh Lào Cai áp dụng mô hình điều trị kết hợp các phương pháp y học với các phương pháp tâm lý - giáo dục để can thiệp và điều trị cho trẻ với đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo bài bản, có nhiều năm kinh nghiệm.
Theo BSCKI Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó khoa Phụ trách khoa Nội Nhi Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai: Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi đến khám sàng lọc và điều trị rối loạn phổ tự kỷ ngày càng tăng.
Tại Khoa Nội Nhi - Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai, trong 6 tháng đầu năm 2024 có tổng số 975 lượt bệnh nhi khám chữa bệnh, trong đó 258 lượt có chẩn đoán liên quan đến tự kỷ, chiếm 26,46%. Như vậy, nhu cầu phục hồi chức năng cho nhóm bệnh nhi này là rất lớn.
Chương trình khám sức khỏe ngoại viện, sàng lọc khuyết tật sớm cho trẻ em tại các Trường mầm non trên địa bàn Thành phố Lào Cai. |
Hướng tới mô hình điều trị đa phương pháp, tác động đến mọi khiếm khuyết của trẻ tự kỷ, bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai thường xuyên cập nhật các kiến thức chuyên môn cũng như tiến hành nghiên cứu, đánh giá các phương pháp điều trị cho trẻ tự kỷ.
Một số đề tài đã và đang được triển khai áp dụng tại bệnh viện: “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Lào Cai” kết hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh; đề tài nghiên cứu: “Đánh giá tác dụng của phương pháp nhĩ châm kết hợp hoạt động trị liệu trong điều trị trẻ rối loạn phổ tự kỷ”…
Hiện nay, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai đã triển khai, áp dụng nhiều phương pháp mới, hiện đại để điều trị cho trẻ tự kỷ, bao gồm: Ngôn ngữ, vật lý trị liệu, vận động trị liệu, y học cổ truyền (xoa bóp bấm huyệt và châm cứu), can thiệp 1:1 và hoạt động theo nhóm.
Ngoài ra Bệnh viện còn áp dụng các liệu pháp trị liệu chuyên sâu như Âm nhạc trị liệu, Trị liệu giác quan và Tâm vận động; hướng tới mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ toàn diện hơn đến các khiếm khuyết của trẻ đã giúp nhiều trẻ tự kỷ cải thiện về ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi, cải thiện tích cực về nhận thức, tư duy, giao tiếp xã hội cơ bản và kỹ năng tự phục vụ bản thân, giúp trẻ hoà nhập với cộng đồng.
Tiến sỹ, tâm thần học người Pháp - Bà Marie Joelle OREVE ép và đoàn tình nguyện viên Trường Đại học Clermont - Ferrand, chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu trao đổi chuyên môn với cán bộ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai. |
Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, Bệnh viện đã mở rộng chương trình hợp tác quốc tế kết hợp với Tổ chức Hội Hợp tác vì trẻ em Việt Nam (Enfance Partenariat Vietnam/EPVN) làm việc với chuyên gia là tiến sỹ, tâm thần học người Pháp - bà Marie Joelle OREVE ép và đoàn tình nguyện viên Trường Đại học Clermont - Ferrand, chuyên ngành Ngôn ngữ trị liệu đã trao đổi nội dung các cập nhật trong chẩn đoán và điều trị trẻ tự kỷ, tổ chức các buổi chia sẻ lý thuyết và thực hành các phương pháp Giao tiếp thay thế và tăng cường: PECS, PODD, TEACCH; và các buổi trao đổi tư vấn trực tiếp cho các phụ huynh của bệnh nhi tại Bệnh viện.
Định kỳ hằng năm, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai kết hợp với Phòng giáo dục và đào tạo thành phố Lào Cai tổ chức khám sức khỏe ngoại viện cho trẻ em tại các Trường mầm non trên địa bàn Thành phố Lào Cai, nhằm góp phần nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ nâng cao sức khoẻ nhân nói chung và sức khoẻ tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố.
Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ nhằm hạn chế tối đa các khuyết tật, tăng cường hoạt động chức năng chủ động và chất lượng cuộc sống của trẻ, qua đó làm giảm bớt gánh nặng và căng thẳng trong gia đình, tạo điều kiện học tập và phát triển cho trẻ. |
Qua các buổi khám, những trẻ có dấu hiệu: các rối loạn ngôn ngữ (chưa biết nói, nói ngọng, nói lắp...), nhận thức chậm, kém tập trung, tự kỷ, tăng động… đã được các bác sĩ chuyên khoa của khoa Nội Nhi tư vấn biện pháp hỗ trợ can thiệp tại gia đình, trường học, hướng dẫn đến điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện phù hợp với từng đối tượng trẻ.
Đây là hoạt động có ý nghĩa và quan trọng trong công tác giáo dục sức khoẻ cho trẻ mầm non, đồng thời giúp cho nhà trường và gia đình có biện pháp phối hợp trong can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật, góp phần nâng cao công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ tại trường mầm non.