Trước yêu cầu thực tiễn đó, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2017 – 2020, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 6 tới.
Tăng trưởng giảm
Theo ông Vũ Việt Hùng - Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp đang gặp nhiều điểm nghẽn, cản trở sự phát triển. Theo đó, mặc dù hầu hết các ngành công nghiệp vẫn tiếp tục có mức tăng trưởng dương, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang giảm trong những năm gần đây, từ 14,3%/năm của giai đoạn 2006 – 2010, giảm xuống 10%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015.Một số ngành công nghiệp có độ tăng trưởng giảm mạnh như ngành thép, kim loại đúc sẵn, may mặc, nhựa…
Theo ông Hùng, kinh nghiệm của một số quốc gia công nghiệp hóa thành công như Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy, ở giai đoạn đầu phát triển công nghiệp có đặc trưng tốc độ tăng trưởng rất cao, cả hai quốc gia này đều có tốc độ tăng trưởng hơn 30%/năm. Trong khi đó Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, tuy nhiên, độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đang giảm dần. “Nếu không có những đột phá để có thể thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của công nghiệp, Việt Nam sẽ rất khó khăn để có thể thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa”, ông Hùng cảnh báo.
Dự thảo của Bộ Công Thương chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng giảm dần trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam thời gian qua chủ yếu là do các ngành công nghiệp hàng đầu đều đã chạm tới các giới hạn về cầu và thị trường. Theo đó, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ đạo vẫn tập trung ở ngành công nghệ thấp và ở khâu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, trong khi việc phát triển công nghiệp dựa vào chiều rộng đã gần tới hạn và khó có thể tăng nhanh hơn nữa. Trong khi đó, các ngành công nghiệp mới nổi lên chưa có khả năng thay thế, còn ít các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam cần lựa chọn một số ngành công nghiệp có quy mô lớn và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế để tập trung cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng như dệt may, da giày, ngành công nghiệp thực phẩm, hóa chất và các sản phẩm hóa chất, cơ khí...
Dự thảo đánh giá, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) trong các ngành công nghiệp đều đạt thấp. Cụ thể, tốc độ tăng NSLĐ giai đoạn 2006 – 2015 chỉ khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%. Lao động không có chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ trọng lớn và không cho thấy được sự cải thiện qua các năm, chỉ có 18,1% tổng số lao động đang làm việc có trình độ từ sơ cấp nghề trở lên.
Nhập siêu phản ánh sự chưa bền vững
Bộ Công Thương thừa nhận, nhập siêu kéo dài trong ngành Công nghiệp cho thấy năng lực nội tại còn yếu kém. Theo đó, mặc dù là nền kinh tế tăng trưởng dựa khá nhiều vào xuất khẩu, nhưng tình trạng nhập siêu lại kéo dài trong nhiều năm. Quy mô nhập khẩu tăng gần 3 lần trong 10 năm qua, từ 57,5 tỷ USD năm 2007 lên 156,4 tỷ USD năm 2015. Tỷ trọng nhập khẩu của ngành Công nghiệp trong tổng kim ngạch nhập khẩu Việt Nam luôn ở mức rất cao và liên tục tăng, từ 91,4% năm 2007 lên 94,1% vào năm 2015.
Bộ Công Thương cho rằng nhập siêu kéo dài trong khu vực công nghiệp phản ánh bức tranh về phát triển công nghiệp chưa bền vững. Điều này thể hiện nền công nghiệp Việt Nam phát triển mất cân đối về chuỗi giá trị khi không có khả năng tự cung ứng về nguồn đầu vào và máy móc thiết bị cho sản xuất công nghiệp, dẫn đến ngành công nghiệp trong nhiều năm vẫn cơ bản chỉ có thể phát triển ở khâu gia công. Ngành Công nghiệp quá bị phụ thuộc vào nhập khẩu và dẫn đến sự thiếu chủ động trước các biến động của thị trường thế giới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém khác của nền công nghiệp Việt Nam như công nghệ sản xuất trong các ngành công nghiệp chỉ đạt ở mức trung bình thấp so với khu vực và toàn cầu; năng lực cạnh tranh trong công nghiệp đạt thấp; đầu tư trong công nghiệp chưa đi vào chiều sâu, việc thu hút và tận dụng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) còn nhiều hạn chế; các doanh nghiệp công nghiệp nội địa quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh nhìn chung còn thấp, chưa có các doanh nghiệp công nghiệp có thương hiệu cạnh tranh khu vực và toàn cầu; một số ngành công nghiệp trọng điểm do các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo có hiệu quả hoạt động chưa cao…
Theo TS.Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lí do quan trọng phải sớm tái cơ cấu ngành Công nghiệp Việt Nam là bởi năng suất lao động thấp, tăng trưởng chậm; công nghiệp chế biến, chế tạo có trình độ thấp so với các nước trong khu vực. Theo TS. Anh, tái cơ cấu ngành này là việc cần thiết, tuy nhiên cần bám sát vào kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các bộ, ban ngành trung ương và địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướnghiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, trước tình trạng ngành Công nghiệp còn nhiều khuyết điểm, yếu kém, việc tái cơ cấu lại ngành này là rất cần thiết và kịp thời.