Làm lại cuộc đời
Là người dân tộc Stiêng, hiền lành, chân chất, không biết chữ, chị Chung ở xã Đắk Ơ huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước không bao giờ nghĩ có ngày mình phải bước chân vào chốn lao tù. Vậy mà chỉ vì một phút thiếu suy nghĩ dẫn tới hành vi chống người thi hành công vụ, chị phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhờ cải tạo tốt, nhân thân tốt, được giảm án, chị Chung đã mãn hạn tù trở về nhà sau 6 tháng thụ án.
Trong đoàn khách đến nhà chúc mừng chị có cả đoàn khách của đại diện chính quyền và Hội Phụ nữ xã. Trò chuyện, biết được chị Chung và chồng là anh Điểu Mun có nguyện vọng đi làm công nhân cạo mủ cao su. Chính quyền địa phương đã giúp đỡ để hai vợ chồng chị Chung được nhận vào làm việc tại một công ty cao su trên địa bàn.
Giờ đây, ngày ngày những công nhân trong tổ rất quen thuộc với hình ảnh hai vợ chồng chị Chung chở nhau đi làm từ tinh mơ sáng, không vắng ngày nào. Nhờ chăm chỉ làm việc, thu nhập của hai vợ chồng chị mỗi tháng thấp nhất cũng 7 triệu đồng, có tháng được 12 triệu đồng.
Chính quyền, Hội Phụ nữ xã còn giúp anh chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trồng điều: “Ngoài thu nhập từ công việc cạo mủ cao su, vợ chồng tôi còn có thu nhập từ 2ha điều. Công việc ổn định, kinh tế gia đình đang dần vững vàng, con cái được đi học tôi vui lắm”, người phụ nữ từng khoác áo tù nhân tâm sự.
Trong bài viết trước chúng tôi có nói đến trường hợp của chị Mai và chị Lan ở Thanh Hóa, nhờ sự động viên, trợ giúp kịp thời của địa phương đã khởi nghiệp thành công. Chị Mai thay vì bị bàn bè xấu lôi kéo trở lại con đường cũ, hiện là chủ một cửa hàng hoa ở TP Thanh Hóa. Chị còn tạo công ăn việc làm cho 20 người nhân công cũng từng có một thời lầm lỡ như mình.
Đại tá Ngô Đức Hưng - Phó Cục trưởng C86 chia sẻ câu chuyện hoàn lương cảm động |
Với chị Lan, mái ấm nhỏ đã rôm rả tiếng cười trở lại. Người chồng sau khi chứng kiến sự động viên và giúp đỡ từ địa phương cho vợ mình đã dứt bỏ chuỗi ngày chè thuốc quay lại với nghề đi biển. Hiện chị Lan đang lên kế hoạch để sử dụng số vốn 100 triệu vừa được giúp đỡ cho vay trong năm 2018 để gây dựng một cơ sở sản xuất nước mắm đúng với mơ ước và sở trường.
“Tôi đã quên đi quá khứ của một phạm nhân nhờ nhận được sự giúp đỡ của chính quyền và Hội Phụ nữ. Giờ trong mắt làng xóm tôi không còn là người phụ nữ mới ra tù nữa mà đã là người phụ nữ biết làm ăn, lo kinh tế gia đình”, chị Lan vui vẻ.
Đường hoàn lương không đơn độc
Như vậy, câu hỏi đau đáu của chị Lan “Ai sẽ tin tôi, giúp tôi, một kẻ đã ra tù vào tội?” đã có câu trả lời. Nhưng vì lý do khách quan và chủ quan, câu trả lời này vẫn cần sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng. Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Thực trạng, giải pháp hỗ trợ nữ phạm nhân và phụ nữ tái hoàn lương hòa nhập cộng đồng” diễn ra ở huyện Chơn Thành tỉnh Bình Phước, bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam nhấn mạnh:
“Nữ phạm nhân tái hoàn lương hòa nhập cộng đồng sẽ không bao giờ đơn độc, Hội LHPN và các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các chị tạo sinh kế hiệu quả, tự tin hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi cũng muốn nhắn gửi đến các chị em không bao giờ là quá muộn. Chị em cần biết vượt lên chính mình, vượt qua những rào cản, định kiến của xã hội để không mắc lại những sai lầm cũ, trở thành một người phụ nữ lương thiện”.
Chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương, chị Trần Thị Mỹ Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành lý giải vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên các nữ phạm nhân khi mãn hạn tù trở về thường bị kỳ thị. Chính quyền và Hội Phụ nữ cần tìm cách tiếp cận đa diện: “Tiếp cận với gia đình để nắm được tâm tư, nguyện vọng; còn tiếp cận với bản thân các mẹ, các chị để biết họ cần hỗ trợ gì? Chỉ hỗ trợ tinh thần hay cả vốn, việc làm, từ đó đưa ra giải pháp”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Bằng- Trưởng Ban Dân vận huyện Chơn Thành, nguồn vốn giúp phụ nữ hoàn lương quan trọng không kém. Nhưng không phải lúc nào cũng tìm được giải pháp vì các ngân hàng vẫn còn ít chính sách cho vấn đề này.
Một cán bộ công an thị trấn Chơn Thành chia sẻ: “Nhiều khi chính quyền không dám cho vay vốn vì sợ những người mãn hạn tù bỏ đi hoặc sử dụng vốn không đúng. Theo tôi, cần thay đổi tư duy này, mạnh dạn cho vay vốn để giúp được nhiều trường hợp tái hoàn lương hòa nhập cộng đồng nói chung và phụ nữ nói riêng”.
Từ góc độ của cán bộ trại giam, ông Phan Bá Trình – Phó Giám thị trại giam Tống Lê Chân cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm đến từng phạm nhân để dạy chữ, dạy nghề cho họ. Trước khi phạm nhân mãn hạn tù, chúng tôi thông báo về địa phương để họ nắm bắt, phối hợp tiếp tục giúp đỡ quá trình hoàn lương.
Nhưng để rộng mở con đường hoàn lương hơn nữa, chúng tôi mong muốn Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư hướng nghiệp cho phạm nhân tại trại để khi ra về họ có thể bắt kịp cuộc sống; để nhiều cơ sở đầu tư vào trai giam phục vụ hướng nghiệp cần có chính sách hỗ trợ và giảm thuế; cũng tương tự như vậy cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đón nhận phạm nhân làm việc sau khi mãn hạn tù về địa phương”.
Không thể bỏ qua vai trò gia đình
Tiếp xúc với những phạm nhân nữ trong trại giam Tống Lê Chân, điều người viết nhận thấy rõ là những người được gia đình quan tâm luôn có tinh thần cải tạo tốt. Ví dụ như câu chuyện nữ phạm nhân Bùi Thị Ngọc Trân (SN 1957, quê Cần Thơ), chồng tuy sức khỏe yếu nhưng cứ ba tháng lại lặn lội đi thăm vợ một lần.
Các nữ phạm nhân tham gia trò chơi tình huống đề tài khởi nghiệp |
Hay nữ phạm nhân Mai Bội Nhung (SN 1987) thổ lộ rất biết ơn mẹ chị đã bao dung và khuyên bảo các anh chị em trong gia đình bỏ qua lỗi lầm của chị, động viên chị cố gắng cải tạo tốt. Nhờ động lực từ gia đình, người thân mà chị Trân, chị Nhung đã cải tạo tốt, đường hoàn lương rộng mở.
Xin phép thay lời kết bài viết bằng một câu chuyện đầy cảm động mà Đại tá Ngô Đức Hưng - Phó Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và Hòa nhập cộng đồng (C86) đã kể trong buổi truyền thông tạo động lực khởi nghiệp cho những nữ phạm nhân tại trại giam Tống Lê Chân:
Chuyện kể về gia đình chồng là bộ đội, vợ giáo viên ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Người chồng vi phạm pháp luật phải chịu mức án 12 năm tù, sau 8 năm cải tạo tốt, anh được ra tù trước thời hạn. Ngay buổi tối về nhà, người vợ hỏi chồng đã có kế hoạch gì cho tương lai chưa.
Người chồng trả lời bây giờ tay trắng, không nghề, không tiền, chắc tính chuyện lên cửa khẩu Tân Thanh làm cửu vạn. Nghe vậy, vợ bảo người chồng hãy mở tủ lấy ra hộp giấy, trong đó có 84 chiếc phong bì mỗi chiếc chứa 3 triệu đồng:
“Đây là 84 tháng lương giáo viên của em trong 7 năm anh đi tù, em đã dành dụm không tiêu để giúp anh có vốn hoàn lương. Còn trong thời gian đó, để lo cuộc sống cho hai con và bố mẹ, ngoài giờ lên lớp em đã dạy thêm và chạy chợ trang trải cuộc sống”, người vợ nói với chồng.
Lặng đi vì cảm động trước những chiếc phong bì chứa đựng “tháng lương vàng” của vợ, người chồng quyết tâm làm lại cuộc đời. Tới nay họ đã xây dựng được ngôi nhà khang trang 3 tầng, sắm được ô tô và mở cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng.
Rời trại giam Tống Lê Chân khi cơn mưa chiều ập xuống trên những cánh rừng cao su, nhìn những đoàn nữ phạm nhân trở về khu nhà ở sau buổi truyền thông với nét mặt phấn khởi. , tôi nghĩ chắc hẳn không ít người trong số họ đã có những dự định cho tương lai sau khi rời nơi đây.