Từ “nghi can” trở thành “nhân chứng”
Theo Cáo trạng của VKSND huyện Thủy Nguyên, vào hồi 0h ngày 4/3/2015, Hoàng Anh Tài (SN 1987, HKTT tại xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên) đi tiểu tiện trước cửa nhà anh Bùi Đức Duy (SN 1994, HKTT tại thôn 1B, xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên). Bị anh Duy nhắc nhở về hành vi thiếu văn minh này, Tài đã dùng gạch ném vào cửa nhà anh Duy. Thấy vậy, anh Duy nổi xung, dùng gậy đuổi đánh Tài.
Sau khi được mọi người can ngăn, Tài chạy xe máy về nhà anh trai là Hoàng Anh Tiến (SN 1984, HKTT tại thôn Chợ Tổng, xã Lưu Kiếm) để “cầu cứu”.
Lấy con dao dài 35 cm giắt vào người, Tài được Tiến chở quay lại khu vực nhà anh Duy. Anh Duy thấy vậy bỏ chạy vào trong ngõ nhưng Tài, Tiến vẫn đuổi theo. Đến đoạn ngõ cụt, anh Duy vấp ngã thì bị Tài lao đến chém nhiều nhát vào chân, mông khiến anh này bị tổn hại 27% sức khỏe.
Dù anh Duy khẳng định mình bị hai người đuổi theo và Tiến vật anh ngã xuống đất để Tài lao vào chém, tuy nhiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) và VKSND huyện Thủy Nguyên đều cho rằng chưa đủ căn cứ để khởi tố, điều tra Tiến với vai trò đồng phạm nên tách Tiến khỏi vụ án. Từ vai trò nghi phạm, người liên quan, Tiến trở thành nhân chứng của vụ án.
Chưa xem xét việc “giúp sức” về tinh thần
Việc tách Tiến ra khỏi vụ án như trên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và bỏ lọt tội phạm bởi không phù hợp với các chứng cứ trong vụ án: Các biên bản ghi lời khai, bản tự khai ban đầu của Tài, của Tiến cũng như của anh Du (người làm chứng) đều thể hiện Tiến và Tài đuổi đánh khiến anh Duy phải bỏ chạy vào trong ngõ, Tiến là người bắt kịp anh Duy khi anh bị vấp ngã; Tiến đã đè, vật ngửa anh Duy ra để Tài chém nạn nhân.
Hoàng Anh Tiến cũng tự khai về động cơ, mục đích chở Tài quay lại nơi vừa xảy ra vụ ẩu đả là: “Tôi cùng Tài xuống thôn 1B xem sự việc xảy ra thế nào, ai đánh Tài, cần thiết thì tôi đánh hộ”. Tại bản tường trình của mình, Tiến thừa nhận: “Tôi ôm đối tượng (anh Duy – PV) cho em tôi đánh”.
Thế nhưng sau đó cả Tiến và Tài đã thay đổi lời khai theo hướng: Duy là người đuổi Tài, Tiến chạy theo để can ngăn vụ đánh nhau.
Từ những lời khai này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thủy Nguyên đã “chuyển” hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm của Tiến thành hành vi “can ngăn” Tài và “chưa đủ căn cứ chứng minh Tiến có đầy đủ dấu hiệu của hành vi đồng phạm với vai trò giúp sức Tài trong việc thực hiện hành vi phạm tội”.
Nhận định trên không chỉ không phù hợp với lời khai ban đầu của Tiến, Tài mà còn mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng Du. Tại Cơ quan CSĐT và tại phiên tòa, anh Du đều cho biết: “Thấy Tiến đè lên người Duy, tay phải của Tiến đang siết vào cổ Duy. Thấy vậy, tôi nhảy vào lôi Tiến và nói sao anh em mày lại đánh nhau”.
Tuy lời khai của nhân chứng và lời khai ban đầu của bị cáo như trên nhưng HĐXX TAND huyện Thủy Nguyên vẫn cho rằng chỉ mình Tài thực hiện hành vi phạm tội. Ý chí, hành vi của Tiến chưa đủ căn cứ để chứng minh là hành vi giúp sức trong vụ án với vai trò đồng phạm.
Nhưng có thể thấy rằng, trong vụ việc này, động cơ, mục đích khi quay lại hiện trường của Tiến; việc hai anh em đèo nhau và Tài giắt dao trong người… đã có đầy đủ yếu tố để xác định 2 anh em Tiến, Tài đều thống nhất và có chung ý chí muốn đánh, chém nạn nhân. Chưa nói đến việc giúp về “vũ lực” thì rõ ràng không thể loại trừ hành vi giúp sức về “tinh thần” của Tiến trong vụ việc này. Khi có sự đồng ý giúp sức, “động viên” của Tiến thì Tài mới đủ can đảm quay lại hiện trường để trả thù anh Duy? Thử hỏi, nếu có một mình thì Tài có dám quay lại để đánh, chém nạn nhân?
Nhiều uẩn khúc chưa rõ
Kết luận điều tra cho rằng: “Khi anh Duy ngã xuống đất, Tài chạy quay lại, dùng dao chém hai nhát vào vùng chân khiến anh Duy bị gãy chân” (tức là vết thương của anh Duy phải nằm ở phía sau người). Nhận định này bất hợp lý hơn ở chỗ, thực tế thì vết chém của anh Duy lại ở mặt trước cẳng chân, tức là anh Duy bị chém khi đang nằm ngửa (đúng như lời khai của nạn nhân và nhân chứng rằng Tiến vật ngửa anh Duy ra, ngồi lên phía trên và dùng tay siết vào cổ anh Duy để Tài chém vào vùng phía trước cẳng chân của Duy).
Khi xử sơ thẩm, HĐXX TAND huyện Thủy Nguyên đã chấp nhận lời khai phi thực tế của Tài là “anh Duy bị ngã ngửa” (tức là anh Duy tự nằm ngửa chứ không có sự tác động, giúp sức của Tiến) mặc dù anh này đang chạy hướng về phía trước và điều kiện thời tiết khô ráo, nền đường không trơn trượt.
Chưa hết, mặc dù tại CQĐT Tài khai nhận dùng dao chém hai nhát vào vùng chân anh Duy nhưng tại phiên tòa, Tài lại tự nhận mình gây ra hàng loạt vết thương vùng chân phải, gối trái, vùng mông, vùng trán... anh Duy. Đáng tiếc, HĐXX đã dễ dàng chấp nhận việc Tài đột ngột thay đổi lời khai như trên mà không làm rõ lời khai này có phù hợp không, liệu có phải là Tài nhận thực hiện hành vi phạm tội một mình để “gánh tội” thay cho Tiến không?
Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Hoàng Anh Tài 42 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” và chỉ kiến nghị tiếp tục làm rõ vai trò của Hoàng Anh Tiến trong vụ án này.
Luật sư Nguyễn Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội) nhận định, chính việc HĐXX sơ thẩm dựa vào duy nhất lời khai nhận tội của Tài để buộc bị cáo này phải chịu trách nhiệm hình sự về toàn bộ các vết thương của anh Duy chính là việc làm có dấu hiệu làm oan cho Tài.
Theo Luật sư Cường, việc các cơ quan tiến hành tố tụng tách Tiến ra khỏi vụ án sẽ khiến việc giải quyết vụ án không được toàn diện, triệt để, vi phạm quy định tại Điều 117 Bộ luật Tố tụng Hình sự, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Cần phải xem xét trách nhiệm cả hai anh em Tài trong cùng một vụ án mới đảm bảo đúng quy định và giải quyết triệt để vụ án.