Chống tiêu cực vì truyền thông gia đình
Trong tâm thư gửi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bà Trần Thị Kim Thanh viết: “Tôi được sinh ra trong một gia đình cách mạng, có bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng, cha là liệt sĩ chống Pháp và Mỹ, mẹ tham gia cách mạng từ năm 1968, chú ruột là liệt sĩ, dì ruột là Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh năm 1991, tôi về công tác tại Xí nghiệp Liên hợp dược Hậu Giang. Năm 2000 tôi chuyển sang công tác tại Khoa Dược Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ.
Từ năm 2004 đến năm 2006, học lớp Chuyên khoa I chuyên ngành Dược lý - Dược lâm sàng khóa đầu tiên tại Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2008, là Phó khoa Dược và đến tháng 9/2014, khi chia tách BV Đa khoa TP Cần Thơ (thành BV Đa khoa TP Cần Thơ và BV Phụ sản), tôi được phân công Quyền Trưởng Khoa Dược BV Đa khoa TP Cần Thơ.
Trong quá trình công tác, tôi phát hiện nhiều sai phạm của Giám đốc BV Lê Quang Võ như: Đấu thầu vật tư - hóa chất chậm trễ; không làm danh mục thuốc gửi bảo hiểm y tế; nhập và sử dụng thuốc không đúng quy định (nhập thuốc phiến hàng trăm triệu đồng, trong khi chưa xin chủ trương của Sở Y tế; sử dụng thuốc Interferon bị bảo hiểm y tế xuất toán hơn 3 tỷ đồng do BV không cập nhật văn bản của Bộ Y tế); chỉ đạo sai tinh thần của cấp trên (UBND TP Cần Thơ yêu cầu áp thầu một BV còn hiệu lực thì bác sĩ (BS) Võ yêu cầu tôi gia hạn thầu); BV loại một nhưng không tự tổ chức Nhà thuốc BV mà hợp đồng để Công ty Dược Hậu Giang tổ chức kinh doanh; không công khai tài chính của BV từ năm 2014 đến nay... Về phía Đảng, BS Võ chỉ đạo Đại hội Chi bộ Dược sai nguyên tắc…
Tôi góp ý nhưng BS Võ không những không tiếp nhận mà còn quát mắng, tìm mọi cách trù dập tôi (cắt mọi danh hiệu thi đua năm 2014, tôi khiếu nại lên cấp trên thì tự làm hồ sơ bổ sung lên Sở Y tế để phục hồi các danh hiệu thi đua của tôi). Đặc biệt, sau những lần BS Võ yêu cầu tôi đi lo lót, hối lộ cấp trên, tôi làm không được hoặc tôi không thực hiện, BS Võ mắng tôi thậm tệ (có ghi âm). Từ đó, tìm mọi cách bài trừ tôi.
Tôi không đồng tình với hành động của BS Võ, tôi đã gửi đơn khiếu nại, tố cáo lên Sở Y tế Cần Thơ, Đảng ủy Khối Dân-Chính-Đảng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Cần Thơ (kèm theo tài liệu, chứng cứ). Không những các cơ quan không xử lý cho có lý, có tình mà còn quay lại kỷ luật tôi (Đảng ủy Khối cơ quan Dân-Chính-Đảng ra quyết định khiển trách tôi, còn BS Võ chỉ phải kiểm điểm rút kinh nghiệm). Các cơ quan này cho rằng tôi tố cáo sai, thiếu căn cứ.
Tôi không hiểu các cơ quan chức năng điều tra ra sao mà kết luận như vậy, vì các sự việc tôi nêu rất cụ thể, chứng cứ trong hồ sơ, trong đĩa ghi âm còn đó. Gần đây, BS Võ lại cắt hết danh hiệu thi đua năm 2015 của tôi, cắt chức Quyền Trưởng khoa và chuyển tôi sang giữ chức Phó khoa Xét nghiệm, không thuộc phạm vi chuyên môn của tôi.
Kính thưa Bộ trưởng! Tôi viết tâm thư này trong một tâm trạng lo lắng, không phải vì mất chức mà vì danh dự, vì truyền thống của gia đình, vì sự nghiệp xây dựng bệnh viện, nơi mà hàng triệu người dân Cần Thơ gửi gắm chăm sóc sức khỏe…
Vì lẽ đó, tôi không thể chấp nhận những việc làm sai trái của người đứng đầu BV Đa khoa TP Cần Thơ nên tôi viết tâm thư này mong Bộ trưởng quan tâm, soi xét những việc làm sai trái trên của BS Lê Quang Võ - Giám đốc BV, vì hiện tại rất nhiều cán bộ nhân viên trong BV cũng bức xúc như tôi nhưng không ai dám lên tiếng vị sợ bị trù dập”.
Chỉ thị chống tham nhũng không về đến Cần Thơ ?
Trong quá trình tiếp xúc với chúng tôi, dù lo lắng trước những cú “phản đòn” của ông Lê Quang Võ và hoang mang trước dấu hiệu bao che của một số cơ quan đảng, chuyên môn của TP Cần Thơ nhưng bà Trần Thị Kim Thanh vẫn tin rằng sự việc sẽ được các ban của Đảng và cơ quan chức năng ở Trung ương xem xét, giải quyết.
Thực tế cho thấy, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, ngày 7/12/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít; một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm; thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo, bảo đảm các tố cáo về tham nhũng phải được giải quyết kịp thời, tránh tình trạng đùn đẩy, bao che, không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định pháp luật.
Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đối với cơ quan, đơn vị chức năng có nhiệm vụ trực tiếp thực hiện công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng...
Bộ Chính trị cũng yêu cầu phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, với nguyên tắc: Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử. Chú trọng áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng…
Quyết tâm là vậy nhưng hình như chỉ thị này chưa về đến Cần Thơ. Bởi lẽ, không những không phát hiện được những sai phạm mang dấu hiệu tham nhũng xảy ra tại BV Đa khoa TP cần Thơ mà ngay cả khi những sai phạm này được đảng viên đấu tranh, vạch rõ nhưng các cơ quan đảng và chuyên môn liên quan của TP Cần Thơ vẫn không xử lý kiên quyết, nếu không muốn nói là bao che.
Một Giám đốc BV mà chỉ đạo đưa tiền cho cấp trên, một Bí thư Đảng ủy mà có những dấu hiệu vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội Chi bộ, để rồi mất uy tín nghiêm trọng trong Đại hội Đảng bộ BV nhưng vẫn không bị kỷ luật mà sau đó còn được khen thưởng. Trái lại, đảng viên tố cáo tiêu cực thì bị kỷ luật khiển trách, bị điều chuyển sang vị trí công tác không phù hợp với chuyên môn. Thiết nghĩ, sự mất niềm tin của bà Thanh ở cơ quan đảng của TP Cần Thơ không phải là không có cơ sở. Bà Thanh tự tin: “Tôi tin rằng Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban kiểm tra Trung ương sẽ vào cuộc làm rõ vụ việc này”.