“Tái chế” cho phù hợp
Trước Tết, tâm lý ai cũng lo lắng thiếu thức này món kia, cộng với quan niệm muốn Tết thật đủ đầy, dư còn hơn thiếu, nên thức ăn luôn được sửa soạn ê hề. Kết quả là sau Tết, nhiều bà nội trợ “hoảng hốt” nhìn lượng thực phẩm dư ra mà không biết phải xử lý làm sao.
Trên thực tế, với lượng thực phẩm Tết này, chị em hoàn toàn có thể tiết kiệm được chi phí thức ăn cho gia đình trong cả chục ngày kế tiếp, miễn là biết cách chế biến sao cho ngon miệng, hợp lý.
Bánh chưng cho bữa sáng luôn là lựa chọn của chị em trong việc “tái chế”. Nhưng lát bánh chưng được chiên (tốt nhất với chảo chống dính, ít dầu), trong khi chiên đều tay và khẽ dầm bánh, sẽ khiến gia đình bạn có một vài bữa sáng đơn giản nhưng ngon miệng, mà lại không phí bánh chưng.
Cách bảo quản bánh chưng tốt nhất được những người có kinh nghiệm chia sẻ, là gói bánh chưng vào túi nilon và bỏ ngăn đá, đến khi ăn hãy lấy ra rán. Như thế, bánh có thể để hơn cả tháng sau Tết.
Gà là thực phẩm đứng hàng thứ hai trong danh sách các món thường thừa sau Tết. Để tận dụng gà thừa, bạn có rất nhiều cách. Gà có thể chặt miếng để kho gừng sả, xào lá chanh. Nhưng cũng có thể thành những bữa sáng ngon lành nếu bạn khéo léo lọc thịt gà ra và nấu bữa miến gà hay làm bữa súp gà với nấm và trứng. Thịt heo thì có thể làm món chà bông để ăn dần, còn thịt bò, đem hầm lại với củ hoặc nấu sốt vang, sốt tiêu cũng là một lựa chọn hay.
Chả giò và thịt nguội cũng là nhưng món ăn thường dư ê hề sau Tết. Những món này cũng có thể biến thành bữa sáng cho cả gia đình với món bánh cuốn nóng hổi kẹp chả giò, thịt nguội. Nhiều gia đình cũng thích thú với món giò lụa kho mặn với thịt ba rọi.
Món măng giò, nếu măng đã hết sạch mà chân giò vẫn còn, nhiều bà nội trợ cũng có thể khéo léo chế biến thành món miến giò ngon lành thay bữa tối cho cả nhà.
Về phần trái cây, không để được lâu, chị em cũng có thể biến tấu thành những món tráng miệng lạ miệng khác: Trái nhãn dư có thể bóc lấy long nhãn nấu chè sen, mãng cầu, xoài, mít… có thể làm món sinh tố. Dưa hấu, dưa lưới… dùng chế biến món rau câu trái cây. Hoặc đơn giản, mix trái cây với sữa chua ăn hàng ngày cũng rất tốt cho dạ dày của cả nhà sau một mùa Tết dư chất.
Nói tóm lại, chỉ cần có một chút liên tưởng, cộng với việc am hiểu các món ăn và khéo tay, các chị em hoàn toàn có thể chế biến những thực phẩm dư sau Tết thành những món ăn hoàn toàn mới lạ, giúp đổi vị cho cả gia đình mà lại không lãng phí thức ăn.
Bảo quản và lưu ý với thực phẩm tái chế
Tuy nhiên, khi tái chế thức ăn, chị em cũng nên lưu ý các nguyên tắc để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà. Đã có không ít trường hợp các thành viên trong gia đình bị ngộ độc, rối loại tiêu hóa vì những món ăn tái chế sau Tết.
Để thực phẩm tái sử dụng được vệ sinh, an toàn và ngon miệng, nhất thiết phải bảo quản kĩ lưỡng. Đối với các loại thực phẩm chế biến cùng gia vị như chả, nem, thịt, cá… tốt nhất nên để trong hộp đậy kín hoặc có bọc màng bọc thực phẩm để tránh bị khô, ám mùi tủ lạnh và vi khuẩn tấn công gây mau hư.
Tuy nhiên, dù sao thức ăn đã chế biến và trải qua một mùa Tết rồi thì không nên để quá lâu. Chị em nên có sự phân loại để “lên lịch” tái chế thức nào trước, sau cho hợp lý. Ví dụ các món bò, gà, giò măng… thì nên ưu tiên hàng đầu. Còn các món thịt nguội, giò chả hay đồ khô hơn thì có thể để lâu hơn.
Ngoài ra, các loại trái cây nếu để lâu quá cũng mất bớt vitamin, giảm độ tươi ngon. Chính vì thế, trong vòng 1 tuần sau Tết các bà nội trợ cũng nên “xử lý” cho xong các loại trái cây để bổ sung vào tủ lạnh anh sách trái cây tươi mới.
Nhiều bà nội trợ có chút lầm lẫn trong việc tái sử dụng đồ ăn đã bắt đầu hư hỏng. đối với bánh chưng, bánh tét đã lên mốc hay nhũn, có người cho rằng chỉ cần cắt bỏ chỗ mốc, nhũn là có thể ăn được phần còn lại. Về phần trái cây, đoạn bị rục, thối cũng được cắt bỏ và dùng lại phần còn nguyên.
Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, một khi thực phẩm đã lên mốc, nhũn, tức là đã trong quá trình phân hủy, vi khuẩn tấn công mạnh mẽ. Lúc này, không chỉ phần thực phẩm lên mốc, nhũn bị hư mà phần chưa có dấu hiệu cũng đã trong quá trình phân hủy và phát sinh các chất độc hại.
Vì thế, cách tốt nhất là bảo quản thức ăn cho cẩn thận, sớm “tái chế” trước khi hư hỏng. Và nếu một khi thức ăn đã có dấu hiệu hư hỏng, chị em không nên vì tiếc của mà cố gắng sử dụng lại, vì sẽ “lợi bất cập hại”, gây nguy hiểm cho sức khỏe gia đình.