Tuyên Quang có diện tích đất trồng trọt trên 98.000 ha, hơn 140 nghìn ha rừng trồng sản xuất và có khả năng sản xuất nhiều nhóm ngành hàng: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Thực tế hằng năm tỉnh sản xuất trên 34 vạn tấn lương thực; duy trì tổng đàn trâu trên 88,7 nghìn con, đàn bò trên 40,4 nghìn con, đàn lợn trên 583 nghìn con, gia cầm 7,3 triệu con, sản lượng gỗ rừng trồng mỗi năm đạt trên 1 triệu m3/năm đứng trong top đầu trong cả nước.
Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm khai thác thế mạnh, góp phần đưa Tuyên Quang sớm trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Lãnh đạo sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang làm việc với người dân trên địa bàn (Ảnh: Lê Hanh). |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi liên kết gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 11.348 tỷ đồng, tăng bình quân hơn 4%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản gấp 1,3 lần so với năm 2020; số xã đạt chuẩn nông thôn mới là hơn 68%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 44 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2-2,5%/năm.
Để đạt được kết quả trên, ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, chế biến, phân phối nông sản: Các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa chủ lực, đặc sản cơ bản được sản xuất theo hình thức tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Ngành nông nghiệp được cơ cấu lại theo các trục sản phẩm, theo 04 vùng bao gồm: Vùng núi cao phía Bắc (Na Hang, Lâm Bình), vùng đồi núi phía Bắc (Chiêm Hóa, Hàm Yên), vùng trung tâm (Yên Sơn, Thành phố Tuyên Quang), vùng phía Nam (Sơn Dương).
Du khách tham gia mua hàng chè Shan Tuyết tại gian hàng huyện Na Hang (Ảnh: Lê Hanh) |
Qua đó, Tuyên Quang phát huy lợi thế của từng vùng lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp có chất lượng cao để tạo ra sản phẩm đặc trưng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao, chăn nuôi chuyển dịch mạnh sang chăn nuôi hàng hóa, mở rộng liên kết chăn nuôi trang trại, gia trại, thủy sản phát huy lợi thế nuôi cá hàng hóa bằng lồng trên sông, hồ thủy điện…
Để giải quyết bài toán xây dựng chuỗi giá trị, nhằm kết nối sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ, tỉnh luôn chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; làm tốt công tác quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Tỉnh thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Qua đó, góp phần thúc đẩy hợp tác trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến tạo đà phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế.
Người dân Yên Sơn không ngừng mở rộng diện tích canh tác lúa trên ruộng bậc thang, góp phần vào sự ấm no và tạo nên những cảnh quan đẹp mắt (Ảnh: Lê Hanh). |
Cùng với đó, chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được nhân dân toàn tỉnh Tuyên Quang đồng tình, ủng hộ; cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.
Tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chỉnh trang nhà cửa, bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự.
Các đơn vị liên quan hướng dẫn các xã thực hiện củng cố, duy trì và giữ vững 19/19 tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các Sở, Ban, Ngành, địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã gấp rút xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các Đề án, Chương trình, Kế hoạch, chính sách thực hiện khâu đột phá về nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII”.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Song song với đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, mô hình ứng dụng công nghệ cao, tập trung hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất.
Tuyên Quang tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn.
Tỉnh làm tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Tích cực xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tiếp cận các chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Với những thành tựu đã đạt được và hoạch định cụ thể cho tương lai, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang đặt nhiều hy vọng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo kỳ vọng của Nghị quyết Đại hội Đảng Trung ương và tỉnh đã đặt ra.