Dân kêu khó khăn chồng chất
Mở đầu câu chuyện, các hộ dân ở đây cho biết, từ năm 2004 khi có quyết định giải phóng mặt bằng để xây dựng Khu đô thị (KĐT) Thống Nhất, người dân mong KĐT sớm khởi công và hoàn thiện, đời sống bà con sẽ được cải thiện. Ai ngờ, càng mong ngóng, càng vô vọng, KĐT không thấy đâu trong khi đất bị lấy đi khiến họ trở thành “thất nghiệp”.
Không còn đất, người dân phải xoay xở đủ kiểu để kiếm sống. Người khỏe thì tha phương cầu thực làm phụ hồ, khuân vác ở các thành phố lớn, người già yếu ở nhà thì nhặt nhạnh vài mớ rau đem ra chợ bán hoặc nhận trẻ về trông…
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Lan Hương cho biết, từ ngày không còn đất để canh tác, kinh tế gia đình bà trở lên khó khăn vô cùng: “Mỗi ngày gom rau ra chợ bán cũng chỉ kiếm được chừng 20 nghìn đồng; ngày nào khấm khá cũng được 30 nghìn đồng, vừa đủ đong gạo cho cả gia đình trong một ngày”.
Ông Trần Xuân Hạnh, năm nay bước sang tuổi “thất thập cổ lai hi” cho biết: “Sau khi từ chiến trường trở về, sức khỏe giảm sút, hàng tháng chỉ trông chờ vào những đồng tiền trợ cấp ít ỏi của Nhà nước và năm 2 vụ trồng lúa”. Nhưng từ khi chính quyền thu hồi đất làm KĐT, tiền trợ cấp hàng tháng không đủ sống, ông phải đi làm thuê đủ nghề nhưng sức khỏe không cho phép ông làm những nghề nặng nhọc nên ông chọn nghề vớt bèo bán cho chủ nuôi cá. “Mỗi tuần đi vớt bèo được 3, 4 lần, không thì chỉ được hai lần, mỗi bao bèo giá 20.000 đồng. Khổ lắm chú à” - ông Hạnh ngậm ngùi.
10 năm, thời gian quá dài để triển khai một dự án xây dựng KĐT, không một lý do nào có thể biện minh được cho sự chậm trễ này. Những người dân phường Lộc Hạ như bà Hương, bà Trâm, bà Huệ, và Lan hay ông Hạnh, ông Giang, ông Thông đã gần chục năm bán rau, phụ hồ, vớt bèo mà vẫn không biết đến bao giờ KĐT mới “mọc” và khiếu nại của họ bao giờ được giải quyết thỏa đáng?!
…còn người dân tiếc nuối trước việc ruộng bị thu hồi rồi để hoang |
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều hộ dân bức xúc trước tình trạng đất bị lấy khiến cuộc sống trở nên khó khăn, nhưng UBND và các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định lại lắng nghe ý kiến người dân một cách hời hợt.
Ngày 04/7/2006, tại Quyết định số 1715/2006/QĐ-UB trả lời khiếu nại của công dân, UBND tỉnh Nam Định đã giao UBND TP.Nam Định ổn định đời sống cho các hộ dân theo tinh thần của Công văn số 4448/TC-QLTS ngày 04/9/1999. Sau đó, UBND TP.Nam Định mở khu chợ tái định cư Đông Mạc để ổn định cuộc sống, hỗ trợ người dân sau khi thu hồi 70 - 100% diện tích đất.
Khi dự án chợ Đông Mạc hoàn thành, UBND phường Lộc Hạ ra quyết định cho đấu giá ki ốt chợ Đông Mạc đối với tất cả các đối tượng trong và ngoài phường với thời hạn 5 năm và người bị thu hồi đất từ 70 -100% thì được hưởng hỗ trợ giá 20%.
Tuy nhiên, mức giá mà UBND TP.Nam Định đưa ra lại quá cao, từ 7 – 12 triệu đồng/1 ki ốt khiến người dân nghèo bị thu hồi đất rất khó có thể mua được. Vì vậy, việc ổn định cuộc sống cho người dân theo phương án này là hoàn toàn không khả thi, càng gây ra những khó khăn cũng như bức xúc cho các hộ dân đã bị thu hồi đất.
Theo ông Vũ Khắc Thọ, Chủ tịch UBND phường Lộc Hạ, các ki ốt chợ Đông Mạc mới xây xong khoảng 2 tháng, phường cũng đang xin ý kiến thành phố để đấu giá các ki ốt cho bà còn một cách sớm nhất.