Không giống như các dân tộc khác trên đất nước Việt, người Mông đón Tết cổ truyền sớm vì có cách tính thời gian khác. Người Mông quan niệm, mỗi tháng có 30 ngày, không có tháng thiếu, tháng thừa hay năm nhuận nên họ luôn luôn đón Tết vào ngày thứ 361. Ngày thứ 361 là mùng 1 Tết của người Mông. Theo cách tính này, Tết của đồng bào đến vào khoảng đầu tháng Chạp âm lịch, trước tết cổ truyền gần một tháng.
Đồng bào dân tộc Mông thường sinh sống tại các rẻo cao, triền núi, nơi mùa hè nắng cháy da, mùa đông khô khát và quanh năm mây phủ, cái rét tàn nhẫn như dao đâm vào thịt. Phải chăng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ấy đã tôi luyện lên những con người vừa cần cù, chịu khó, vừa lãng mạn, phóng khoáng như chính thiên nhiên hoang dã của họ. Đồng bào làm việc hết mình và đón Tết, chơi Tết cũng tưng bừng, rực rỡ hết mình.
Những ngày Tết của đồng bào đến vào thời điểm khi lúa đã gặt xong, ngô, khoai đầy bồ, lợn, gà, trâu, bò đầy sân, nhà cửa đã được sửa sang và dọn dẹp sạch sẽ. Những người phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu cuối cùng trên bộ váy áo mới để cả nhà kịp diện chơi Tết, đàn ông thì tất bật mổ gà lợn chuẩn bị đầy đủ thực phẩm cho gia đình ăn uống linh đình cũng như thết đãi họ hàng, bè bạn. Cái tết của người Mông tươm tất, đủ đầy không chỉ trong từng căn bếp nhỏ mà rộn rã lan tỏa khắp triền núi, thung lũng bởi các trò chơi dân gian với sự tham dự hết mình của các thế hệ từ người già đến trẻ nhỏ.
Đồng bào Mông có ít lễ hội nên người Mông rất mong chờ Tết. Chỉ đến Tết họ mới có dịp để thỏa sức đi chơi, giao lưu, kết bạn. Trong hơi thở xuân tràn ngập đất trời, những khuôn mặt càng thêm rạng rỡ, háo hức và hân hoan. Tiếng cười đùa của lũ trẻ càng khiến hương vị Tết thêm ấm áp. Tết cũng là ngày người Mông đoàn viên, sum họp, tham gia hội hè, nghỉ ngơi và tận hưởng niềm vui bất tận sau những ngày lao động vất vả.
Tết cổ truyền của người Mông thường kéo dài trong 3 ngày. Tiếp đó là đến mùa hội với nhiều trò chơi dân gian độc đáo và vui nhộn đến hết rằm tháng Giêng. Bởi vậy, so với các dân tộc khác thì người Mông ăn Tết dài hơn cả. Người Mông không đón giao thừa như người Kinh vẫn làm trong đêm 30 Tết. Thay vào đó, họ chỉ cúng ma nhà bằng một con lợn sống, một con gà trống sống (thường là gà trống tơ). Người Mông thờ một con gà trống còn sống với ngụ ý tiếng gà gáy sẽ gọi thần mặt trời dậy, để trời đất thoát khỏi cảnh tối tăm.
Sau khi làm lễ cúng bái tươm tất, gà và lợn được mang đi giết thịt. Lúc này, gia đình sẽ quây quần bên mâm cơm, uống rượu thịt và chia sẻ với nhau những câu chuyện về dòng họ, làng bản và chờ đến khi con gà đầu tiên cất lên tiếng gáy thì khi ấy năm mới chính thức bắt đầu.
Trong ba ngày Tết người Mông hầu như chỉ ở nhà, làm cỗ cúng bái, ăn uống linh đình. Ngày Tết đối với họ thực sự là “ăn Tết” khi các gia đình chuẩn bị thực phẩm rất nhiều gồm gà, lợn, dê, ngỗng, làm nhiều loại bánh như bánh dày, bánh tét để ăn dần.
Từ mùng 4 trở đi, mọi người bắt đầu diện quần áo mới ra khỏi nhà đi chơi Tết. Những ngày Tết, mọi hoạt động nương rẫy, trồng cấy đều tạm gác lại. Tết là dịp để lũ trẻ tạm gác việc học hành, bài vở, chỉ chuyên tâm với việc ăn cỗ và đi chơi, người lớn tạm quên đi những lo toan, bận rộn để dành cho nhau những bát rượu đầy, những lời chúc đầy yêu thương, may mắn. Tết cũng là dịp các đôi trai gái người Mông gặp gỡ, hẹn hò.
Suốt hơn một tháng trời, người Mông chỉ vui chơi, tổ chức ăn uống, hát ca, sang chơi nhà nhau và cùng thưởng thức miếng bánh dày dẻo thơm, cạn chén rượu ngô nồng nàn trong khung cảnh mùa xuân ấm áp với những chiếc váy xòe hoa sặc sỡ dập dìu và tiếng khèn réo rắt.