Tưng bừng lễ hội đầu Xuân

Đóng ấn thiêng Yên Tử tặng quan khách tham dự lễ hội
Đóng ấn thiêng Yên Tử tặng quan khách tham dự lễ hội
(PLO) - Hôm qua (9/2 tức 10/2 Âm lịch), lễ hội xuân Yên Tử đã chính thức khai hội tại xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, mở đầu cho chuỗi hoạt động lễ hội trong năm 2014.
Điểm nhấn của mùa lễ hội năm nay là công trình tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được khánh thành và phục vụ nhân dân đến chiêm bái. Chương trình khai mạc hội xuân Yên Tử đã diễn ra các nghi thức truyền thống như màn khai hội với chương trình nghệ thuật đặc sắc, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử… Bên cạnh đó còn có lễ cầu phúc, nhập linh trống đồng, chữ Tâm linh thiêng Yên Tử tại chùa Trình. 
Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã trao 50 chiếc trống đồng và bộ chữ gồm 500 chữ Tâm, Phúc, Lộc có hình tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được dát vàng nguyên chất và huy hiệu Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng dát vàng làm tặng phẩm đặc biệt cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân tiêu biểu trong cả nước.
Cũng tại Lễ khai mạc, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã được trao Bằng Vinh danh kỷ lục quốc gia cho bức tượng đồng đúc nguyên khối lớn nhất Việt Nam. 
Lễ hội năm nay có sức thu hút tâm linh lớn hơn mọi năm. Từ trước và trong ngày khai hội, hàng vạn du khách, phật tử trong và ngoài nước đã đổ về Yên Tử du xuân, vãn cảnh, cầu an, chiêm bái. Lễ hội xuân Yên Tử 2014 dự kiến sẽ đón khoảng 3 triệu lượt khách tham quan, tăng mạnh so với 2,1 triệu lượt khách năm ngoái. Để phục vụ du khách tốt nhất, bảo đảm truyền thống, văn minh, tiết kiệm của lễ hội, Ban tổ chức đang tiếp tục đẩy mạnh việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Màn múa hát với chủ đề “Yên Tử vào xuân”
 Màn múa hát với chủ đề “Yên Tử vào xuân”
Tự hào với truyền thống

Cùng ngày 9/2, tại chân cầu Pá Uôn thuộc vùng hồ thủy điện Sơn La, đã diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống của nhân dân các dân tộc vùng thượng nguồn sông Đà, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. 
Tham gia Lễ hội đua thuyền năm nay có 14 đội với 150 vận động viên đến từ 9 xã (Cà Nàng, Mường Chiên, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Chiềng Bằng, Mường Giàng, Mường Sại, Chiềng Khay và Mường Giôn), thi đấu ở 2 nội dung: 10 nam, cự ly 1.600 m và 10 nữ, cự ly 1.400 m. Kết thúc, Ban tổ chức trao giải Nhất cho đội nam xã Chiềng Ơn và đội nữ xã Chiềng Bằng; giải Nhì cho đội nữ xã Cà Nàng và đội nam xã Mường Giàng.
Trước khi lễ hội chính thức diễn ra, Ban tổ chức cùng bà con các dân tộc đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại miếu thờ Thần linh và miếu thờ Nàng Han (anh hùng trong truyền thuyết dân tộc Thái).
Lễ hội đua thuyền được tổ chức nhằm chọn ra những tay đua giỏi, rèn luyện sức khỏe cho người dân vùng sông nước; là dịp để nhân dân các dân tộc vùng thượng nguồn sông Đà nhớ về quá khứ, tự hào về văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình và cảm tạ thần sông, thần núi, cầu may mắn, bình an cho người dân bước vào một mùa vụ mới.
Lễ hội còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhân dân các dân tộc, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó; cổ vũ nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, rèn luyện thể dục thể thao và quảng bá những nét đặc sắc trong văn hóa của người dân nơi đây. 
Cầu mưa thuận, gió hòa
Còn tại bản Đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa Xuân Giáp Ngọ 2014 - một trong những lễ hội Xuân truyền thống lớn nhất tỉnh Thái Nguyên đã chính thức khai hội, thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc trong vùng và du khách thập phương tham dự. 
Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa năm nay được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm những nghi lễ truyền thống như: Lễ cầu mùa của dân tộc Tày và dân tộc Sán Chay, lễ cầu phúc của dân tộc Dao, lễ xuống đồng (cày tịch điền) của đồng bào Tày - Nùng...
Phần hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với các trò hội dân gian: tung còn, múa lân sư rồng, hát then, hát ví, múa rối Tày... Tại hội Lồng Tồng năm nay, 24 xã, thị trấn trong huyện còn tổ chức hội trại, giao lưu văn nghệ, thể thao, thi giã bánh dày, thi cấy lúa, múa tắc xình. 
Về với hội Lồng Tồng ATK Định Hóa năm nay, du khách còn được giới thiệu đầy đủ về 128 điểm di tích lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), đặc biệt là các di tích: đồi Khau Tý, lán Tỉn Keo, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi ở và làm việc, Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Trong không gian mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc, các cơ sở kinh doanh, chế biến nông, lâm sản và bà con các dân tộc trong huyện cũng trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của quê hương Định Hóa như: gạo bao thai, cơm lam, bánh khẩu shi, chè sạch chất lượng cao... 
Hội Lồng Tồng - hội xuống đồng trong những ngày đầu xuân mới của đồng bào dân tộc Tày từ lâu đã được coi như nơi quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng của đồng bào vùng chiến khu xưa; đồng thời cũng là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, bản làng yên vui, no ấm. 
Uống nước nhớ nguồn
Ngày 8/2 (tức 9/1 Âm lịch năm Giáp Ngọ), Lễ hội đền Huyền Trân đã diễn ra tưng bừng tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế. Đây là hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi nước Việt. 
Mở đầu cho chuỗi hoạt động của lễ hội là Đại lễ cầu nguyện “Quốc thái dân an”, ca múa nhạc Phật giáo, nghệ thuật tuồng ghi nhớ công lao, đức hạnh của Công chúa Huyền Trân. Lễ khai mạc với phần nghi lễ chính dâng hương tại Điện Huyền Trân Công chúa, đền thờ Vua Trần Nhân Tông và vãn cảnh Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Dịp này, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tổ chức cùng lúc nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày và giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống Huế, như: đúc đồng, chạm khắc, gốm, hương nhang Tự Đức, nón lá, mây tre đan, đệm bàng, thổ cẩm, sơn mài và bánh kẹo Huế; các trò chơi dân gian; triển lãm thư pháp…
Một số hoạt động dân gian như: cờ tướng, cờ người, võ thuật cổ truyền, thư pháp, hò giã gạo, nghệ thuật ca múa, vẽ chân dung, vẽ tranh thiếu nhi, thi cắm hoa... cũng được tổ chức trang trọng trong khuôn khổ của lễ hội. 
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân là quần thể kiến trúc gồm ngôi đền thờ Đức Vua Trần Nhân Tông và ngôi đền thờ Huyền Trân Công chúa được xây dựng trên diện tích rộng hơn 28ha, tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây. 
Tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên tổ chức hội đua ngựa truyền thống gò Thì Thùng tại xã An Xuân, huyện Tuy An, thu hút gần 10.000 du khách. Năm nay là lần thứ 29 hội đua ngựa truyền thống gò Thì Thùng được tổ chức, với sự tham dự của 28 kỵ sĩ và kỵ mã đến từ các xã của huyện Tuy An. Kỵ sĩ nhỏ tuổi nhất tham dự hội đua là Võ Thanh Nghĩa (sinh năm 1994); kỵ sĩ nhiều tuổi nhất là ông Nguyễn Hữu Chi (1951).
Sau 3 vòng đua hấp dẫn, giải Nhất hội đua năm nay thuộc về kỵ sĩ Lê Văn Thu, xã An Hiệp, huyện Tuy An. Huyện Tuy An cũng vừa hoàn thành việc tu bổ di tích lịch sử địa đạo Thì Thùng (di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia). Cùng với lễ hội đua ngựa truyền thống gò Thì Thùng, địa đạo Thì Thùng là di tích nằm trong cụm phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên. 
Khơi dậy tinh thần thượng võ
Trước đó, chiều 8/2, hàng nghìn người dân và du khách đã đổ về cổ vũ Hội đua thuyền trên dòng sông Lô lịch sử do UBND thành phố Tuyên Quang tổ chức. Đây là lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo thanh niên tham gia và cổ vũ động viên nhân dân hăng hái lao động sản xuất, nâng cao tinh thần đoàn kết và rèn luyện sức khỏe.
Tham gia đua có 13 đội thuyền với 390 vận động viên đại diện cho các xã, phường thuộc thành phố Tuyên Quang. Kết thúc cuộc đua, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho đội phường Hưng Thành; giải Nhì cho đội xã An Khang và giải Ba thuộc về đội đua của phường Nông Tiến. 
Hội đua thuyền sông Lô được tổ chức hàng năm vào đúng dịp Tết cổ truyền của dân tộc, góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, khơi dậy tinh thần thượng võ, bản lĩnh sông nước, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm của người dân trên vùng đất cách mạng Tuyên Quang.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.