Mới đây, Tòa án Tối cao của Nhật Bản đồng ý đưa vụ án của người này ra xét xử lại cho dù cũng chính tòa này vào năm 1980 đã xét xử Giám đốc thẩm vụ án và giữ nguyên bản án tử hình đối với bị cáo. Đương nhiên vì lập nên kỷ lục Guiness nói trên mà người này và chuyện này được cả thế giới biết đến chứ không chỉ công chúng và dư luận ở Nhật Bản. Chuyện ly kỳ không phải ở bản thân vụ việc mà ở cách thức phía tư pháp xử lý vụ việc.
Người đàn ông trong chuyện này tên là Iwao Hakamada, năm nay 85 tuổi. Năm 1966, Hakamada khi ấy là một võ sĩ quyền Anh, bị cáo buộc đã giết chết vợ chồng và hai đứa con vị thành niên của người cấp trên của anh ta. Giết chết 4 người là trọng tội quá ghê gớm. Năm 1968, tòa án xét xử vụ việc và tuyên án tử hình đối với người này. Cảnh sát và toà án cáo buộc Hakamada giết người nhưng không xác định được động cơ sát nhân của Hakamada mà chỉ với sự thú tội của Hakamada.
Ở thời gian sau phiên toà, Hakamada kháng án với lý do khẳng định bản thân vô tội và đã bị ép cung, tra tấn, nhục hình để buộc phải nhận tội. Vụ án được đưa ra xét xử lại ở các cấp và lên tới tận Tòa án Tối cao Nhật Bản. Năm 1980, Tòa án Tối cao Nhật Bản xem xét và xét xử lại vụ án, nhưng phán quyết y án.
Sự thật trong vụ việc này ở đâu thì không biết mà chỉ biết rằng Hakamada tiếp tục ngồi tù với bản án tử hình và chờ bị hành quyết vào bất cứ lúc nào. Ở Nhật Bản và trên thế giới có rất nhiều người tin rằng Hakamada thật sự vô tội và đã bị kết án tử hình oan. Họ tìm cách gây áp lực chính trị xã hội từ bên ngoài để tác động làm thay đổi bản án cho Hakamada.
Năm 2014, một tòa án cấp quận ở Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đồng ý xem xét lại và xét xử lại vụ án. Tòa này đi đến phán quyết là Hakamada vô tội và đã trả tự do ngay cho Hakamada. Tuy nhiên, tòa án cấp cao nhất của Thủ đô Tokyo đã bác bỏ phán quyết này.
Năm 2018, tòa án cao cấp nhất của Thủ đô Tokyo đã đưa ra quyết định đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao Nhật Bản và đồng ý cho Hakamada được tự do cho tới khi có phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao Nhật Bản. Vì những phán quyết lằng nhằng này của các cấp tòa mà Hakamada vẫn là tử tù nhưng lại không bị biệt giam trong nhà tù mà được tự do.
Sau 40 năm, vụ án trở lại Tòa án Tối cao Nhật Bản. Đối với Hakamada, diễn biến vụ việc như thế đã giúp cho giữ được mạng sống cho dù thận phận pháp lý là tử tù vẫn chưa thay đổi. Hơn nửa thế kỷ đằng đẵng mà khi nào cũng phải trực diện cái chết là cuộc sống hay chỉ là tồn tại đây? Kết cục cuối cùng của vụ xét xử không phải là chuyện dễ dàng đối với tất cả các bên liên quan vì chuyện xảy ra cách đây đã quá lâu rồi.
Việc tòa án xét đi xử lại nhiều lần có hai mặt của nó. Một mặt, nó cho thấy hệ thống tư pháp ở Nhật Bản có bất cập. Mặt khác, để đàm bảo thực thi công lý thật sự và xét xử thật sự đúng người, đúng tội thì việc xét đi, xử lại của các toà án lại rất cần thiết.