Trong suốt chặng đường 35 năm hình thành và phát triển, với sự cố gắng và quyết tâm, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, ngành Tư pháp Đồng Nai đã từng bước vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ bước khởi đầu thành lập với tổ chức bộ máy chỉ có 07 cán bộ, đến nay đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị thuộc Sở Tư pháp là 99 người, 100% đều có trình độ cử nhân (có 01 Tiến sĩ Luật học, 04 Thạc sĩ Luật và 04 Thạc sĩ hành chính, kinh tế). Trình độ lý luận chính trị: 18 trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị, 07 trung cấp lý luận chính trị, đang học 03 cử nhân chính trị.
Đối với cơ quan cấp huyện, ban đầu chỉ thành lập 04 Phòng Tư pháp, đến nay toàn tỉnh Đồng Nai các Phòng Tư pháp đã được thành lập ở 11 huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa với 77 công chức. Trong đó, 100% công chức đạt trình độ đại học, trên đại học.
Ở cấp xã, từ 158 Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh năm 1990, đến nay đã có 318 cán bộ làm việc trong tổng số 171 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, 295 công chức (chiếm 92,8%) đạt trình độ đại học, còn lại 7,2% đạt trình độ trung cấp. Trình độ trung cấp lý luận chính trị 180 người (chiếm 56,6%).
Toàn tỉnh hiện có 1.002 tổ chức hòa giải ở cơ sở với 5.890 hòa giải viên hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy vai trò quan trọng, thiết thực góp phần tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ ở địa bàn dân cư, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Các mặt công tác tư pháp đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, về bề rộng lẫn chiều sâu; ngày càng hướng mạnh về cơ sở, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ gìn kỷ cương pháp luật, an ninh trật tự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Trong những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngành Tư pháp Đồng Nai đã đạt nhiều kết quả nổi bật mang dấu ấn đặc trưng của Ngành như: tham mưu xây dựng và ban hành hệ thống Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh về quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội; thẩm định tính pháp lý hàng nghìn văn bản trước khi trình UBND tỉnh ký ban hành, kiểm tra loại bỏ hàng trăm văn bản không còn phù hợp với pháp luật hiện hành; tổ chức tổng kết Hiến pháp năm 1992 và lấy ý kiến 2 triệu người dân góp ý về dự thảo Hiến pháp sửa đổi trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền, triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và các luật quan trọng, có tác động lớn đời sống nhân dân.
Đặc biệt là tham gia tích cực trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.Công chứng, chứng thực bản sao hàng chục triệu bản các loại giấy tờ tùy thân, cá nhân và cấp phát hàng triệu giấy tờ hộ tịch. Tăng cường tham mưu và đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; Tỷ lệ giải quyết trễ hạn các thủ tục tư pháp cho người dân giảm dần, nếu năm 2013 tỷ lệ trễ hạn là 45%, năm 2014 là 25%, năm 2015 là 5% thì năm 2016 còn 2%...
Điều cốt lõi được rút ra qua chặng đường vẻ vang 35 năm ấy chính là ngành Tư pháp Đồng Nai luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cho mọi cố gắng của mình. Chính từ nhân dân, từ kinh nghiệm thực tế và sự sáng tạo trong tư duy, trong hoạt động của Ngành đã đem lại sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách giúp Ngành lớn mạnh không ngừng.
Thời gian tới, ngành Tư pháp Đồng Nai sẽ quyết tâm tiếp nối truyền thống Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Năng động, Sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tin tưởng giao phó, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.