Bộ Quốc phòng đã tổ chức đào tạo sĩ quan chuyên môn tham mưu, quân y, công binh và sĩ quan làm nhiệm vụ quan sát... tuyển dụng vào Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam để làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Người chiến sĩ được vinh dự đội trên đầu chiếc mũ nồi xanh, ngực áo mang hình lá cờ đỏ sao vàng làm nhiệm vụ tại những nơi xa xôi đều phải trải qua các cuộc tuyển chọn và đào tạo gắt gao.
Gần một thập kỷ chuẩn bị
Ngày 18/11/2012, đánh dấu bước đi đầu tiên của Việt Nam trong việc tham gia Hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc (LHQ) khi Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã xây dựng Đề án Tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động này. Đề án này được Bộ Chính trị thông qua tại phiên họp ngày 17/11/2012.
Trên cơ sở đó, ngày 27/11/2013, Bộ Quốc phòng xây dựng Đề án số 9560/BQP-ĐN về “Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 4/12/2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phùng Quang Thanh đã ký Quyết định số 4792/QĐ-BQP thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ban đầu, Bộ Quốc phòng chỉ định thành lập một Tổ công tác gồm 5 đồng chí do Đại tá Hoàng Kim Phụng làm Tổ trưởng để tiến hành các công tác chuẩn bị cho sự ra đời của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia Hoạt động Gìn giữ Hòa bình LHQ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Quân đội Việt Nam luyện tập đổ bộ |
Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, trong gần một thập kỷ trước đó, Bộ Quốc phòng đã tích cực chuẩn bị mọi mặt cho việc tham gia hoạt động này. Mọi việc thực chất đã bắt đầu từ năm 2005, Đảng và Nhà nước ta đã nghiên cứu về việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, cử các đoàn công tác liên ngành gồm lãnh đạo của Bộ Quốc phòng, Công an, Lao động, Tài chính.. làm việc với Cục Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, đi thăm, khảo sát thực tế Phái bộ Gìn giữ Hòa bình tại Haiiti, Nam Sudan.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cử nhiều đoàn công tác tới các nước để nghiên cứu, học tập mô hình, cơ chế, kinh nghiệm chuẩn bị và triển khai lực lượng. Với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, gần 200 cán bộ công binh, quân y đã và đang được đào tạo tiếng Anh, kiến thức và quy trình cần thiết với hoạt động Gìn giữ Hòa bình.
Sau đó gần 1 năm, ngày 27/3/2014, Bộ Quốc phòng có Quyết định bổ nhiệm đồng chí Đại tá Hoàng Kim Phụng làm Giám đốc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng đã cử 2 sĩ quan đầu tiên tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình LHQ với vai trò sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Xu-đăng.
Nói về mục tiêu, vai trò của Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, Trung tâm ra đời nhằm thực hiện đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, sẵn sàng đóng góp có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế và tham gia Gìn giữ Hòa bình LHQ.
Những sĩ quan ưu tú
“Rồi đây, những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam mang trên đầu chiếc mũ nồi xanh sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống anh bộ đội cụ Hồ, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Dòng máu Lạc Hồng, truyền thống 4.000 năm văn hiến sẽ luôn chảy trong mọi con tim, khối óc của những người lính vai mang gươm, tay mềm mại bút hoa, đi dân nhớ, ở dân thương, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Đó là những lời phát biểu tâm huyết của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Lễ thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam ngày 27/5/2014 và bày tỏ tin tưởng sĩ quan Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Hai sĩ quan may mắn được trở thành những người tiên phong của Phái bộ Gìn giữ Hòa bình LHQ Việt Nam thực thi nhiệm vụ là Trung tá Trần Nam Ngạn và Trung tá Mạc Đức Trọng (nay đã thăng hàm Thượng tá).
Ngay từ bước tuyển chọn, Đại tá Hoàng Kim Phụng từng chia sẻ rằng, việc tuyển chọn người diễn ra trong toàn quân. Tuy nhiên, các chiến sĩ đạt yêu cầu chủ yếu trưởng thành từ những đơn vị có kinh nghiệm về đối ngoại quốc phòng. Đồng thời, họ phải vượt qua quá trình kiểm tra khắt khe về năng lực, ngoại ngữ, hàng trăm người mới chọn được một.
Các yếu tố then chốt của một chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đầu tiên là giỏi ngoại ngữ, đồng thời đạo đức của sĩ quan phải thể hiện là sứ giả của Quân đội Nhân dân, đem hình ảnh dân tộc và nền văn hóa Việt Nam đi ra với cộng đồng quốc tế.
Hai là năng lực quân sự phải đáp ứng yêu cầu cao để làm việc trong môi trường đa quốc gia chứ không đơn thuần như các đơn vị trong nước. Sĩ quan phải hiểu biết sâu, rộng về đối ngoại quốc phòng, có khả năng hợp đồng với sĩ quan nước khác cũng như quân đội, chính quyền, nhân dân nước sở tại; giỏi thuyết phục, đàm phán, tổ chức các hoạt động với nhiều lực lượng.
Thứ ba, sĩ quan phải am hiểu luật pháp quốc tế, phong tục nước sở tại, tuân thủ những nguyên tắc mà LHQ đưa ra khi làm nhiệm vụ. Các sĩ quan được cử đi phải vừa làm vừa học, nhưng họ đã biết tận dụng uy tín đất nước, quân đội Việt Nam để thuyết phục các lực lượng, phe phái khác nhau chấp nhận cộng tác giải quyết các vấn đề mà LHQ cần triển khai ở địa bàn.
Trung tá Mạc Đức Trọng và Trần Nam Ngạn được cử đi làm nhiệm vụ ngày 27/5/2014 (Ảnh: VNE) |
Khó khăn đối với những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam là rất nhiều, bởi đây là lĩnh vực Việt Nam mới tham gia nên chưa có kinh nghiệm. Sự bất đồng về ngôn ngữ khiến các chiến sĩ gặp khó khăn. Mặc dù trước khi đi, các sĩ quan đều được tập huấn, có bản mô tả công việc nhưng thực tế làm việc ở địa bàn bất ổn, xa lạ nên phải linh hoạt, kiêm nhiệm nhiều việc.
Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tham gia, vượt qua khó khăn, sĩ quan thuộc Phái bộ Gìn giữ Hòa bình LHQ của Việt Nam luôn được đánh giá cao về hiệu quả công việc cũng như tinh thần trách nhiệm.
Làm nhiệm vụ tại nơi có nhiều xung đột, bất ổn, nguy hiểm tính mạng, theo quy định của LHQ thì sĩ quan được áp dụng quyền từ chối thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo an toàn tính mạng, song các sĩ quan Việt Nam chưa áp dụng quyền này một lần nào.
Đại tá T. Sarholz (Phó chỉ huy trưởng Lực lượng Sĩ quan liên lạc của LHQ tại Nam Sudan) trong bản đánh giá đã kiến nghị bố trí Thượng tá Trần Nam Ngạn vào vị trí tham mưu tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), hoặc Sở chỉ huy lực lượng tại các phái bộ trong lần làm nhiệm vụ tiếp theo. Thượng tá Mạc Đức Trọng được đánh giá là chín chắn trong hành động, có vai trò lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Melut (Cộng hòa Nam Sudan) vào tháng 5/2013.
Ngày 5/1/2018, Bộ Quốc phòng đã tiếp nhận Tổ công tác liên ngành từ Bộ Ngoại giao để quản lý và tổ chức lại Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quân kỳ Quyết thắng cho Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
(Còn nữa)