Sáng qua, 21/11, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội với hơn 1.250 đại biểu tham dự.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đọc diễn văn khai mạc Đại hội VIII, trong đó nhấn mạnh: “Mục tiêu của Đại hội VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển, thể hiện quyết tâm của toàn thể tăng ni, Phật tử Việt Nam tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật, nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, bản lĩnh nhập thế, hội nhập của Phật giáo Việt Nam để xây dựng Giáo hội phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc, kiên định theo lý tưởng Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN trình bày Báo cáo Tổng kết công tác phật sự nhiệm kỳ VII (2012-2017) và Chương trình hoạt động phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), trong đó có những điểm đáng lưu ý như: Công tác giáo dục tăng ni hiện GHPGVN có hệ thống giáo dục đào tạo tăng ni tương đối hoàn chỉnh ở tất cả các cấp đào tạo, cả nước có 4 Học viện; 7 trường Cao đẳng Phật học; 32 trường Trung cấp Phật học và hàng trăm cơ sở giáo dục sơ cấp Phật học do các tỉnh hội Phật giáo quản lý.
Nhiệm kỳ VII đã đào tạo 2.460 tăng, ni sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học hệ chính quy; 1.089 tăng ni sinh tốt nghiệp Cao đẳng Phật học; 2.771 tăng, ni sinh tốt nghiệp trung cấp Phật học; 2.000 tăng, ni sinh đã tốt nghiệp sơ cấp Phật học. Công tác nghi lễ, Ban Nghi lễ trung ương đã hướng dẫn, vận động tăng ni, Phật tử thực hiện nếp sống văn hoá mới, hạn chế các hủ tục và những hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan, không phù hợp với chính pháp, với trào lưu tiến bộ của xã hội. Nhiều lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc hướng tới nghi lễ đúng chính pháp, mang đậm nét văn hóa truyền thống, xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan trong nghi thức lễ nghi.
Bên cạnh đó, Việt hóa nghi lễ là một trong những công tác trọng tâm trong chương trình hoạt động của Ban Nghi lễ trung ương. Vì thế, trong thời gian qua, các thành viên Ban Nghi lễ được phân công biên soạn, sưu tập Kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt đã nỗ lực làm việc và đã trình Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự xem xét và cho ý kiến quyển Kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt để phổ biến trong tăng ni, Phật tử.
Tuy nhiên, đây là một việc làm rất tế nhị, đòi hỏi phải phân định chính xác những khác biệt của các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian với các hoạt động mê tín, hủ tục. Vì thế, bên cạnh việc ban hành các thông tri, thông bạch nhắc nhở sinh hoạt nghi lễ đúng Chính pháp, Trung ương Giáo hội cũng như địa phương đã từng bước vận động Phật tử thường xuyên đến chùa nghe pháp, đọc và nghiên cứu kinh sách cùng các tập văn, tạp chí, Báo Giác ngộ của Giáo hội, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá lành mạnh có tính giáo dục, phân tích và phê phán những hoạt động hủ tục, dị đoan sai lệch và những hậu quả tiêu cực do các hoạt động này mang lại để qua đó giúp cho Phật tử hiểu rõ thế nào là niềm tin chân chính, tự tạo cho mình một phong cách trang nghiêm trong sinh hoạt tín ngưỡng, từng bước xa rời các hoạt động mê tín, dị đoan và hủ tục, tích cực góp phần phát huy sự trong sáng, tích cực của nền giáo lý đạo Phật.
Hòa thượng Thích Huệ Minh – Phó Ban thường trực Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN cho biết: “Nhiệm vụ tạo sự thống nhất lễ nghi trong các ngày lễ trọng của Phật giáo và thực hành bằng ngôn ngữ thuần Việt sẽ tiếp tục được quan tâm và thực hiện trong nhiệm kỳ mới trên cơ sở tiếp tục Việt hóa và phổ biến các khoa nghi còn lại”.
Chỉ hơn một tháng nữa sau khi Đại hội kết thúc thì Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng có hiệu lực (từ 1/1/2018). Vì thế, Hòa thượng Thích Huệ Trí – Trưởng ban Pháp chế Trung ương GHPGVN cho biết: “Để thích ứng với văn bản quan trọng này, GHPGVN đề ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho phù hợp với Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và định hướng phát triển tầm nhìn đến năm 2030 của Phật giáo Việt Nam”.