Một trong những điểm đáng chú ý tại Thông tư 42/2023/TT-BGTVT là việc cho phép xác thực sinh trắc học hành khách trong việc kiểm soát giấy tờ/thông tin nhân thân.
Cụ thể, Thông tư 42/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Điều 41 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT về việc kiểm tra, giám sát an ninh đối với hành khách và hành lý xách tay xuất phát. Theo đó, hãng hàng không chỉ được phép chấp nhận vận chuyển và cho hành khách lên tàu bay khi hành khách có thẻ lên tàu bay và giấy tờ về nhân thân (hoặc thông tin về nhân thân dạng điện tử có giá trị pháp lý tương đương giấy tờ về nhân thân) theo quy định; đã kiểm tra, đối chiếu để bảo đảm sự trùng khớp của hành khách với giấy tờ (hoặc thông tin về nhân thân dạng điện tử có giá trị pháp lý tương đương giấy tờ về nhân thân hoặc dữ liệu xác thực sinh trắc học của hành khách) và chuyến bay; hành khách, hành lý đã được kiểm tra an ninh hàng không.
Hành khách có hành lý ký gửi phải có mặt tại quầy làm thủ tục hàng không để làm thủ tục. Nhân viên làm thủ tục phải kiểm tra, đối chiếu hành khách với thẻ lên tàu bay hoặc vé đi tàu bay và giấy tờ về nhân thân (hoặc dữ liệu xác thực sinh trắc học của hành khách hoặc hoặc thông tin về nhân thân dạng điện tử có giá trị pháp lý tương đương giấy tờ về nhân thân), phỏng vấn hành khách về hành lý.
Nếu có nghi vấn, phải thông báo cho người phụ trách an ninh tại điểm kiểm tra an ninh hàng không. Hành lý ký gửi của từng hành khách phải làm thủ tục chấp nhận riêng, bao gồm cả hành khách đi theo nhóm; không làm thủ tục chung cho nhiều người.
Tại mỗi điểm kiểm tra an ninh hàng không phải bố trí đủ nhân viên kiểm soát an ninh hàng không bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu giấy tờ về nhân thân (hoặc dữ liệu xác thực sinh trắc học của hành khách hoặc thông tin về nhân thân dạng điện tử có giá trị pháp lý tương đương giấy tờ về nhân thân) của hành khách với vé, thẻ lên tàu bay bằng giấy hoặc trên thiết bị điện tử và hành khách.
Bên cạnh đó, Thông tư 42/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 67 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT về bảo đảm an ninh hàng không trên chuyến bay. Theo đó, khi hành khách lên tàu bay, hãng hàng không chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đối chiếu giấy tờ về nhân thân (hoặc dữ liệu xác thực sinh trắc học của hành khách hoặc thông tin về nhân thân dạng điện tử có giá trị pháp lý tương đương giấy tờ về nhân thân), thẻ lên tàu bay của hành khách để đảm bảo đúng người, đúng chuyến bay. Biện pháp kiểm tra phải được quy định chi tiết trong chương trình an ninh hàng không của hãng hàng không.
Đối với công tác thử nghiệm an ninh hàng không, Thông tư 42/2023/TT-BGTVT quy định phải bảo đảm an ninh, an toàn cho người, tài sản, các hoạt động của người thử nghiệm và đối tượng chịu sự thử nghiệm trong quá trình thử nghiệm. Khi thử nghiệm bí mật bị phát hiện, người thử nghiệm phải xuất trình ngay quyết định thử nghiệm cùng với thẻ giám sát viên an ninh hàng không hoặc giấy tờ về nhân thân có ảnh hoặc tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của người thử nghiệm cho đối tượng chịu sự thử nghiệm biết, đối tượng chịu sự thử nghiệm phải hợp tác và bảo đảm an ninh, an toàn cho người, phương tiện, đồ vật thử nghiệm.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, để thực hiện các bước xác thực hành khách đi tàu bay toàn trình, hành khách cần có thẻ CCCD gắn chip, mã đặt chỗ PNR và đồng ý chia sẻ thông tin dữ liệu cá nhân và nhận diện khuôn mặt.
Tại điểm chạm thứ nhất, quầy làm thủ tục cần có trang bị thiết bị đọc CCCD gắn chip, thiết bị nhận diện khuôn mặt. Tại điểm chạm thứ hai là khu vực kiểm soát an ninh cần trang bị thiết bị Automated Boarding Area Access Gate (ABAAG - hệ thống thiết bị kiểm soát vào khu vực lên máy bay tự động). Điểm chạm thứ ba là khu vực kiểm tra hành khách lên tàu bay, cần trang bị thiết bị Automated Self Boarding Gate (ASBG - hệ thống kiểm soát lên máy bay tự động) đã tích hợp sinh trắc học. Quy trình nhận diện hành khách bằng xác thực sinh trắc học cần tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thông tư 42/2023/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024.