Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt: Những “ngọn nến” cháy hết mình để thắp sáng nhân gian!

Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt
Truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt
(PLVN) - Xưa nay, tôn sư trọng đạo luôn là truyền thống quý báu bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Người xưa dạy: “Không thầy đố mày làm nên”. Ở đời, không có sự trưởng thành nào toàn đi trên con đường trải đầy hoa hồng. Tất cả đều phải khổ luyện thành tài. Và, sự trưởng thành đó, từ xưa đến nay đều có công lao không nhỏ của các thầy, cô giáo, bởi “người thầy như ngọn nến, đốt cháy mình để thắp sáng nhân gian”...

Trước thầy vua vẫn là trò nhỏ

Vua Lê Hiến Tông (1461-1504) là vị vua thông minh, nhân từ và ôn hòa. Dưới thời trị vì của ông, đất nước vẫn duy trì được sự thái bình, thịnh trị có từ thời vua cha Lê Thánh Tông. Và, một câu chuyện cảm động về đạo thầy trò đã được lịch sử ghi lại trong một lần Vua Lê Hiến Tông về thăm thầy cũ.

Chuyện kể rằng, khi xa giá về đến cổng làng, Nhà vua ra lệnh dừng kiệu và bước xuống đầu đường rẽ vào nhà thầy. Lúc đó, nhà Vua chọn mấy cận thần cùng một vị quan sở tại tháp tùng vào nhà thầy giáo cũ. Vua ôn tồn nói với mọi người: “Hôm nay, trẫm về đây là để thăm thầy chứ không phải vi hành, công cán, vì vậy cho phép các khanh về nghỉ ở công quán”.

Nhà vua đi bộ cùng viên quan trấn và mấy quan hầu cận vào nhà thầy. Không trống phách, không nhạc nhã. Cụ Thượng thư già cùng các con cháu mũ áo chỉnh tề ra tận đầu thôn bày hương án nghênh tiếp nhà Vua.

Thấy thầy giáo, Vua vội vàng đến gần cụ. Theo đạo vua tôi, cụ sụp lạy. Nhà vua hai tay nâng vai thầy lên, ôn tồn: “Xin lão tiên sinh bình thân để cho đệ tử không bị thất lễ”. Rồi Nhà vua quay sang nói với những người đang quỳ rạp hai bên đường rằng: “Cho tất cả các ngươi đứng dậy cùng trẫm về nhà tôn sư!”.

Vua nhắc lại lời nói với các quân sĩ và với người thân của thầy giáo: “Hôm nay trẫm đến đây là học trò về thăm thầy, chứ không phải thiên tử đi kinh lý, nghi lễ ở chốn triều đình dùng vào lúc khác!”.

Ngôi nhà thầy giáo giản dị, cổ kính và gọn gàng, đúng với phong thái của chủ nhân - một bần nho trong sáng. Vua mời cụ ngồi lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy. Cụ giật mình thưa: “Tâu bệ hạ, đâu lại có thể như thế được.

Đạo thầy là nặng song phép nước cao hơn, xin hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu! Người ngoài trông vào sao tiện ạ!”. Nhà vua nhẹ nhàng: “Thưa tôn sư, họ đã biết mục đích của trẫm hôm nay rồi. Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi”.

Nói xong, Nhà vua đỡ cụ xuống cùng ngồi đàm đạo. Vua hỏi thăm sức khỏe và đời sống của thầy cùng gia đình, xin xem những bài thơ của thầy làm khi nhàn rỗi ở chốn thôn dã. Khi người nhà của cụ giáo dâng trầu nước chỉ đứng ở sân dưới thềm, chuyển qua các thị vệ dâng lên cụ giáo và Nhà vua. Vua Hiến Tông lại khoát tay: “Thôi để họ mang thẳng lên đây, chắc họ cũng muốn gần Vua một chút. Âu cũng là cái lộc của lão tiên sinh đây!”.

Thưởng thức chén trà ngát hương sen đồng nội, Nhà vua nói với các quan theo hầu: “Trẫm cho các ngươi lui! Chiều nay, trẫm không dùng “ngự thiện”, trẫm xin với lão tiên sinh cùng gia đình ăn bữa cơm quê. Trẫm muốn được ngồi chung mâm với thầy cũ cho thỏa tình thầy trò, chắc lão tiên sinh cho phép”. Cụ giáo nghẹn ngào: “Xin bái tạ đức vua! Thánh chỉ đã truyền, thần xin vâng mệnh!”.

Bữa cơm thầy trò chiều hôm đó diễn ra thân mật. Nhà vua đặc biệt thưởng thức món canh cua quê kiểng, bất giác nói với thầy: “Thầy cho con ăn một bát canh này thật là một niềm hạnh phúc. Hương vị cua đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh tày, quả là ngon. Cũng vì thế dân gian mới có câu ca: “Canh cua nấu cải thêm gừng/ Xưa nay vua chúa đã từng khen ngon”.

Nhân vật cụ giáo và là thầy dạy của Vua Lê Hiến Tông trong giai thoại mà sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại trên đây có tên là Nguyễn Bảo, hiệu là Châu Khê, quê ở xã Cổ Lai, huyện Vũ Tiên, chấn Sơn Nam (nay thuộc xã Phú Xuân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Khoa Nhâm Thìn, năm Hồng Đức thư III (1472), Nguyễn Bảo thi đỗ tiến sĩ.

Năm 1495, cụ được Nhà vua mời vào triều làm Tả thuyết thư, giảng dạy cho Thái tử Tăng. Khi Thái tử lên ngôi, tức Vua Lê Hiến Tông, cụ Nguyễn Bảo được cử làm Tả Thị lang bộ Lễ, tham dự và trông coi công việc ở Viện Hàn lâm. Năm 1501, thăng cụ làm Thượng thư bộ Lễ, kiêm Thị độc Viện Hàn lâm và sau vài năm thì mất, được truy tặng tước Thiếu bảo.

Và cứ theo nội dung của giai thoại trên thì trong ngày Nhà vua Lê Hiến Tông đến thăm, cụ giáo già Nguyễn Bảo còn vui hơn cả Nhà vua. Bởi lẽ, cụ có học trò ở ngôi tôn quý nhất nước nhưng vẫn mực thước thủy chung, giữ đạo nghĩa thầy trò. Cụ càng hài lòng vì học trò cũ của mình dẫu ngồi trên ngai vàng vẫn không quên cội gốc. 

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

Người thầy giáo già hài lòng vì học trò cũ của mình dẫu ngồi trên ngai vàng vẫn không quên cội gốc. Cái cội gốc đó là gì? Xin thưa đó là đạo lý muôn đời nay của người Việt, của dân tộc Việt: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên”; “Trọng thầy mới được làm thầy”; “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... 

Chuyện kể rằng đời nhà Đường Trung Quốc có nhà sư tên là Tề Kỷ làm thơ hay, nhất là các bài về hoa mai. Đặc biệt bài thơ Vịnh hoa mai (Mai Thi), rất nổi tiếng được nhiều người biết đến: “Vạn thủy đồng dục thiết/ Cô căn noãn độc hồi/ Tiên thân thâm tuyết lý/ Tạc dạ sổ chi mai”. Dịch là: “Băng giá hàng vạn mầm cây theo nhau tàn lụi, chỉ có gốc mai sống lại trong một chỗ tuyết dày đặc. Đêm hôm qua lại có mấy cành mai nở”.

Bài thơ đến với Trịnh Cốc. Cốc vụng làm thơ, nhưng trồng mai và chơi mai rất sành điệu. Cốc bảo: “Tại sao lại “Tạc dạ sổ chi mai”. Nên sửa chữ “sổ” thành chữ nhất (theo nghĩa tiếng Hán, sổ là nhiều, nhất là một) “Tạc dạ nhất chi mai”- đêm hôm qua chỉ có một nhành mai nở”.

Theo Trịnh Cốc, một nhành mai giàu sức sống, hàm ý bật dậy của thiên nhiên trước cõi chết. Ý đến tai Tề Kỷ. Kỷ thán phục lắm, xin đến hầu chuyện Trịnh Cốc và quỳ xuống xem Cốc là: “Nhất tự vi sư”- ông thầy dạy cho mình một chữ.

Giai thoại đó khi sang đến đất Việt, vốn đất nước có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, người Việt Nam tiếp thu văn hóa thế giới bằng cách chiết xuất, thúc đẩy và kiềm tỏa lấy phần tinh hoa, rồi qua hệ thống lăng kính bằng chính bản sắc văn hóa dân tộc khúc xạ, gạn lọc khiến phần tinh hoa ấy được tỏa sáng phong phú và tinh hoa thêm.

Chính vì vậy, từ câu nói “nhất tự vi sư” người Việt Nam nâng lên thành quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy với hàm ý khẳng định truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, tôn kính, quý trọng người thầy giáo. Khẳng định thái độ trách nhiệm của xã hội, của người trò đối với người thầy, dù chỉ dạy một chữ hay nửa chữ vẫn là thầy của mình.

Mặt khác, câu nói trên còn mang một ý nghĩa cao hơn, nó đòi hỏi ở những người làm nghề giáo dục cái đạo làm thầy, phải có trách nhiệm trước các sự dạy. Dù chỉ dạy một chữ hay nửa chữ đi nữa cũng phải luôn nhớ mình là thầy, dạy cho tường, cho tỏ, chưa biết thì không nói, sự học là vô cùng. Câu nói không chỉ đặt ra cho người thầy về nội dung giảng dạy mà còn cả về nhân cách làm thầy.

Người thầy được xã hội tôn vinh là thế, trọng trách mà xã hội đặt ra cho người thầy là thế và hết sức nặng nề. Học không ngừng, người thầy cũng phải không ngừng tự làm mới mình, để đủ sức khai sáng thế hệ trẻ mỗi ngày mỗi khác theo đà tiến bộ của văn hóa xã hội và khoa học kỹ thuật.

Con thèm được một lần quay lại ngồi trên ghế nhà trường để được nghe thầy giảng

Có một người thầy rưng rưng kể về bức thư cô trò nhỏ viết lại cho thầy. “Thưa thầy, mỗi khi tâm hồn héo úa vì thiếu nước của văn chương, con thèm được một lần quay lại ngồi trên ghế nhà trường để được nghe thầy dắt con đi vào một thế giới mới. Nơi mà con biết đồng cảm, biết thương và biết giận với những mảnh đời, những số phận…

Con thèm được ăn bát cháo hành của Thị Nở nấu cho Chí Phèo qua lời giảng của thầy. Con ước con có một cái nhân cách cao quý và chữ viết đẹp như Huấn Cao. Con thèm được nghe về cuộc sống, thèm đi đến những nơi xinh đẹp trên đất nước bằng trí tưởng tượng của con qua lời giảng trầm ấm, truyền cảm…

Chưa bao giờ con thấy tâm hồn mình héo úa như hôm nay. Đã lâu lắm rồi, con không còn được đến với thế giới văn chương xưa nữa. Không có ai có thể giảng cho con nghe những lời hay, ý đẹp, họ chỉ mang cho con những lý thuyết suông nghiêng về hưởng thụ vật chất. Con thèm và ước được một lần nữa quay lại được uống trà và trò chuyện về thơ ca với thầy dù kiến thức con còn nông cạn. Vì mỗi lần như thế, tâm hồn con nhẹ và thoải mái, tràn đầy sức sống...”. 

Sẻ chia với nỗi niềm của trò, người thầy ấy chỉ mong trò sẽ mang cái tâm hồn này bất biến trong dòng đời vạn biến. Bởi đó chính là bến bờ vững bền nhất sau những giông gió cuộc đời.

Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý vào bậc nhất trong các nghề cao quý. Là nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo. Vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. 

Trong công cuộc đổi mới hôm nay, chất lượng giáo dục còn nhiều bất cập cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả. Thế nên, dù ai cũng biết cái gốc, cái đạo lý muôn đời nay của người Việt, của dân tộc Việt: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, song không phải ai cũng làm theo được.

Bởi thế, đâu đó vẫn có chuyện trò xem thường thầy, thậm chí là trò hành hung thầy giáo dạy mình. Nhưng xin hãy nhớ rằng, những kẻ đã một lần như vậy thì tồn tại cũng như không, bởi đâu còn niềm tin, đâu còn chỗ dựa trong tâm để đứng giữa cuộc đời này…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.