Giám sát chặt người về từ vùng dịch
Ngày 18/2, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội đã cử đoàn thanh tra kiểm tra công tác phòng dịch tại 9 chốt kiểm soát dịch Covd-19 ở chùa Hương. Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chánh Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội, cho biết, công tác kiểm tra tại 6 chốt đầu tiên (từ điểm gửi xe đến bờ suối Yến).
Tất cả các chốt đều có lực lượng ứng trực 24/7, hướng dẫn thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19 như nước rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang… Cũng theo ông Nguyễn Đức Hải, toàn bộ hoạt động chèo thuyền đưa đón khách tại suối Yến đã dừng. Một số thuyền qua lại trên suối là người dân vận chuyển lương thực thực phẩm.
Chiều cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội thông báo về việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân Hà Nội trở về từ các ổ dịch trên cả nước.
Theo đó, tất cả những người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội đi từ các ổ dịch Covid-19 của 12 tỉnh, thành phố, gồm: Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Giang, Điện Biên, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Gia Lai tự cách ly y tế và liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Kế hoạch cụ thể như sau: Những người từng đi, đến, về từ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương từ ngày 15/1 trở lại đây. Những người đi từ các địa phương khác của tỉnh Hải Dương về Hà Nội kể từ 0h ngày 2/2 trở lại đây. Những người đi từ các ổ dịch của 11 tỉnh, thành phố có dịch Covid-19. Thời gian khai báo và lấy mẫu xét nghiệm từ ngày 18/2 đến 20/2/2021.
Liên quan đến bệnh nhân Covid-19 người Nhật đã tử vong, đến trưa 18/2, tại các địa điểm liên quan đến BN2229 và khách sạn Sommerset WestPoint, Hà Nội đã lấy được 586 mẫu xét nghiệm, trong đó có 2 ca dương tính (BN2234, BN2240), còn lại 584 mẫu đều âm tính.
Trước đó, sáng ngày 15/2 (sáng mùng 4 Tết), Bộ Y tế công bố ca bệnh có mã số 2229. Bệnh nhân là nam, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi tử vong tại khách sạn Somerset West Point, số 2 đường Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
BN2229 là chuyên gia Công ty Mitsui, chi nhánh tại 23 Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bệnh nhân này từ Nhật sang Việt Nam ngày 17/1, đã cách ly đủ 14 ngày tại một khách sạn ở TP HCM và có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính, kết thúc cách ly vào ngày 31/1. Ngày 1/2, BN 2229 bay ra Hà Nội.
Trong khi đó, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, TP Hồ Chí Minh đã triển khai giám sát người từ vùng dịch trong nước đến thành phố bằng việc tiếp nhận khai báo y tế, lấy mẫu ngẫu nhiên người từ các tỉnh, thành khác về thành phố tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế.
Cụ thể, ngày 18/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, sau Tết Nguyên đán, thành phố đã tiếp nhận 3.528 trường hợp khai báo y tế, chuyển cách ly tập trung 155 trường hợp, 7 trường hợp cách ly tại nhà, 3.366 trường hợp tự theo dõi sức khỏe; lấy mẫu xét nghiệm giám sát ngẫu nhiên 3.464 trường hợp, trong đó 3.266 trường hợp âm tính, 198 trường hợp đang chờ kết quả.
Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện hoạt động khai báo, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đến từ vùng dịch; tiếp tục triển khai tiếp nhận khai báo, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đến từ các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, các ổ dịch đang được theo dõi, giám sát; kiểm tra, giám sát các khu cách ly tại khách sạn, tại bệnh viện, các khu cách ly tập trung của quận, huyện, khu cách ly của thành phố.
Ngoài ra, HCDC triển khai thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định; giám sát người sau khi hoàn thành cách ly tập trung về cư trú tại thành phố; giám sát bệnh nhân sau xuất viện theo quy định; tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm giám sát theo quy định đối với thành viên các tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại thành phố…
Từ chối vận chuyển hành khách không khai báo y tế
Trong diễn biến liên quan, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan đơn vị trong ngành hàng không về việc phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kiểm tra và nhắc nhở cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị và hành khách thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch; hướng dẫn hành khách khai báo y tế điện tử khi làm thủ tục trực tuyến tại website hoặc trên ứng dụng Tờ khai y tế (Vietnam Health Declaration).
Văn bản cũng nêu rõ: “Từ chối vận chuyển các trường hợp không thực hiện khai báo y tế và các quy định liên quan về an toàn dịch bệnh”, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đối với tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị cài đặt ứng dụng truy vết Bluezone và phải thường xuyên bật Bluetooth để ứng dụng hoạt động hiệu quả, nhằm cảnh báo sớm nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm, người nghi nhiễm và giúp cơ quan chức năng phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu các cảng vụ hàng không và các hãng hàng không tiếp tục rà soát quy trình, biện pháp phòng chống dịch đang áp dụng để phát hiện nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về cách ly đối với tổ bay nhập cảnh theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa có văn bản kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với cơ quan y tế liên quan về việc giám sát, kiểm tra và khử trùng tàu bay, nhà ga hàng hóa… tại các cảng hàng không, sân bay do kiểm định viên y tế của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tại các địa phương (CDC) thực hiện.
Tại các cảng hàng không, sân bay, các nhân viên hàng không tiếp xúc trực tiếp với hành khách, hành lý, hàng hóa có nguy cơ lây nhiễm virus cao. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị ưu tiên cho các nhóm nhân viên được tiêm vaccine đợt 1 gồm nhân viên làm thủ tục hành khách, nhân viên phục vụ vận chuyển hàng hóa, tiếp viên, phi công, kiểm soát viên không lưu.