Thời gian thực hiện nội dung Công văn này từ ngày 27/7 đến khi UBND tỉnh có công văn để sở, ngành, địa phương tiếp tục được tuyển dụng, hợp đồng lao động, bổ nhiệm cán bộ theo phân cấp quản lý.
Cố ý làm trái quy định của UBND tỉnh
Tuy nhiên, khi Công văn số 7369 có hiệu lực thì ngày 31/7/2015 ông Lê Thế Kiệm - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp nghề kỹ nghệ TCNKN Thanh Hóa (gọi tắt là Trường TCNKN) nhanh chóng ra Quyết định số 109/QĐ-TCNKN thành lập Hội đồng xét tuyển biên chế. Hơn nữa, việc lập hội đồng xét tuyển lại đưa bà Trần Thị Vận – Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính trường TCNKN vào hội đồng xét tuyển trong khi người được đề cử xét tuyển biên chế lại chính là con của bà Vận.
Theo phản ánh của một số cán bộ, giáo viên trường TCNKN Thanh Hóa thì việc để mẹ vào hội đồng xét tuyển cho con vào biên chế là không khách quan, gây hiểu lầm và mâu thuẫn trong nội bộ trường.
Ngoài ra, hiện nay tình trạng tuyển dụng cán bộ, nhân viên không đúng với nhu cầu của nhà trường đang làm bộ máy cồng kềnh mà không đem lại được hiệu quả trong giáo dục, đào tạo.“Thời gian gần đây, nhà trường mở thêm một số ngành nghề mới, rất cần nguồn nhân lực là giáo viên có chuyên môn, tay nghề để nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường lại tuyển những người mà nhà trường không có nhu cầu, khiến cho chất lượng đào tạo không được nâng lên mà còn hạ xuống” - một giáo viên trường TCNKN chia sẻ.
Điều đáng nói là, việc xảy ra những tiêu cực nêu trên không chỉ là chuyện mới, thực tế trong quá trình hoạt động Trường TCNKN Thanh Hóa đã từng để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý, tuyển sinh, giáo dục. Cụ thể, từ năm 2010 đến 2014 tại Trường TCNKNTH đã xảy ra nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng hợp đồng lao động...
Vì thế, ngày 14/10/2014 Chánh Thanh tra tỉnh đã có Quyết định số 1104 về việc thanh tra toàn diện Trường TCNKN và kết quả thanh tra đã chỉ rõ: Từ khi đi vào hoạt động (năm 2007) đến thời điểm thanh tra hội đồng nhà trường không được thành lập; việc bổ nhiệm Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng không đúng quy định; hiệu trưởng nhà trường tự ý lập thêm phòng, thay đổi cơ cấu tổ chức của nhà trường, ký kết hợp đồng lao động tùy tiện, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của nhà trường. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động chưa được nhà trường quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ; một số trường hợp chi trả phụ cấp không đúng quy định.
Hoạt động đào tạo nghề của nhà trường giai đoạn 2010 -2014 không hiệu quả; chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo hằng năm thấp, thế nhưng khi làm dự toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp đào tạo, nhà trường đã khai tăng số lượng chỉ tiêu tuyển sinh, cụ thể giai đoạn 2010 – 2014, thực tế số lượng học viên đào tạo chỉ có 559 học viên; nhà trường báo cáo là 2.546 học viên (tăng 1.987 học viên, vượt 355%); quyết toán là 1.667 học viên (tăng 1.018 học viên, vượt 182%).
Về hoạt động thu, chi tài chính giai đoạn 2010 -2013, có một số khoản chi sai quy định, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, cụ thể là: thanh toán tiền phụ cấp đứng lớp (mức phụ cấp 30%) cho 3 trường hợp ban giám hiệu nhà trường không đúng quy định (không tham gia giảng dạy) với tổng số tiền gần 100 triệu đồng cho các ông Nguyễn Hồng Khoa - nguyên Hiệu trưởng, trên 19 triệu đồng; ông Lê Anh Chiến - nguyên Phó Hiệu trưởng, trên 35 triệu đồng và ông Lê Thế Kiệm - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường gần 40 triệu đồng.
Ngoài việc chi không đúng cho Ban giám hiệu, nhà trường còn thực hiện thanh toán 10% lương, để hỗ trợ đời sống cho cán bộ hành chính với tổng số tiền hơn 84 triệu đồng, không đúng nguồn theo quy định của Chủ tịch UBND tỉnh; thanh toán hồ sơ di chuyển cây xanh với số tiền trên 43 triệu đồng, nhưng kiểm tra thực tế nhà trường chỉ thanh toán hợp đồng với số tiền 21 triệu đồng, số tiền còn lại nhà trường sử dụng vào mục đích khác (gồm quỹ phát triển sự nghiệp và chi quà tết). Một sai phạm khác nữa là trên sổ sách kế toán, số tiền mặt còn tồn quỹ đến 31/12/2013 là 259.535.388 đồng. Tuy nhiên khi kiểm tra tiền mặt quỹ chỉ còn 7.753.424 đồng (hụt quỹ là 251.791.964 đồng).
Về tuyển dụng hợp đồng lao động ngoài biên chế, nhà trường có tổng số 55 cán bộ, giáo viên, trong đó có 21 người được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, 34 trường hợp hợp đồng lao động. Trong 34 trường hợp được ký hợp đồng có 4 trường hợp thực hiện đúng quy định; 30 trường hợp hiệu trưởng nhà trường tự ý ký hợp đồng dài hạn là sai quy định của Nghị định 44/2003/NĐ-CP và Nghị định 116/2003/NĐ-CP của Chính phủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra việc ký hợp đồng lao động còn vi phạm quy định như việc xét tuyển hợp đồng lao động không thành lập hội đồng xét tuyển; ký hợp đồng lao động đều do hiệu trưởng tự quyết định.
Sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh, Trường TCNKN đã tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm và phân định, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm. Tuy nhiên, đối với Ban giám hiệu cũ, trừ trường hợp ông Nguyễn Hồng Khoa nguyên Hiệu trưởng đã bị Thường trực Đảng ủy Liên minh HTX xử lý kỷ luật Đảng, thuyên chuyển về công tác tại Văn phòng Liên minh HTX, hạ phụ cấp trách nhiệm từ 0,7% xuống 0,3%; 2 trường hợp còn lại là nguyên Hiệu trưởng Phùng Tố Như và nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường Lê Anh Chiến, do đã nghỉ chế độ nên nhà trường không có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.
Có bao che vi phạm?
Tưởng rằng sau kết quả thanh tra và xử lý vi phạm năm 2014 đối với một số lãnh đạo Trường TCNKN Thanh Hóa sẽ chấn chỉnh, khắc phục các khuyết điểm, sai phạm. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, các sai phạm tại Trường TCNKN ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn gây nên tình trạng mất đoàn kết, thiếu dân chủ. Một số cán bộ trường đưa đơn kiện khắp nơi nhưng không được giải quyết triệt để, trái lại những người ra sức tố cáo các sai phạm của trường thì liên tục bị trù dập, đe dọa cho thôi việc… khiến các cán bộ, giáo viên trong trường trở nên chán nản, bất bình.
Chia sẻ với chúng tôi, một nhân viên trong Trường TCNKN Thanh Hóa đề nghị giấu tên cho biết: “Không chỉ có tôi mà còn rất nhiều cán bộ, nhân viên khác trong trường bất bình trước cách hành xử của thầy Kiệm. Khi chúng tôi phát hiện sai phạm, tố cáo đến các cơ quan chức năng thì luôn bị thầy Kiệm soi mói, tìm cách luân chuyển công tác, dồn chúng tôi sang những phòng ban không đúng với năng lực chuyên môn. Việc đó vô cùng nguy hiểm, bởi những việc không đúng với năng lực thì chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ, và cứ tiếp diễn như vậy sẽ bị đuổi việc...”.
Thêm nữa, phản ánh của một số cán bộ, nhân viên Trường TCNKN đã gửi đến nhiều cấp, chính quyền địa phương. Liên minh HTX Việt Nam cũng đã tiến hành xác minh nội dung tố cáo và thông báo sẽ có kết luận vào giữa tháng 8. Tuy nhiên, đến nay không biết do nguyên nhân gì mà việc công bố kết luận thanh tra lại bị trì hoãn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch Liên minh HTX Thanh Hóa: “Chúng tôi đã tiếp nhận một số nội dung tố cáo về những sai phạm trong quản lý, đào tạo tại Trường TCNKN Thanh Hóa. Hiện tại, đã thành lập đoàn kiểm tra và đang tiến hành thanh tra, xác minh các nội dung tố cáo.
Theo dự kiến chúng tôi sẽ công bố kết luận thanh tra vào giữa tháng 8, tuy nhiên do vừa rồi bận đại hội liên minh nên hoãn đến cuối tháng 8 sẽ công bố (tuy nhiên cho đến thời điểm này theo ghi nhận của phóng viên, kết luận thanh tra vẫn chưa được công bố - PV). Vì vậy, sau khi có kết luận của thanh tra, ai sai như thế nào, chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để xử lý theo các quy định của pháp luật.”.
Ngoài ra, ông Hưng cũng nhận định rằng: “Nếu có việc lập danh sách tuyển sinh ảo thì đó chưa hẳn có ý đồ báo cáo sai để lấy tiền ngân sách Nhà nước mà đó có thể là chạy theo thành tích. Bởi, hiện nay việc tuyển sinh ở nhiều trường trung cấp khá khó khăn, trong khi vẫn phải đảm bảo lương, chế độ cho cán bộ, công nhân viên của trường thì phải vẽ cho đủ để hợp lý”.