Trung tâm dưỡng lão của người phụ nữ mồ côi từ tấm bé

Chị Lời đang chăm sóc bữa ăn cho các mẹ tại trung tâm dưỡng lão.
Chị Lời đang chăm sóc bữa ăn cho các mẹ tại trung tâm dưỡng lão.
(PLO) - Chị Trịnh Thị Lời (ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã mồ côi cha mẹ từ bé. Cứ mỗi lần được nhận quà từ các nhà hảo tâm, cô bé lại ước mơ, sau này lớn lên sẽ giúp đỡ lại những người nghèo khổ, bất hạnh. Giờ chị đã 60 tuổi, ước nguyện của chị được gửi gắm vào trung tâm dưỡng lão, nơi nuôi dưỡng các cụ già lúc xế chiều.

Ước mơ của cô bé mồ côi

Chị Lời mồ côi từ khi vừa mới lên 5. Từ đó, chị sống với một người họ hàng. Nhưng gia đình này cũng khó khăn nên một thời gian sau chị lại đến ở với gia đình khác. Cứ vậy, chị nương náu nhiều nơi với những chuỗi ngày vất vả, thiếu thốn tình 1 gia đình thực sự.

Là trẻ mồ côi, nhiều lần được nhận quà của các nhà từ thiện, mạnh thường quân, cứ mỗi lần nhận quà, chị lại thầm nghĩ, sau này chị sẽ như các cô, các chú đi làm từ thiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khác. 

Chị Lời tâm sự, dù khi đó tuổi còn nhỏ nhưng mỗi khi được ai đó quan tâm, chị cảm thấy rất hạnh phúc và muốn chia sẻ điều đó cho mọi người. “Dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi luôn cảm nhận được tình yêu thương và mong ngóng những điều tốt đẹp”, người phụ nữ hiền hậu nói.

Lớn lên chút nữa, chị Lời nuôi ý định làm cô giáo để dạy chữ cho các trẻ em mồ côi, nghèo khó. Chị quyết tâm thi vào ngành sư phạm và cuối cùng cũng trở thành giáo viên 1 trường tiểu học.

Đến năm 1978, chị lập gia đình, sinh con. Dù tất bật với công việc, lo toan cho gia đình nhưng chị vẫn nuôi dưỡng ước mơ làm một điều gì đó thiết thực cho những người nghèo khổ. Nhiều lần bắt gặp các cụ già lang thang, ăn xin chị nảy ra ước muốn xây dựng một ngôi nhà để chăm sóc các cụ, những người cha, người mẹ tuổi xế chiều mà chị đã không may mắn có được. 

Và thế là chị bắt đầu tích cóp những đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng. Khi được kha khá, chị mua nhà. Chị bảo rằng, nếu cất tiền bạc dễ mang ra sử dụng. Còn nhà, cứ để vậy cho thuê, khi nào cần làm chuyện lớn sẽ mang ra bán.

Ước mơ trở thành hiện thực

Năm 2007, cô giáo Lời về hưu. Lúc này, các con chị cũng đã lớn và có cuộc sống ổn định. Sau bao năm chuyên tâm cho công việc, chu toàn cho gia đình, chị Lời muốn được thực hiện việc lớn mà chị đã nuôi dưỡng trong hàng chục năm. Chị bàn với chồng và các con về việc xây dựng một nhà dưỡng lão. 

Ý tưởng của chị được gia đình ủng hộ. Kể đến đây, chị nói: “Đây cũng là điều may mắn, hạnh phúc của mình. Chồng và con không những yêu thương mà còn hiểu được lòng mình. Để làm được việc này, cần phải bỏ ra một số tiền lớn. Nếu chồng con không ủng hộ thì mình sẽ rất khó khăn”.

Lễ mừng thọ cho các cụ ông, cụ bà ở trung tâm dưỡng lão.
 Lễ mừng thọ cho các cụ ông, cụ bà ở trung tâm dưỡng lão.

Chị Lời bán một căn nhà được 600 triệu nhưng số tiền này không đủ để chị xây dựng một trung tâm dưỡng lão vậy là chị lại bán tiếp một căn nhà thứ hai. Cầm 1 tỷ đồng (vào năm 2007 đây là số tiền rất lớn) từ việc bán 2 căn nhà, chị Lời thực hiện ước mơ.

Ban đầu, chị Lời dự định xây dựng trung tâm dưỡng lão ở huyện Thăng Bình quê chị nhưng do thủ tục hành chính quá rườm rà nên chị không thực hiện được. Nhờ một người bạn giới thiệu, chị đến UBND huyện miền núi Hiệp Đức xin 5000m2 đất dưới chân núi Dương Bồ (thị trấn Tân An) để xây dựng. 

Lãnh đạo UBND huyện đồng ý ngay, không những thế còn hỗ trợ 300 triệu đồng giúp chị thực hiện ước mơ và bố trí một khu nghĩa địa cạnh đó để dành chôn cất các cụ già khi qua đời. Khi mới thành lập, Trung tâm có tên "Trung tâm dưỡng lão và đào tạo nghề cho người khuyết tật Hiệp Đức".  Về sau, để tập trung hơn nên trung tâm chỉ dành cho các cụ già và đổi tên thành “Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức”.

Khi nghe tin chị Lời bán nhà để xây dựng trung tâm dưỡng lão, không ít người tỏ ra ái ngại, vì đây là việc làm quá lớn với một cá nhân và trước đó, chưa có cá nhân nào trong tỉnh tổ chức được một mô hình từ thiện lớn như vậy. Còn bây giờ, khi nhắc đến trung tâm là vô vàn câu chuyện yêu thương được người dân kể cho nhau nghe.

Nơi chỉ có tình yêu

Ban đầu, trung tâm chỉ có vài người. Sau đó, thông tin truyền đi, nhiều người điện đến báo chỗ này có người già không nơi nương tựa, chỗ kia có người bệnh tật không con cháu chăm sóc, chị Lời lại vất vả ngược xuôi đưa họ về với trung tâm mình. 

Dù bận rộn nhưng chị luôn làm việc cẩn thận, khoa học. Sau khi nhận điện thoại của người dân thông báo, chị về quê người neo đơn để xác minh từ chính quyền, bà con lối xóm. Sau khi hoàn thành thủ tục, chị đón các cụ về ngôi nhà chung. 

Khi có một thành viên mới về trung tâm, chị Lời tổ chức tiệc ra mắt mà các cụ già vẫn gọi vui là “rửa”. Các thành viên cũ sẽ tặng hoa, thăm hỏi người mới. Tính từ ngày thành lập cho đến nay, trung tâm dưỡng lão đã đón 39 cụ ông, cụ bà neo đơn đến nuôi dưỡng. 

Chị Lời cho biết, 5 năm đầu mới thành lập, có rất nhiều khó khăn, vất vả. Ngoài lo tiền ăn, tiền quần áo, khám chữa bệnh cho các cụ, chị Lời còn phải xây dựng nếp sống tập thể, cộng đồng cho các cụ từ thể dục, sinh hoạt chuyện trò, ăn ngủ... tất cả phải vào nề nếp.

Trong khi đó các cụ, mỗi người một quê nên cũng phải mất một thời gian mới hòa nhập. Thêm tuổi già, người nặng tai, người lãng trí... nên việc “tập huấn” cho các cụ lại càng khó khăn.

Hiện nay, trung tâm nuôi dưỡng 22 cụ, có 3 người giúp việc. Mỗi tháng, tiền ăn cho các cụ khoảng 17 triệu; tiền lương cho 3 người giúp việc là 3 triệu/người. Để có đủ ngần ấy tiền, ngoài tiền ủng hộ của các mạnh thường quân, chị Lời trích từ tiền kinh doanh cây cảnh của gia đình.

Chị Lời kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về những “người mẹ” hiện giờ của chị. Mẹ Văn Thị Năm (85 tuổi), mồ côi cha mẹ từ nhỏ, vào Sài Gòn bán vé số, đến lúc già không còn bán được nữa, về lại quê thì nhà không có, ăn xin ở chợ Cầu Mống (Điện Bàn, Quảng Nam). Một lần, thấy đau trong người, cụ cầm số tiền ăn xin được đến bệnh viện khám, bác sĩ nói cụ bị hở van tim, hen suyễn, rồi giới thiệu cụ đến trung tâm. 

Rồi mẹ Nguyễn Thị Trướt không biết quê mình ở đâu. Mẹ đi ăn xin ở chợ Bà Rén, ngất xỉu giữa chợ, người dân đưa mẹ đến Bệnh viện Tam Kỳ. Khi biết thông tin, chị Lời đón về trung tâm cho đến khi qua đời ở tuổi 99.

Mẹ Nguyễn Thị Mực (86 tuổi) tâm sự: “Mẹ vào đây được 8 tháng rồi. Mẹ bị lòa, mắt không thấy được. Con Lời đã đưa mẹ đi mổ. Bây giờ mắt mẹ đã sáng rồi. Lên đây kẻ xa người lạ nhưng tất cả đoàn kết. Con Lời tốt quá. Mẹ thương hắn như con ruột của mẹ”.

Đón tiếp các cụ ông, cụ bà neo đơn về ngôi nhà chung.
Đón tiếp các cụ ông, cụ bà neo đơn về ngôi nhà chung.

Chúng tôi không khỏi xúc động khi đọc những vần thơ chị Lời viết tặng mẹ Đặng Thị Nở (82 tuổi) : 

“Thương cho thân phận đơn côi

Chân gãy nằm viện không tiền mổ thay (khớp)

Cầu mong trời Phật độ trì

Bốn phương giúp đỡ cho người gãy chân

Ngày mai chân lại vẹn toàn

Miệng cươi móm mém nhớ ơn cộng đồng”. 

Chị Lời bảo, nuôi trẻ em thì càng ngày càng lớn. Còn nuôi các mẹ thì càng ngày càng già yếu và lú lẫn rồi một ngày nào đó các mẹ ra đi. Mỗi lần một mẹ ra đi là mỗi lần trái tim chị đau xé lòng. Đọc bài thơ chị viết khi một mẹ vừa mất, chúng tôi không cầm được xúc động: 

“Mùa đông lạnh giá

Mẹ đã ra đi

Mẹ nằm nơi mô

Cõi tiên, âm phủ?

Trần gian con nhớ

Tiếng gậy mẹ vang

Tiếng rên mẹ ngủ

Ru hời, mẹ ơi!”

Tôi hỏi chị Lời mơ ước của chị bây giờ là gì. Người phụ nữ hiền hậu trả lời: “Tôi mong muốn những ai có điều kiện góp người bao gạch, người bao xi măng để cùng nhau mở rộng trung tâm. Bởi còn rất nhiều các cụ già neo đơn đang phải mưu sinh và sống lang thang. Những ngày cuối đời, các cụ cần lắm ngôi nhà để được yêu thương, chăm sóc”.

Chia tay, chúng tôi không thể nào quên dòng chữ được chị Lời dán trong phòng ăn của trung tâm dưỡng lão: “Cách tốt nhất để mình được vui là làm cho người khác vui lên”.

Tin cùng chuyên mục

Đã có hơn 100 trường hợp mắc bệnh X thiệt mạng ở Congo được ghi nhận. (Ảnh: Africa CDC)

Dịch bệnh bí ẩn bùng phát ở Congo, nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ lây lan

(PLVN) - Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải đối mặt với một dịch bệnh bí ẩn, được gọi là bệnh X. Tính đến ngày 11/12, có 416 ca bệnh được báo cáo, trong đó có hơn 100 ca tử vong. Có hơn 50% số ca tử vong là trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Căn bệnh này bùng phát từ khu vực y tế Panzi, tỉnh Kwango, vào cuối tháng 10/2024 và đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.