Trẻ em như búp trên cành…
Hôm chúng tôi ghé thăm trung tâm, bà Ninh đang bận tiếp một đoàn khách từ thiện. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi tranh thủ tham quan các phòng ăn, phòng bếp, thư viện của trung tâm. Những đứa trẻ thấy người lạ đều khoanh tay, cúi đầu chào rất lễ phép. Chào xong, mấy đứa lớn vừa đi học về vào phòng cất cặp, thay quần áo rồi vội vàng vào phòng ăn dọn bàn, xếp bát ăn rất tự giác và thuần thục.
55 đứa trẻ là 55 tính cách nhưng đều được giáo dục để trở thành trẻ ngoan ngoãn, lễ phép. Những gương mặt sáng sủa, lanh lợi luôn biết mỉm cười hiền lành, thân thiện, trò chuyện cởi mở với khách, thậm chí có những bé còn vui vẻ chuyện trò với các bà, các cô đến thăm trung tâm.
Chuyện trò với chúng, chúng tôi chỉ dám hỏi về chuyện ăn ngủ, học hành, không dám động đến nỗi khổ mồ côi, nỗi khổ có cha, có mẹ nhưng không có được hạnh phúc gia đình giản đơn của chúng. Bà Ninh bảo, những đứa trẻ ở đây đều rất ngoan ngoãn, biết nghe lời nhưng tâm hồn cũng rất mong manh, nhạy cảm. Chúng ít hỏi han, tâm sự về chuyện thiếu vắng cha mẹ, dường như mỗi đứa trẻ đều thấu hiểu tình cảnh của mình nên chúng hồn nhiên ăn, học và lớn lên dưới sự bảo bọc của các mẹ ở trung tâm và sự quan tâm, yêu thương nhau của 55 anh chị em trong một mái ấm.
Hết giờ trưa, trước khi đến trường, chúng đều ghé qua phòng bà Ninh (lũ trẻ gọi là Giám đốc Trung tâm là bà) để chào trước khi đi học và khi đi học về chúng cũng qua phòng bà chào như thế nên cuộc chuyện trò của chúng tôi bị gián đoạn nhiều vì bà phải đáp lời các cháu bé. Để hình thành được nết ăn, nết ở ngoan ngoãn như vậy, bà Ninh cùng các mẹ đã phải cực nhọc uốn nắn những đứa trẻ từ những ngày đầu chúng bỡ ngỡ vào trung tâm. Vì thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng ngoan hiền, thậm chí nhiều trẻ do hoàn cảnh riêng, trước khi vào trung tâm chúng rất bướng bỉnh, lì lợm. Các bà, các mẹ phải kiên trì uốn nắn, chúng mới được như ngày hôm nay.
Bắt đầu từ việc nhỏ như ăn uống phải nhường nhịn nhau ra sao, gắp thức ăn như thế nào đến việc cần phải bảo vệ sức khỏe của mình, phải giúp đỡ các anh chị em cùng gia đình, giúp các mẹ sau giờ học… Tư thế ngồi học cho đúng, cách cầm bút cho chuẩn… Tất cả đều được bà Ninh hướng dẫn các mẹ thuần thục mỗi lần tiến hành tuyển chọn, đào tạo. Sau đó bà nhắc nhở các mẹ phải để ý rèn từng đứa một.
Thỉnh thoảng bà cũng tham gia sinh hoạt đột xuất với các gia đình để phát hiện những vấn đề chưa chuẩn, nhắc nhở các mẹ, các con những việc phải làm cho nền nếp, quy chuẩn. Bà bảo, bà đã liên tục phải ra các nội quy để quản lý chặt chẽ từng hành động của mỗi đứa trẻ. Trung tâm đông trẻ mà số lượng các mẹ lại ít nên buộc lòng phải dùng nội quy để nền nếp gia đình được thực hiện nghiêm chỉnh nhất.
Bà Ninh kể lại những khó khăn ngày mới về tiếp quản Trung tâm |
Cảm động bà giám đốc “mua nợ, ăn chịu”
Để có được một cơ ngơi khang trang với những đứa trẻ ngoan ngoãn như thế, ít người biết bà Ninh đã trải qua một quá trình xây dựng trung tâm khó khăn đến nhường nào. Năm 1998, bà Ninh được đích thân Phó Chủ tịch TX Hà Đông khi ấy đề nghị bà ra tiếp quản trung tâm.
Bà kể lại, trước khi nhận được lời đề nghị này, bà đã ra thăm trung tâm và thấy thực sự xót xa cho số phận những đứa trẻ ở đấy. Đứa thì ngằn ngặt khóc cả ngày, đứa thì mặt mày nhem nhuốc, các cô nuôi khi ấy đều rất trẻ, chưa có kinh nghiệm và kỹ năng chăm trẻ.
Với bản tính đa cảm và yêu trẻ, ngay từ đầu bà đã thấy nặng lòng với những đứa trẻ bất hạnh ở trung tâm. Tuy nhiên bản thân bà biết rõ nếu nhận công việc ở trung tâm thì bản thân sẽ vô cùng vất vả. Sau khi tham khảo ý kiến gia đình, được chồng và các con ủng hộ, bà quyết định chuyển công tác từ Phòng Giáo dục và Đào tạo TX Hà Đông vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em.
Có điều, bà không thể ngờ được, không bao lâu sau khi bà tiếp quản, Trung tâm đột ngột bị cắt nguồn tiền tài trợ hàng tháng. Bà lao đao khốn khổ tìm mọi cách để duy trì những bữa ăn cho các cháu. Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà quyết định phải tìm cách duy trì bữa ăn hàng ngày cho các cháu và không ngần ngại, bà ra hàng gạo ngoài chợ, khẩn khoản xin đong gạo nợ.
“Thật xúc động là người bán hàng tốt bụng lắm cô ạ. Họ không ngần ngại cho tôi nợ, lại còn bảo, bà cứ ra lấy gạo về cho bọn trẻ ăn, họ không đòi tiền đâu” - bà kể lại mà vẫn chưa hết xúc động vì tấm lòng của người bán hàng. Tưởng chỉ vay nợ ít ngày, không ngờ bà cũng phải mất tới gần 5 năm mới trả nợ được cô hàng gạo. Còn rau ăn hàng ngày bà đi khắp làng, tìm tới những ruộng khô cạn, không ai trồng cấy để hái rau cằn hoặc rau bò từ các ruộng khác sang. Cũng may bà còn tăng gia được vài con lợn nên cuối năm bán đi, đủ tiền để mua mắm muối nuôi bọn trẻ.
Ròng rã gần 5 năm trời bà đi ăn đong, ăn vay như thế, cho đến ngày có một tổ chức hảo tâm vào tặng trung tâm 20 triệu đồng. Bà kể: “Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm ấy, khi công bố với các cháu trung tâm mới nhận được một khoản tài trợ. Các cháu nhỏ reo lên sung sướng vì ngày mai lại được ăn ngon, còn các cháu lớn hiểu chuyện hơn, cho rằng, số tiền ấy bà còn phải trả nợ đã”.
Bữa ăn trưa ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em Hà Cầu |
Kể từ thời điểm ấy, bằng sự cố gắng và nỗ lực của bà, trung tâm lại nhận được khoản tiền tài trợ hàng tháng. Bà bớt đi gánh nặng lo cơm áo gạo tiền mỗi ngày lại quay sang lo cho đời sống văn hóa tinh thần của những đứa trẻ. Văn nghệ, thể thao bà đều cho chúng tập đủ… Thậm chí bà còn giúp đỡ những đứa trẻ đã trưởng thành, rời mái ấm mà chưa có công ăn việc làm hoặc chưa ổn định công việc. Vài bộ quần áo, chăn màn, bát đĩa… dù rất nhỏ nhưng đó là những vật dụng cần thiết cho một cuộc sống mới, độc lập.
Cứ thế, mỗi ngày một ít, bà Ninh đang dùng những ngày tháng đáng lẽ được an hưởng tuổi già, vui vầy với con cháu, để dành lo cho những đứa trẻ không máu mủ ruột rà nhưng đã trở thành người thân của bà kể từ ngày chúng bước chân vào trung tâm.