Cứ thế, ngày ngày, bà Nguyễn Thị Bé (60 tuổi, ngụ hẻm 653, đường Lò Gốm, phường 9, quận 6, TP.HCM) đi khắp nơi bán vé số, nhặt nhạnh từng đồng để lo thuốc men cho người chồng 70 tuổi bị bệnh tim đã nhiều năm và người con trai 25 tuổi thiểu năng trí tuệ.
Vợ chồng cùng cảnh
Tại đầu con hẻm 653 (đường Lò Gốm) giữa trưa nắng gắt, bà Bé vừa bán xong những tấm vé số cuối cùng trong ngày. Người phụ nữ gầy gò, xương và gân nổi đầy trên mặt khiến cho khuôn mặt trở nên góc cạnh hơn. Biết có người tìm, bà Bé chỉ kịp cười chào rồi chạy vội vào nhà, một lúc sau mới bước ra mời khách.
Bà cười ngượng nghịu phân trần: “Tui đi làm cả ngày, hai cha con ở nhà không làm được gì nên cửa nhà hơi bề bộn. Tui phải dọn dẹp một chút cho ngăn nắp”.
Trong căn phòng trọ chật chội chỉ chừng 12m2, cái nắng như thiêu như đốt mấy con người đang ngồi trên manh chiếu mỏng, rách tả tơi. Bà Bé cho hay, mọi thứ trong nhà từ nệm, nồi cơm điện, vô tuyến… đều là đồ cũ, được những người hàng xóm cho vì không dùng đến. Nhờ đó cả gia đình bà mới có được những vật dụng cần thiết.
Nhắc đến cuộc đời mình, nước mắt người phụ nữ chực trào ra. Bà kể sinh ra ở xã Tam Phước (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Thời chiến tranh, bà không may bị thất lạc người thân. Năm 15 tuổi, một mình bà lưu lạc đến tận Sài Gòn làm thuê làm mướn tại chợ Phú Lâm (quận 6). Hơn 30 tuổi vẫn lận đận tình duyên, bà được nhiều người mai làm mối cho ông Nguyễn Văn Trưng (hơn bà 10 tuổi).
Người con trai 25 tuổi nhưng vẫn như đứa trẻ quanh quẩn ở nhà. |
Đó là một người đàn ông nghèo mang trong mình hai dòng máu Việt – Pháp và chưa hề biết mặt người cha Pháp. Người mẹ lầm lũi sống nuôi con, cũng ít khi nhắc đến chồng. Chỉ thi thoảng, ông Trưng nghe người ta kể cha ông là một người lính Pháp. Cha mẹ ông gặp nhau thời chiến tranh.
Người phụ nữ ấy bất chấp điều tiếng của xã hội, sống chung như vợ chồng với người đàn ông ngoại quốc rồi sinh ra ông. Chiến tranh kết thúc, người lính trở về Pháp, hẹn một ngày đón cả hai mẹ con sang. Mẹ ông tin lời hẹn ước cứ mòn mỏi nuôi con và chờ đợi, nhất quyết không đi thêm bước nữa. Thế nhưng cho đến khi bà qua đời, người đàn ông ấy vẫn không trở lại.
Chỉ còn lại một mình, ông Trưng xin quét rác ở chợ Phú Lâm cho đến khi trưởng thành và quen bà Bé. “Lúc quen ông, tui cũng đã ba mấy tuổi rồi. Ông cũng xấp xỉ 50. Ông ít nói lắm, lại khờ khạo, ai nói gì thì nghe nấy. Biết là sẽ cực khổ, không cửa không nhà nhưng cũng xem như duyên số, thôi thì kết đôi với nhau để về già có người bầu bạn đỡ phải thui thủi một mình”, bà Bé nhớ lại.
Hai người đưa nhau về sống chung, không cưới hỏi gì. Họ dựng một túp lều nhỏ bằng cây lá ở ngay mép sông Lò Gốm làm nơi che mưa che nắng. Sau này khu đất ở mép sông bị giải tỏa, không có đất đai, nhà cửa, hai người ra thuê trọ đến nay.
Hàng ngày, bà vẫn đi làm thuê, ông vẫn đi quét rác ở chợ. Những tưởng cuộc sống kham khổ sẽ có thêm niềm vui khi đứa con trai chào đời. Nào ngờ đến 4 – 5 tuổi, đứa trẻ vẫn ngây dại không ý thức được, đi khám mới biết bị thiểu năng trí tuệ.
Cực khổ mấy cũng ở bên nhau
Bà Bé tâm sự, con trai bà là Nguyễn Phúc Khải (thường gọi là Long) đã 25 tuổi nhưng vẫn như một đứa trẻ. Không thể làm được việc gì, Long chỉ quanh quẩn ở nhà, chơi với những đứa trẻ trong xóm trọ. Người mẹ nghẹn ngào cho biết, ngày trước Long cũng được đến trường, nhưng đi được vài bữa đành nghỉ vì cứ ngờ nghệch, không học được.
Lớn lên, dù được mẹ kiên nhẫn chỉ dạy cho nhiều điều, chàng trai này vẫn không tiến bộ hơn. Thương cảm cho hoàn cảnh gia đình, chủ xưởng công nghiệp gần nhà đã nhận Long vào làm. Song được vài bữa, Long cũng đành nghĩ vì không đáp ứng được yêu cầu công việc.
“Công việc của Long ở trong xưởng nhẹ nhàng lắm. Chỉ cần cho móc áo quần vào bao rồi đóng gói lại, nhưng Long cũng không làm được. Lúc nào cũng làm cho mọi thứ rối tung cả lên, nên họ đành phải cho nghỉ. Từ đó đến nay, Long chỉ biết ở nhà làm bạn với bốn bức tường”, bà Bé rầu rĩ đưa ánh mắt nhìn con đang nép trong bức tường.
Những năm trước, gánh nặng của bà còn đỡ nhọc nhằn hơn khi có người chồng chia sẻ. Nhưng từ khi ông bị căn bệnh tim hành hạ, không thể làm được công việc gì nặng nhọc, hai người đành nghỉ công việc làm thuê, đi bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Hình minh họa |
Hình ảnh một người đàn ông lai Pháp cao lớn, khuôn mặt hồn hậu cùng một người phụ nữ Việt gầy gò, nhỏ bé, đi bán vé số mưu sinh đã trở nên quen thuộc với những người dân ở đường Lò Gốm (quận 6, TP.HCM).
Bà Bé cho biết, mỗi ngày bà đến đại lý gần nhà lấy 100 tờ vé số từ tờ mờ sáng rồi về nhà lo cơm nước cho con trai. Đến khoảng 8h, khi công việc nhà đã sắp xếp xong xuôi, bà mới bắt đầu xuống đường bán vé số.
Những ngày nắng, sức khỏe của ông Trưng ổn định, bà chia một phần ba xấp vé số để ông đi bán. Sợ người chồng khờ khạo gặp phải kẻ gian rồi bị cướp vé số, lừa tiền… bà luôn căn dặn ông chỉ bán ở trong hẻm. Những ngày mưa, sức khỏe không tốt, chồng ở nhà, bà một mình ngược xuôi đi bán vé số để có tiền chạy gạo.
“Ngày trước có một lần ông đi bán vé số, bệnh tim tái phát, bị ngã gục ở giữa đường. May lần đó được một người hảo tâm giúp đỡ, đưa vào bệnh viện, mua hết vé số và trả giúp tiền viện phí. Từ sau đó, tui ít khi để ông đi bán cùng, lại chuẩn bị tâm lý cho những chuyện xấu nhất. Thậm chí, tui còn làm cho ông một tấm ảnh thật đẹp để lỡ có chuyện không hay xảy ra thì cũng còn có cái mà thờ phụng”, bà Bé tâm sự.
Mỗi ngày bán hết 100 tờ, bà lời được 100 ngàn, để dành 50 ngàn lo thuốc thang cho chồng, lo tiền trọ, tiền điện, tiền nước. Số còn lại để chi tiêu sinh hoạt thường ngày. Ngày nào ế ẩm, bán vé số không hết, số tiền lời ít hẳn đi, bà lại phải tằn tiện chi tiêu ít lại.
“Có thể ăn ít hơn, chi tiêu ít hơn, nhưng không thể thiếu tiền thuốc men của ông được. Tui sống ở đây mấy chục năm rồi, cũng may được nhiều người thương tình giúp đỡ, khi cho mớ rau, lần khác cho con cá nên cũng đỡ vất vả”, người phụ nữ nói với ánh mắt biết ơn.
Dù mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai người phụ nữ nhỏ bé nhưng bà chưa một lần than thân trách phận. Ngồi bên cạnh chồng, trong suốt cuộc trò chuyện, hai ông bà luôn nắm chặt tay nhau. Dù ít nói nhưng ánh mắt người đàn ông nhìn vợ luôn âu yếm và đầy yêu thương.
“Tôi thương bà ấy lắm. Bà ấy vì tôi mà vất vả một đời. Tôi không thể cho bà ấy điều gì khác ngoài tình yêu”, ông Trưng nói.
Nghe những lời của chồng, đôi mắt người đầy ưu tư. Bà tâm sự: “Ngày trước, thấy tui khổ cực quá, nhiều người khuyên tui bỏ chồng, bỏ con, đi kiếm người khác, hoặc chí ít là đi ra ngoài sống. Với số tiền kiếm được, tui có thể thoải mái trang trải cuộc sống mà không cần phải bận tâm điều gì. Thế nhưng nhìn ông bệnh tật, nhìn con khờ dại thế, tui sao đi cho đành. Trước đây ông cũng sợ tui bỏ ổng, bỏ con mà đi lắm. Song dù có cực khổ đến mấy tui cũng ở cạnh ông”.
Bạn đọc hảo tâm giúp đỡ hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Bé xin liên hệ số điện thoại: 0168.3642.547.