Đồng tiền, bạo lực “phủ” lễ hội
Gần 30 tham luận, bài phát biểu tại hội thảo đã nêu lên thực trạng lễ hội hiện nay, nhận thức đúng về lễ hội, từng bước nâng cao văn minh ứng xử trong lễ hội. Có thể thấy, dù năm 2016, an ninh được thắt chặt nhưng cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, cướp lộc tại đền Trần (Nam Định) lại diễn ra hỗn loạn như những năm trước. Khi đoàn rước kiệu ấn vào sân, nhiều người không sờ được vào kiệu ấn thì vò tiền ném thẳng vào kiệu ấn. Một số người người đứng xa cũng cố gắng vo tiền ném trúng kiệu ấn khiến tiền rơi vương vãi khắp nơi. Rất nhiều thanh nhiên quá khích, bất chấp sự an toàn của những người xung quanh, đồng loạt trèo qua hàng rào sắt để vào trong đền.
Lễ hội “Đả cầu cướp phết” tại Lập Thạch (Vĩnh Phúc) diễn ra trong một không khí hỗn loạn. Cũng như mọi năm, điểm nhấn của mùa lễ hội chính là màn cướp phết. Đây cũng là lúc mất an toàn và hỗn loạn nhất. Vì máu ăn thua, phần hội cướp Phết đã bị biến tướng, việc ẩu đả diễn ra thường xuyên khiến nhiều người dân hãi hùng không dám lại gần. Không ai chịu kém ai, các nhóm thanh niên của từng xóm lao vào ẩu đả giẫm đạp lẫn nhau để cướp phết.
Thanh niên lực lưỡng đi như “khinh công” trên đầu cả đoàn người đông đúc, họ đấm đá nhau. Phết bay đến đâu là ruộng đồng nát nhừ đến đó. Có thanh niên bị đánh, giẫm đạp đã nằm ngất ngay bên bãi đất. Mặc dù ban tổ chức đã bố trí lực lượng công an để đảm bảo an ninh, tuy nhiên lực lượng quá mỏng nên không “cầm cương” được tình hình.
TS Trần Hữu Sơn- Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đưa ra nhận xét: “Đi hội cầu may, cầu thiêng thường diễn ra bình lặng chứ không chen lấn, cực đoan trở thành hành động cướp như bây giờ (cướp phết, cướp lộc, cướp hoa tre...). Cầu bình an, cầu sức khỏe, cầu phát tài... là những nhu cầu thường trực. Khi đám đông tụ lại, sẽ xuất hiện tượng lây lan, bắt chước, đây là tâm lý đám đông. Chỉ cần một người cướp giật là cả đoàn người sẽ cướp giật theo. Việc dùng bạo lực, gậy gộc lao vào để cướp giật lễ vật là phi văn hóa, phi tín ngưỡng”.
'Đá bóng' trách nhiệm
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, nhiều người người đi lễ hội nhưng không biết ý nghĩa, mục đích của lễ hội là gì. Họ chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để có được lộc. Vì không có tâm thế của người đi chơi hội, họ đã có những hành động phản cảm, phi văn hóa. Việc giành giật, chửi bới, đánh nhau để cướp được lộc chẳng khác gì phỉ báng thánh thần.
Bà Trịnh Thị Thủy- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho hay: “Chúng ta không thể chối bỏ trách nhiệm từ cả phía những người tổ chức và những người tham dự. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền địa phương về ý nghĩa, vai trò của lễ hội chưa cao, chưa coi trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp từ lễ hội. Cá biệt có một số địa phương chạy theo lợi ích kinh tế, không chấp hành các văn bản chỉ đạo quản lý của Đảng, Nhà nước để tổ chức các lễ hội gây bất ổn về an ninh trật tự (hiện tượng cá cược), biểu hiện thương mại hóa, lợi dụng lễ hội để trục lợi (bán vé thu tiền vào lễ hội), tạo ra những hình ảnh bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống nhân văn của người Việt, đang trở thành những vấn đề “nóng” gây bức xúc trong dư luận xã hội”.
Ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cho rằng, “Khó quản lý lễ hội bằng mệnh lệnh hành chính. Khi chúng tôi đi thanh tra đến lễ hội, người ta thuê cụ già, trẻ em đốt vàng mã, không phạt được. Vì vậy, các địa phương cần đưa ra các quy định và tăng cường các biện pháp quản lý. Có như vậy mới hạn chế dần được những hành vi phản cảm trong lễ hội”.
Và một điều khiến cho các nhà văn hóa, dư luận bất bình là, để cho lễ hội mất đi sự lành mạnh, trong sáng là do chính quyền, nhất là cấp địa phương sở tại, thiếu trách nhiệm. Khi xảy ra “loạn lễ hội”, các vị lãnh đạo địa phương ấy vẫn “bình thản”, không phải chịu bất kỳ trách nhiệm, kỷ luật nào. Trách nhiệm bị “đá quả bóng” vào chân người dân và du khách, đổ cho họ là thiếu ý thức, vô văn hóa.
Do vậy, các đại biểu đề nghị, một mặt cần quy trách nhiệm, có chế tài xử phạt rõ ràng cho những người lãnh đạo các cấp chính quyền, nơi tổ chức các lễ hội truyền thống, mặt khác cần tuyên truyền mạnh mẽ ý thức văn hóa cho những người tham gia, đi lễ hội.
Chỉ còn 3 tháng nữa, đến hẹn lại lên, mùa lễ hội lại diễn ra khắp cả nước, một câu hỏi tiếp tục đặt ra: “Mùa lễ hội 2017 liệu có “sạch”?.