Tri ân những hùng binh cắm mốc chủ quyền biển đảo

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Tháng 4 Âm lịch hàng năm, người dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại cùng nhau làm lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa”. Hàng trăm năm đã trôi qua kể từ lúc những người lính đầu tiên xuống thuyền, giương buồm, nương gió ra quần đảo Hoàng Sa.
Thuở ấy, họ vâng lệnh triều đình đi khai thác tài nguyên, đo đạc hải trình, đối mặt với phong ba bão táp, chiến đấu với quân giặc cướp, sẵn sàng vùi thân dưới biển sâu vì nghĩa lớn. Đến tận ngày nay, cùng với lễ hội độc đáo kể trên ghi công nhớ ơn những “hùng binh” Hoàng Sa vẫn tồn tại nhiều dấu tích khẳng định chủ quyền nơi thềm lục địa của Tổ quốc Việt Nam.  
Lễ tri ân những người lính biển kiêu hùng 
Tìm trong sử liệu, cách đây vài thế kỷ, các chúa nhà Nguyễn đã biết ý thức về nguồn tài nguyên vô tận, cũng như sớm xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của Tổ quốc, mà trước hết là tại quần đảo Hoàng Sa. Cổ nhân ghi chép, hàng năm nhà Nguyễn đều tuyển 70 dân đinh giỏi nghề đi biển ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ (sau này là phường An Vĩnh và phường An Hải trên đảo Lý Sơn), lệnh cho họ ra quần đảo Hoàng Sa. Cứ tháng 2 hoặc tháng 3 Âm lịch, đoàn người nhận lệnh ra đi, đến tháng 8 trở về cửa Eo (Thuận An), nộp về triều đình các loại hải vật quý giá.
Theo gia phả, các bản khế ước, các sổ đinh, các văn bản định suất thuế khóa của các dòng họ còn trên đảo Lý Sơn; cũng như theo trí nhớ của nhiều bô lão, 70 suất đinh định chế đi Hoàng Sa và sau này cả Trường Sa và các đảo khác, nhiều nhất vẫn là người của làng An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. 70 định suất đó được phân đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, theo nguyên tắc luân phiên nhau. Người đăng lính Hoàng Sa thường là con thứ, vì người con trưởng phải ở nhà lo việc thờ cúng dòng họ.
Đội lính Hoàng Sa được thành lập chính thức năm nào, lịch sử không ghi rõ, nhưng ước đoán có lẽ vào cuối thế kỷ 16 hoặc đầu thế kỷ 17. Đội Hoàng Sa sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản Trường Sa và Bắc Hải), hoạt động liên tục suốt 3- 4 thế kỷ. Như thế, tổng cộng đã có hàng vạn người vượt qua không biết bao nhiêu sóng gió, bão tố để đo đạc thủy trình, cắm cột mốc dựng bia chủ quyền lãnh thổ nước Việt, và qua đó, khai thác tài nguyên biển đảo phong phú nơi thềm lục địa.
Chắc hẳn trong hàng vạn người từng ra đi cũng không ít người không có may mắn trở về. Hình ảnh những khu mộ chiêu hồn không xác người của các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… trên đảo Lý Sơn còn phơi bày trong nắng gió, còn lưu lại đến nay, là một minh chứng đầy bi hùng trong quá khứ. 
Hàng năm vào tháng 4 Âm lịch, người dân Lý Sơn lại làm lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa”. Hầu hết các tộc họ trên đất đảo có người đăng lính Hoàng Sa, Trường Sa đều thực thi lễ thức này. Ngày xưa, đây là lễ trong lễ, vừa khao quân, vừa tế sống và cả làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ triều đình giao phó. Mặt khác, đây còn là lễ tế tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất.
Cổ nhân ghi chép, đây là lệ khao định kỳ hàng năm nhưng lễ này độc đáo bởi còn là nghi lễ tế sống, mang đậm yếu tố phù phép của đạo Giáo nhằm thế mạng cho người đi lính, bởi ai cũng biết rằng người đi lính Hoàng Sa sẽ phải luôn luôn đối mặt với khó khăn, trở ngại, thậm chí là cái chết. Lần giở sử liệu, người lính Hoàng Sa ngày đó phải lênh đênh cùng sóng gió trong 6 tháng ròng nhưng chỉ với những chiếc thuyền câu. Họ đều sẵn sàng chuẩn bị thế bi hùng đi vào cái chết. 
Tương truyền, nếu chẳng may gặp vận rủi, để có cơ xác trôi về bản quán, trước khi ra đi, mỗi người phải tự chuẩn bị cho riêng mình một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài. Nếu không may ngã xuống, đôi chiếu, những chiếc đòn tre và các dây mây kia là vật dụng để bó xác người. Người chết sẽ được thả trôi trên biển cùng chiếc thẻ bài đã được ghi tên phiên hiệu. 
Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa
Sẵn sàng chết vì chủ quyền biển đảo
Tuy biết khó có cơ may trở về nhưng con người vẫn phải hy vọng, dù mỏng manh. Như để níu giữ niềm hy vọng ấy, trước khi ra đi, cùng với việc tộc họ bàn soạn lễ vật, hương đăng, thầy phù thủy sẽ nặn hình nhân thế mạng bằng bột gạo, bằng giấy, hoặc bằng đất sét. Hình nhân thế mạng sẽ được đặt cạnh linh vị đã ghi tên tuổi người đi lính Hoàng Sa.
Trong khói hương nghi ngút, lời phù chú lầm rầm trên nền nhạc bát âm hoặc ngũ âm xen lẫn tiếng mõ thị uy của thầy phù thủy với áo thụng, mũ tam sơn sẽ diễn ra dềnh dàng suốt cả hai ngày. Có bao nhiêu người đi lính trong dòng họ sẽ có bấy nhiêu hình nhân và linh vị. Bên cạnh hình nhân và linh vị là người đi lính Hoàng Sa. Người lính ấy luôn đứng hầu thần suốt buổi tế bằng niềm tin là lời nguyện cầu của chính mình, của tộc họ sẽ thấu suốt đấng linh thiêng và ngón nghề ấn quyết của thầy phù thủy sẽ xua được tà ma, quỷ ám trên dặm dài sóng nước.
Sau lễ ở nhà thờ tộc họ, người Lý Sơn sẽ đặt các hình nhân và linh vị cùng những thứ tượng trưng mà người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa thường mang theo như gạo, muối, củi, nước ngọt, lưới… vào chiếc thuyền tượng trưng bằng giấy, đem thả ra biển. Lời nguyện cầu về sự bình yên lẫn lời xua đuổi rủi ro sẽ được bỏ chung cùng thuyền lễ. Giữa bập bềnh sóng gió, hình nhân là kẻ thế mạng cho người đăng lính. Khi buổi lễ “Tế thế lính Hoàng Sa” kết thúc, người lính coi như “đã có một lần chết”, có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa dù sẽ trải qua muôn ngàn bất trắc trên biển khơi ròng rã 6 tháng liền. 
Nhưng không phải chỉ có tế sống, mỗi tộc họ trên đảo Lý Sơn lẫn trong đất liền cũng đã có hàng trăm người không may mắn trở về. Tại nhà thờ các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… và tại các Âm Linh tự (hay còn gọi là Nghĩa tự), vào dịp lễ khao tế này vẫn còn thầy pháp ra tay ấn quyết và lầm rầm phù chú; vẫn còn hình nhân bằng đất sét hoặc bằng bột gạo, bằng giấy; vẫn còn hàng 
trăm linh vị cắm trên nải chuối và những thứ tượng trưng mà người lính Hoàng Sa, Trường Sa từng mang đi được cung thỉnh thả vào sóng nước, tri ân những người đã vì Tổ quốc hy sinh trên vùng biển đảo.
Mộ gió của hùng binh Hoàng Sa
Trên huyện đảo Lý Sơn, có rất nhiều ngôi mộ mà bên trong lòng mộ không có thi hài người quá cố, dân gian gọi là mộ gió. Để có ngôi mộ gió cho người bạc mệnh, gia đình phải nhờ đến sự trợ giúp của một pháp sư. Sau xin cúng bái xin phép tổ sư,  thầy pháp lên miệng núi lửa trên đảo lấy đất sét đem về, nhào với nước và bông gòn rồi nặn thành hình nhân theo sự mô tả nhân dạng của thân nhân, có kích thước tương tự thân thể người đã khuất. 
Cành dâu được chẻ đôi, xếp vào bụng làm xương sườn, đàn ông có 7 nhánh xương, đàn bà thì 9 nhánh. Lại dùng sợi tơ tằm hoặc sợi vỏ cây dâu làm những sợi gân. Các lóng xương sống, xương tay, chân đều được làm bằng thân cây dâu.
Khi các nghi lễ chiêu hồn đã xong, mọi người tin rằng linh hồn người chết đã trở về nhập vào hình nhân. Quan tài được đặt xuống huyệt, lấp đất, đắp mồ. Trường hợp không biết ngày mất, người thân sẽ lấy ngày người quá cố ra khơi để làm ngày giỗ, thắp hương tảo mộ như những ngôi mộ bình thường. 
Nhiều nấm mộ gió được chôn từ hàng trăm năm trước, vì lý do nào đó khi đào lên cải táng, người ta thấy các hình nhân vẫn còn nguyên vẹn. Tương truyền, tục đắp mộ gió của người dân trên đảo bắt đầu cách đây hơn 2 thế kỷ và những ngôi mộ gió đầu tiên là của Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 người lính của Hải đội Hoàng Sa do ông chỉ huy. Trong một lần giong buồm ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ, ông Ảnh cùng Hải đội của mình đã gặp bão, mất tích giữa biển khơi.
Từ bao đời nay, mộ gió của những người lính Hoàng Sa suốt dặm dài lịch sử vẫn được người dân đất đảo hương khói, chăm nom để tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân giữ cõi, bỏ mình trên khói sóng phong ba.
Những dòng ghi chép về đội Hoàng Sa lẫn Bắc Hải (bao gồm cả Trường Sa) trong các bộ chính sử như Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí… hoặc trong các bộ sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Việt sử thông giám khảo lược của Nguyễn Thông, Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú… các tài liệu Hán-Nôm còn được bảo quản tại các dòng họ, là những cứ liệu lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên biển Đông cách đây 3, 4 thế kỷ trước. 
Ngoài ra, những dấu tích liên quan đến hùng binh Hoàng Sa ở khắp nơi dọc ven biển miền Trung, đặc biệt là trên đảo Lý Sơn và vùng cửa biển Sa Kỳ, cùng lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” hàng năm trên đất đảo Lý Sơn cũng đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên thềm lục địa của Tổ quốc./.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.