Tháng 11/2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009. Hơn 10 năm qua, nhiều địa phương đã có cách làm hay, thiết thực, cơ bản đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết năm 2019, trên 9,6 triệu LĐNT đã được học nghề các trình độ; trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người).
Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80%.
Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT cũng còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT chưa được coi trọng đúng mức; nhiều bộ, ngành, địa phương, cán bộ và xã hội nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề cho LĐNT, coi đào tạo nghề chỉ là cứu cánh, có tính thời điểm, không phải là vấn đề quan tâm thường xuyên, liên tục và hệ thống; hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa tốt.
Cùng với các nguyên nhân chủ quan, các nguyên nhân khách quan cũng khiến kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp khó.
Theo kế hoạch năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đặt chỉ tiêu đào tạo 1,68 triệu LĐNT được học sơ cấp dưới 3 tháng, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo chiếm khoảng 1 triệu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, qua 6 tháng đầu năm 2020, cả nước chỉ đào tạo được trên 700.000 LĐNT trình độ sơ cấp và trình độ nghề nghiệp khác...