“Tiền đề” xác định các quyền, lợi ích khác
Để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, dưới góc độ mỗi quốc gia, việc xác định quốc tịch để từ đó xác định sự bảo hộ của quốc gia đó đối với trẻ em là vô cùng cần thiết và quan trọng. Qua đó, quốc gia sẽ xác định được vai trò, trách nhiệm và các chính sách áp dụng cụ thể đối với công dân đặc biệt này.
Quyền của trẻ em theo nghĩa chung, được hiểu là quyền được sống, học tập và được lớn lên một cách lành mạnh, an toàn. Để có thể thực hiện được những quyền đó, cần phải đảm bảo quyền có quốc tịch, để xác định mối quan hệ giữa cá nhân với quốc gia và để cá nhân nhận được sự bảo hộ của quốc gia mình mang quốc tịch.
Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 đã khẳng định: “Ai cũng có quyền có quốc tịch. Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán”. Quyền có quốc tịch là tiền đề xác định các quyền, lợi ích khác của con người nói chung và của trẻ em nói riêng.
Cũng bởi lẽ đó, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em năm 1989, mà Việt Nam là thành viên tham gia Công ước năm 1990, đã nhấn mạnh: quyền có tên gọi, quốc tịch của trẻ em là một trong những quyền cơ bản và quan trọng trong Nhóm quyền sống còn. Điều này một lần nữa khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng trong việc xác định quốc tịch của trẻ em khi tồn tại và sinh sống trên lãnh thổ một quốc gia.
Một nhiệm vụ đầu tiên của chiến lược phát triển con người dài hạn
Trong nhiều năm qua, vấn đề bảo đảm quyền của trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là nội dung cơ bản của chiến lược phát triển con người dài hạn. Các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được khẳng định trong các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên là việc xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em.
Để có cơ sở bảo đảm các quyền trẻ em thì yêu cầu căn bản đầu tiên là phải bảo đảm cho trẻ em có quốc tịch và tại Việt Nam thì việc đó thể hiện qua việc trẻ được đăng ký khai sinh. Hiến pháp Việt Nam các năm 1980, 1992 và 2013 đều quy định “Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Điều 13 Luật Trẻ em cũng khẳng định trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch.
Theo đó, pháp luật về quốc tịch Việt Nam hiện hành đã có những quy định khá rõ ràng và đầy đủ cách xác định quốc tịch Việt Nam theo những trường hợp cụ thể như sau:
Thứ nhất, trẻ em có cha mẹ là công dân Việt Nam sinh ra tại Việt Nam hoặc nước ngoài thì sẽ có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống. Nhà nước Việt Nam đã thực hiện sự bảo hộ đối với công dân đặc biệt của mình ngay từ khi mới chào đời bằng cách “trao” quốc tịch Việt Nam cho những trẻ em này thông qua thủ tục đăng ký khai sinh đơn giản, thuận tiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền.
Những công dân Việt Nam này, dù đang sinh sống ở nước ngoài hay trong nước, đều được Nhà nước Việt Nam, xã hội Việt Nam đối xử bình đẳng, không có sự phân biệt; được Nhà nước Việt Nam bảo hộ, được thụ hưởng đầy đủ các chính sách để hỗ trợ phát triển toàn diện.
Thứ hai, trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam, có một bên cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là người nước ngoài; nếu cha mẹ trẻ có sự thỏa thuận về việc nhận quốc tịch Việt Nam cho con tại thời điểm đăng ký khai sinh thì trẻ em đó sẽ có quốc tịch Việt Nam. Điều này không làm ảnh hưởng đến việc có thêm quốc tịch nước ngoài theo nơi sinh hoặc theo huyết thống (việc xác định quốc tịch nước ngoài theo huyết thống này diễn ra sau khi xác nhận quốc tịch Việt Nam cho trẻ).
Tuy nhiên, tại những quốc gia chỉ cho phép có quốc tịch theo huyết thống (như Trung Quốc (Đài Loan), Hàn Quốc, Nhật Bản… có quy định về việc xác định quốc tịch theo huyết thống gần giống Việt Nam), cách xác định quốc tịch của trẻ em được sinh ra tại nước ngoài, có một bên cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam và người kia là người nước ngoài sẽ có sự khác biệt.
Đó là, nếu trẻ em đó đã được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và nhận quốc tịch nước ngoài theo cha hoặc mẹ (là công dân nước ngoài) thì sẽ không có quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ còn lại (là công dân Việt Nam) nữa. Khi ấy, dù trẻ có một nửa dòng máu Việt Nam thì cũng không phải là công dân Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay còn nhiều cách hiểu chưa đúng, dẫn đến việc có rất nhiều trẻ em mang quốc tịch Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc các nước khác (do đã được xác định quốc tịch tại thời điểm đăng ký khai sinh) nhưng vẫn “xin thêm” quốc tịch Việt Nam để thuận lợi cho việc đi lại, sinh sống ở cả quốc gia của cha hoặc quốc gia của mẹ.
Đây là việc làm không đúng quy định của pháp luật quốc tịch Việt Nam hiện hành và dễ gây ra xung đột pháp luật giữa các quốc gia khi phát sinh tranh chấp hoặc việc xác định nghĩa vụ của trẻ em đó trong tương lai đối với quốc gia đang mang quốc tịch. Điều này cũng ảnh hưởng đến nguyên tắc “Một quốc tịch Việt Nam” theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, với quan điểm và chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam, quốc tịch Việt Nam của trẻ em cũng được xác định đối với những trường hợp được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, có cha mẹ, hoặc cha hoặc mẹ là người không quốc tịch; trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì cũng được đăng ký khai sinh và xác định quốc tịch Việt Nam.
Đây là quan điểm và chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái của Nhà nước, nhân dân Việt Nam đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này. Đồng thời, việc cho trẻ em là con của người không quốc tịch sinh sống ổn định trên lãnh thổ Việt Nam được có quốc tịch Việt Nam là một trong những chủ trương tiến bộ, được Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 còn có quy định bảo đảm quốc tịch Việt Nam đối với những trường hợp trẻ em có cha mẹ bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quốc tịch cho nhập quốc tịch Việt Nam; hoặc trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi, thông qua quy định tại Điều 36 và 37 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Những quy định này được đặt ra nhằm bảo đảm cho trẻ em không bị rơi vào tình trạng không quốc tịch hoặc không xác định được quốc tịch.
Có thể nói, với những quy định nêu trên, Nhà nước Việt Nam đã và đang có những chính sách và biện pháp tích cực, hiệu quả nhằm đảm bảo quyền có quốc tịch của trẻ em, giúp cho trẻ em – những công dân Việt Nam đặc biệt, đang sinh sống trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể được hưởng đầy đủ và tối đa nhất để sinh sống, học tập, vui chơi và trưởng thành thật bình an, hạnh phúc.