Cuốn từ điển trên do TS Huỳnh Công Tín biên soạn. Trong cuốn từ điển này có từ "nhà báo" được diễn giải "là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình". "Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu", cuốn từ điển đưa ra ví dụ.
Trả lời báo chí, TS Huỳnh Công Tín (hiện giảng dạy tại Trường ĐH Tây Đô), cho biết ông lấy làm bất ngờ vì mọi người lại quan tâm đến cuốn từ điển của ông, vì sách đã được xuất bản từ lâu.
Theo TS Huỳnh Công Tín, đây là từ điển về từ ngữ Nam Bộ dùng trong lời nói của người dân Nam Bộ chứ không phải từ ngữ trong từ điển Tiếng Việt. Trong chú giải có để (nb) tức "nghĩa bóng", nên từ "nhà báo" không phải chỉ những người đi làm báo mà nói về những người thất nghiệp.
"Khi học ra trường hay bị hỏi làm nghề gì thì người Nam Bộ hay nói vui "làm nhà báo", ý nói "tôi còn thất nghiệp, ăn bám gia đình, chưa có công ăn việc làm, còn phụ thuộc vào người khác", chứ không phải "nhà báo" chỉ những người làm nghiệp vụ báo chí. Những người thắc mắc họ không hiểu và không đặt trong ngữ cảnh nào hết. Muốn hiểu kĩ thì nên đọc lời dẫn của quyển từ điển này" - TS Huỳnh Công Tín nói.
Cuốn từ điển "Từ ngữ Nam Bộ". |
Từ điển "Từ ngữ Nam Bộ" do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà nội xuất bản năm 2007 có 1.392 trang. Năm 2009, Nhà Xuất bản Chính trị in lại với 1.472 trang
PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, định nghĩa theo tác giả trong sách là không được.
“Nói gì thì nói phương ngữ phải chỉ rõ phương ngữ vùng nào, sử dụng ra sao, còn từ nhà báo Tiếng Việt toàn dân là chỉ một người có nghề nghiệp đàng hoàng và phải định nghĩa cho đúng”- ông Tình nói.
PGS.TS Phạm Văn Tình cũng nêu dẫn chứng, có khi người ta hay nói là có người ở nhà ăn báo hại thì đó là khẩu ngữ nói vui thì được, nhưng đưa vào từ điển phải thận trọng.