“Là để đưa lại kiến thức cho các em nhận thức rõ về giới tính, nhận diện các hành vi xâm hại tình dục, trang bị các kỹ năng để tự bảo vệ, ứng phó trước nguy cơ bị xâm hại vì hiện nay hầu hết những kiến thức về giới tính và tình dục các em đều tự tìm hiểu trên sách báo” - bà Trần Thị Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Cửa Lò chia sẻ về mục đích buổi truyền thông.
Bà Phương cho biết thêm, sắp tới những buổi truyền thông về chủ đề này sẽ được triển khai rộng rãi trong các trường học trên địa bàn.
Tại buổi truyền thông khảo sát trực tiếp các em học sinh thì rất nhiều ý kiến của các em được đưa ra cho thấy người lớn cần nhìn nhận về giáo dục giới tính một cách nghiêm túc hơn. Một số em học sinh cho biết, các em đều muốn được người lớn cung cấp thông tin về phòng chống xâm hại tình dục hay giới tính nhưng đều bị người lớn (bố mẹ, người thân) né tránh vì cho rằng “còn bé chưa biết gì”.
Ngoài việc bố mẹ không nói chuyện về xâm hại tình dục cho con trẻ thì tại trường học lại không dám hỏi thầy cô giáo nên cách tốt nhất là tìm hiểu qua sách báo. Các em cho rằng chỉ khi thực hiện hành vi hiếp dâm mới là xâm hại tình dục… Một số em học sinh chia sẻ, khi dưới 10 tuổi, các em vẫn bị ông bà, bố mẹ, người thân sờ vào các vùng nhạy cảm, đặc biệt là em trai nhưng không hiểu gì. Các em đều quan niệm đó là vì người lớn quan tâm mình, đó là hành động “chấp nhận được” của những người thân…
Tại buổi truyền thông, Ban tổ chức cũng hướng dẫn các em các kỹ năng đối phó, tự giải thoát khi có đối tượng thực hiện các hành vi xấu đối với mình. Một số em cũng đề xuất những phương án đối phó khi phát hiện ra hành vi xâm hại tình dục như báo với bố mẹ, thầy cô giáo, báo với công an.
Theo kết quả khảo sát, từ năm 2011 đến năm 2015, tại Việt Nam xảy ra 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, nghĩa là cứ 8 giờ trôi qua lại có 1 trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, chỉ có 322 vụ xâm hại tình dục được đưa lên truyền thông báo chí, có 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó trẻ nhỏ nhất là 2 tuổi; 60% nạn nhân trong độ tuổi từ 11-25 tuổi; 32% nạn nhân bị bạo lực kép (vừa bị xâm hại, vừa bị hành hung giết chết); 13,5% là bị xâm hại tập thể từ 3-5 người.
Hậu quả của các vụ xâm hại tình dục không chỉ khiến trẻ đau đớn mà còn ảnh hưởng lâu dài về sự phát triển tâm, sinh lý về sau đối với cả nạn nhân và là nỗi ám ảnh của cả gia đình. Thực tế cho thấy, việc trang bị cho các em nhỏ nhận biết các hành vi xâm hại tình dục hay kỹ năng phòng chống xâm hại vẫn chưa được quan tâm đúng mức.