Qua gần sáu tháng đi vào hoạt động, tình hình phương tiện vi phạm chở quá tải trọng qui định đã giảm rõ rệt, nhờ đó góp phần lập lại trật tự, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Chẳng ngại nắng gió
Từ nhiều tháng qua, người tham gia giao thông trên quốc lộ 1A qua địa bàn TP.Cần Thơ chẳng còn xa lạ gì với lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm cân lưu động của TP.Cần Thơ (đặt gần cầu Cần Thơ), bởi lực lượng này luôn có mặt 24/24h bất kể thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ. Với giới tài xế xe tải, đặc biệt là những xe cố tình chở quá tải trọng, họ thừa biết Trạm cân Cần Thơ là cái “gông” luôn chờ đón những xe vi phạm.
Buổi trưa một ngày cuối tháng chín, dù miền Nam đang là mùa mưa nhưng nắng chói chang và hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường nhựa bê tông, nhưng chúng tôi ghi nhận lực lượng làm việc ở trạm cân này vẫn không hề ngán ngại với thời tiết khắc nghiệt. Với một cái dù nhỏ dành cho lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT); một túp lều bạt nhựa nhỏ bên lề đường, giữa trời nóng oi bức, các anh vẫn dõi mắt quan sát những phương tiện ngược xuôi qua lại.
Anh Phan Thanh Tùng – người có 33 năm làm việc trong ngành Thanh tra giao thông và là một trong những người có nhiều chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực cân tải trọng được phân công làm Tổ trưởng Tổ cân và đang chỉ huy ca trực khi chúng tôi có mặt. “Ca trực của chúng tôi bắt đầu từ 6h đến 14h, ngày mai là 14h đến 22h, và tiếp đến là 22h đến 6h và ngày nào cũng trực” – anh Tùng cho biết. Cũng theo anh Tùng, công việc đặc thù và thời gian làm việc như vậy nhưng đến giờ các chế độ chi bồi dưỡng cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại trạm vẫn chưa được thực hiện.
Anh Tùng tâm sự: “Mấy tháng đầu trạm cân đi vào hoạt động, theo yêu cầu thì xe tải, xe công – ten – nơ nào qua trạm cũng phải kiểm tra nhưng giờ thì đỡ rồi, không phải xe nào cũng kiểm tra, làm như vậy là “máy móc” quá, anh em tài xế phản ánh, kêu ca. Vì vậy, chúng tôi nhìn những xe chở thùng không (họ thường mở cửa thùng) hoặc xe tải chạy bon bon, cán gờ mà thùng xe giồng ầm ầm thì khỏi kiểm tra vì xe đó không chở hàng. Mặt khác, anh em giờ có kinh nghiệm rồi, chỉ cần nhìn bánh xe, tiếng máy nổ là có thể biết xe nào có tải trọng và cần phải kiểm tra, đồng thời kiểm tra như thế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các tài xế, chủ xe”.
Để chứng minh kinh nghiệm, 10 xe đi qua, anh nói trước xe nào không tải, tải cỡ nào hay quá tải, kết quả hoàn toàn chính xác. “Nhiều anh em báo chí không hiểu được thì cho rằng chúng tôi bỏ qua, nhưng ngược lại, tài xế chạy xe không tải hoặc quá ít tải mà bị kiểm tra nhiều thì nói chúng tôi cố tình làm khó họ hoặc có lời lẽ không hay. Anh em buồn lắm, nhưng biết làm sao”.
Cùng tâm trạng này, ông Trần Văn Thành, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi rất buồn vì gần đây có một số thông tin cho rằng lực lượng làm việc tại trạm cân làm ngơ với xe quá tải; nhiều DN vận tải hàng hoá ít bị xử lý. Nói thật, nhận định như vậy là rất chủ quan. Bởi, ngoại trừ những lúc mưa lớn (miền Nam đang vào mùa mưa), phương tiện cân điện tử không thể hoạt động được thì mới tạm dừng kiểm tra (do hiện nay đơn vị cũng chưa được trang bị cân tải trọng xách tay), còn lại thì lực lượng làm việc tại trạm cân luôn đảm bảo kiểm tra, xử lý 24/24h kể cả thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ lễ. Ngoài ra, tại trạm cân có hệ thống camera giám sát, truyền hình ảnh trực tuyến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam xuyên suốt. Việc một số thông tin dư luận cho rằng lực lượng trạm cân làm ngơ để xe quá tải qua trạm cân là không chính xác. Vì thực tế, lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại trạm đã rất nhiều lần truy đuổi những xe cố tình vượt trạm để điều về trạm cân xử lý. Hơn nữa, số liệu và hình ảnh của trạm cân được truyền tải trực tiếp về Tổng cục đường bộ Việt Nam đã chứng minh cho thực tế đó. Vả lại, thời gian qua, nhiều tài xế cũng phản ánh họ gặp phiền hà vì bị kiểm tra mất thời gian, trong khi xe của họ chở chưa đủ tải trọng hoặc thùng xe không chở hàng hoá nhưng vẫn bị kiểm tra, nhưng chúng tôi không kiểm tra thì dư luận nhìn mắt thường rồi cho là anh em lơ là, làm ngơ. Đối với DN vận tải cũng vậy, TP.Cần Thơ có hơn 41 DN vận tải và họ thực hiện khá tốt các qui định về vận tải nhưng dư luận lại lên tiếng nói rằng sao chúng tôi phạt ít ? Trong khi chúng tôi cố gắng tuyên truyền, mong muốn DN phải làm tốt hơn nữa để không vi phạm, để tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) luôn đảm bảo an toàn”.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam... Cần Thơ là một trong số địa phương đầu tiên ở ĐBSCL đã xây dựng quy chế phối hợp và thành lập trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động, triển khai hoạt động từ ngày 14/4/2014.
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.Cần Thơ, 9 tháng đầu năm 2014, lực lượng Thanh tra Sở GTVT kiểm tra, lập biên bản xử lý 1.365 trường hợp (chủ phương tiện + lái xe) đối với các hành vi vi phạm quá tải, với tổng số tiền 4.099.550.000 đồng, trong đó tổng số xe vi phạm 795 trường hợp (xe thân liền 748 trường hợp, xe đầu kéo 47 trường hợp).
Riêng đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, đã tiến hành kiểm tra 32.545 phương tiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 741 trường hợp, với tổng số tiền 2.473.750.000 đồng (trong đó lập biên bản vi phạm đối với lái xe là 406 trường hợp, với tổng số tiền là 1.040.750.000 đồng; lập biên bản vi phạm đối với chủ xe là 406 trường hợp (193 cá nhân; 142 tổ chức, DN) với tổng số tiền là 1.433.000.000 đồng), tạm giữ 27 phương tiện vi phạm, tước giấy phép lái xe 333 trường hợp.
Cương quyết xử lý vi phạm, không bao che, nể nang
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.Cần Thơ, sau vài tháng triển khai trạm cân kiểm tra tải trọng xe lưu động, tại cuộc họp của Bộ GTVT và UBND TP.Cần Thơ, một vị lãnh đạo Bộ đặt vấn đề: trạm cân lưu động của Cần Thơ kiểm tra khoảng 24 nghìn phương tiện nhưng phát hiện chỉ hơn 600 trường hợp vi phạm là “máy móc”, thiếu kinh nghiệm quan sát phương tiện có tải trọng. Từ đó, chúng tôi yêu cầu anh em làm nhiệm vụ ở trạm cân phải quan sát, tránh kiểm tra phương tiện xe tải không chở hàng hoặc chở nhẹ để giảm thời gian, phiền hà cho DN và tài xế.
Cũng theo ông Bình, từ khi triển khai và đưa trạm cân vào hoạt động đạt hiệu quả khá tốt, góp phần đảm bảo TTATGT của TP.Cần Thơ. Tuy nhiên, cũng gặp không ít khó khăn bởi các lực lượng phối hợp còn mỏng; quy chế hoạt động, các chi phí hoạt động, chế độ bồi dưỡng đối với lực lượng đặc thù vẫn chưa được hỗ trợ.
Một điều kiện khách quan khác, do thiết bị cân điện tử với các vi mạch không thể hoạt động lúc mưa lớn và ngập nước. Khi thời tiết bất lợi thì chúng tôi không thể kiểm tra cân đo được và cũng không thể buộc nhà xe chờ hết mưa để cân trọng tải. Thời gian qua, đơn vị cũng đã thường xuyên chủ động cập nhật thông tin từ các cơ quan báo, đài, phản ánh của người dân để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại trạm.
Qua trao đổi, ông Bùi Quốc Dũng, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.Cần Thơ cho biết thêm: “Các đồng chí làm việc ở trạm cân được quán triệt rất kỹ, kiên quyết xử lý đối với các loại phương tiện vi phạm, chở quá tải và các hành vi vi phạm khác.
Vì vậy, không có chuyện móc nối hoặc “cò kéo” để cho xe vi phạm vượt trạm cân. Nếu có “cò” thì đó là những đối tượng lừa đảo, lấy tiền tài xế xe tải rồi chúng ngồi canh chờ trời mưa gió, trạm cân không thể hoạt động được là chúng báo cho xe chạy qua. Chúng tôi khẳng định, trong điều kiện bình thường, trạm cân hoạt động 24/24h, nếu có xe quá tải qua trạm đều bị phát hiện và xử lý”.
Đánh giá về tình hình hoạt động của trạm cân cũng như công tác kiểm tra tải trọng phương tiện chở quá quy định ở TP.Cần Thơ, ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ cho biết: “Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động TP.Cần Thơ là trạm cân đi vào hoạt động sớm nhất ở ĐBSCL, điều đó chứng tỏ sự quan tâm của lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT. Không những vậy, chúng tôi còn xác định rằng, việc triển khai càng sớm trạm kiểm tra tải trọng là càng góp phần bảo vệ hạ tầng cơ sở, đường sá của TP.Cần Thơ nói riêng và của cả ĐBSCL nói chung. Chính vì vậy, thời gian qua lãnh đạo Sở GTVT chỉ đạo và quán triệt trong lực lượng làm nhiệm vụ ở trạm cân phải cương quyết đấu tranh, không vị tình vị nể trong xử lý đối với các phương tiện vi phạm về tải trọng; đồng thời, trong công việc phải hết sức tập trung, không để các xe chở quá tải lọt, vượt trạm. Vì vậy, từ khi trạm cân đi vào hoạt động đến nay chưa có nhân viên nào vi phạm. Anh em tham gia công tác ở trạm cân, công việc vất vả mà chưa được nhận chế độ phụ cấp tương xứng nhưng gần đây có dư luận cho rằng anh em làm ngơ cho xe quá tải, tôi cho rằng nhận định như vậy là chưa đúng, chưa động viên được tinh thần anh em làm nhiệm vụ. Mặt khác, lãnh đạo TP.Cần Thơ rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt về TTATGT nên không có chuyện bao che cho DN vận tải vi phạm về tải trọng”.
Theo Thượng tá Trần Thanh Vân, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ và đường sắt – Công an TP.Cần Thơ: Là lực lượng phối hợp, tham gia tại trạm cân nhưng do lực lượng mỏng, quân số không nhiều, vì vậy mỗi ca trực 8h chỉ có một CSGT và một cảnh sát trật tự cùng tham gia. Tuy nhiên, thời gian qua anh em chiến sĩ đã cố gắng hết sức và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chúng tôi rất mong dư luận hiểu, thông cảm cho công việc đặc thù này. Đồng thời chúng tôi cũng cố gắng chấn chỉnh để hình ảnh lực lượng CSGT được đẹp hơn.