Bây giờ, chị đã là giám đốc của một công ty thành đạt, tên tuổi được nhiều người biết đến. Không ai nghĩ bà giám đốc ấy đã có thời sống mà như chết khi ngày phải cơm nước cho bồ nhí của chồng, tối phải nhường chiếc giường hạnh phúc cho đôi tình nhân hú hí.
Sai lầm chết người lấy chồng để chạy trốn tình yêu
Tự thuật một dòng ngắn ngủi về quá khứ của mình, chị Đỗ Thị Thanh Hương (SN 1965, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) buột miệng hai từ: cùng cực.
Tuổi thơ của chị là những cơn ác mộng với người cha luôn đắm chìm trong men rượu. Ông uống rượu thay nước, có hơi men là lôi vợ con ra hành hạ. Trên tấm lưng nhỏ nhoi của chị, chồng chéo những lằn roi, là những lần chạy trối chết để tránh cán cuốc của cha vì không mua được rượu chịu. Nhiều đêm chị thức trắng nghe những tiếng nấc xé lòng của người mẹ sau cơn thịnh nộ của cha.
Năm 17 tuổi, chị yêu say đắm, nhưng tình yêu không vượt qua được quan niệm môn đăng hộ đối của cha mẹ chàng trai bởi nhà Hương quá nghèo.
Mối tình đầu chưa nguôi ngoai, chị được một thanh niên hiền lành trong xóm để mắt tới. Mấy tháng sau họ nên duyên vợ chồng. Hương kể, cuộc hôn nhân của mình chẳng khác gì một cuộc trốn chạy.
Chị trốn chạy khỏi mối tình đầu, trốn chạy khỏi “địa ngục trần gian” của người cha nát rượu. Nào ngờ nơi chị đến, sóng gió còn lớn hơn gấp nhiều lần. “Đêm tân hôn anh lao vào tôi, sau đó lăn ra ngủ mặc tôi mong manh choáng váng. Ngay đêm đó, tôi đã có những dự cảm một tương lai bất hạnh”, chị tâm sự.
Quả đúng như vậy, cuộc sống những ngày sau đong đầy nước mắt. Hết việc nhà chị lại tất tả ra đồng làm từ sáng đến tối mịt. Buổi trưa chỉ có đùm cơm, ít muối vừng mang theo (đó là còn hạnh phúc hơn bát cơm nửa phần cháy khét buổi chiều mẹ chồng để lại).
Những vụng dại buổi đầu của chị liên tục bị gia đình chồng chê bai, xỉa xói, chửi bới thậm tệ. Chị nói, nếu gia đình chồng thương yêu thì vất vả mấy chị cũng chịu được, vẫn cố theo ý nhà chồng. Song mọi nỗ lực bị chối bỏ, chị quyết định ra ở riêng.
Nhẫn nhịn phục vụ tình địch
Bắt đầu cuộc sống mới, anh chị cất căn nhà lá nho nhỏ ở tạm trên đất mẹ chị cho. Anh không làm ruộng như trước mà đi rừng tìm trầm. Chị một buổi đi làm thuê, một buổi đi học bổ túc. Một năm sau chị lấy được bằng cấp 3, tham gia công tác phát thanh xã, sau đó làm cô nuôi dạy trẻ.
Năm 1986, có cuộc thi viết kịch bản cho thiếu nhi, chị mạnh dạn đăng ký tham dự và đoạt giải nhất. Năm đó chị được Hội Nhà văn tỉnh Đồng Nai kết nạp làm thành viên. Cuộc sống mới mở ra, chị hạnh phúc vì đã thực hiện được ước mơ của mình, nhưng bi kịch mới lại xuất hiện.
Nhờ năng khiếu bẩm sinh, và mong muốn có nhiều tiền cho gia đình, chỉ 8 năm trong nghề, chị đã sáng tác được gần 70 tác phẩm và viết nhiều bài trên những tờ báo uy tín. Có tiền, chị xây nhà cửa khang trang, mua đất, xe cộ, biếu cha mẹ hai bên và mua vàng cất giữ.
Anh thì thay đổi tính nết. Từ một người đàn ông lam lũ, chân chất, anh bỗng bắt đầu tập tành nhậu nhẹt, suốt ngày tụ tập cafe rồi hát karaoke, bỏ mặc vợ con. Bao năm vất vả, nay có tiền, chồng thoải mái một chút cũng là chuyện thường, chị nghĩ vậy nên để anh thỏa sức vui vẻ.
Nhưng một ngày, chị chết đứng khi nghe tin chồng đang vui vẻ với gái bia ôm. Chứng kiến chồng và cô gái bán bia ôm đang ôm nhau tình tứ, chị chỉ muốn lao đến sỉ vả, xé họ ra thành trăm mảnh, nhưng lòng tự trọng đã ngăn lại. Chị bước lại mỉa mai: “Sao anh phải lén lút thế này cho thiên hạ chê cười. Anh thương ai cứ dắt về nhà, em cưới cho”. Không ngờ chồng làm thật. Mấy hôm sau chị đang lui cúi nấu nướng, anh dẫn tình nhân về ra mắt “bà lớn”.
“Ăn cơm xong, cô ta vẫn ngồi đó, họ không nói gì với tôi. Sau đó, cô ta đi thay bộ quần áo ngủ rồi vào phòng của vợ chồng tôi nằm. Anh ấy đi theo vào lên giường nằm kế bên nhân tình” chị nhớ lại.
Sốc trước thái độ của hai người, chị cay đắng bế con ra khỏi nhà. Đêm ấy, người mẹ trẻ lội bộ 10 km, bất chấp nguy hiểm, băng rừng vào nhà cô bạn thân tá túc.“Vừa đi vừa khóc. Tôi cứ thế bước đi trong vô thức, lúc đến được nhà bạn tôi thì trời đã rất khuya, con gái đã ngủ rũ trên vai mình. Đêm đó tôi thức trắng. Tôi nghĩ đến cái chết, nhưng nghĩ đến con, nghĩ đến người chồng phản bội và ả nhân tình thì lại đổi ý”.
Sáng hôm sau, chị đưa con gái về, chồng và tình nhân đã đi mất. Chị thầm nhủ, có lẽ họ đã nhận ra sai lầm và sự trơ trẽn của mình.
Nhưng không, chiều đến anh lại chở người đó quay lại bắt chị phục vụ ăn uống. Tối đến, họ ôm nhau ngủ, chị lại bồng con đi xuyên rừng đến nhà bạn xin tá túc. Đến ngày thứ 15, anh đi về một mình và hỏi: “Em ơi, chừng nào em cưới vợ cho anh?”. Câu hỏi của chồng như muôn vàn lưỡi dao đâm vào trái tim Hương. Chị lặng lẽ đi vào nhà, một lúc sau cầm tờ đơn li dị ra, nhẹ nhàng: “Anh ký đi, em cưới vợ cho anh”.
Tìm lại phần đời đã mất
Sau ba năm ly thân, cuối cùng chị cũng phải nói ra nguyên nhân chia tay trước tòa. Tài sản chung đều do chị làm ra, nhưng khi chia tay anh đòi lấy một nửa. Chia xong, anh bán đất, cưới vợ lên Bình Phước lập nghiệp. Chị bồng con rời quê lên thành phố tìm quên.
Cuộc đời đã không lấy đi của chị tất cả, sau hơn 17 năm lăn lộn kiếm sống với đủ thứ nghề, bưng bê, rửa chén, viết thuê, chị đã khẳng định được mình qua niềm đam mê viết lách.
Giờ đây chị là giám đốc một công ty chuyên dịch thuật, cung cấp bản thảo, kịch bản phim truyền hình… Nhắc đến chuyện xưa, chị ngậm ngùi: “Vì quá tự tin nên mình đã có những lựa chọn chưa đúng. Nói như vậy không có nghĩa là tôi tha thứ cho chồng. Anh đã từng phản bội tôi, giờ lại nói vì tôi có thể từ bỏ vợ hiện tại là điều không thể chấp nhận được. Nhưng nếu như tôi đừng quá cứng rắn, cho chồng cơ hội sửa sai thì con gái tôi vẫn có cha, không sống khép kín, có phần ích kỷ và có phần mất lòng tin với đàn ông như hiện nay”.
“Chuyện ngoài chồng ngoài vợ của đàn ông là lẽ thường tình, và mỗi người phụ nữ đều có cách đối mặt khác nhau. Có người im lặng nhẫn nhịn, có người đay nghiến, sỉ vả, có người li dị. Tôi đã trải qua mọi cảm xúc đau khổ tột cùng trước khi quyết định ly dị. Cuộc sống bây giờ tạm gọi là thành công, song sau những trải nghiệm đó, tôi thấy mình cũng đã mắc sai lầm”./.