Thực hư “đứa con Phật” sau 15 năm vô sinh

 Chị Mai hạnh phúc bên con trai
Chị Mai hạnh phúc bên con trai
(PLO) - Ở xóm Sở Thùng (quận Bình Thạnh, TP.HCM), người mộ Phật gọi con trai chị Nguyễn Thị Thanh Mai (SN 1977) là “con của Trời của Phật”, rằng “nhờ thành tâm niệm Phật mà sau 15 năm vô sinh chị Mai đã sinh được con theo ý muốn”. Thực hư câu chuyện ra sao?
Hơn 10 năm vô sinh
Ôm đứa con trai nhỏ vừa tròn tuổi vào lòng, chị Mai chia sẻ: “Tôi không mắc bệnh vô sinh như mọi người đồn đoán, nhưng việc hiếm muộn mười mấy năm là có thật.  Nhiều người nói nhờ thành tâm niệm Phật nên tôi sinh được con theo ý muốn. Tôi chẳng biết có phải vậy không, nhưng quả là mười mấy năm qua, vợ chồng tôi đi khắp nơi, “vái tứ phương”, từ bệnh viện lớn đến bệnh viện  nhỏ, Đông y, Tây y, thậm chí đến những vùng sâu vùng xa bốc thuốc uống vẫn không sao khỏi bệnh. Thế mà từ khi tìm đến Phật pháp, tụng kinh niệm Phật, phát tâm cúng dường thì gặp được thầy giỏi thuốc hay, chạy chữa mới vài tháng đã có tin vui”. 
Chị kể, mình lấy chồng thứ nhất năm 23 tuổi, hai bên gia đình đều không có đạo. Anh là con trai trưởng nên gia đình rất mong sớm có cháu bế cháu bồng. Dẫu  chưa sẵn sàng có con song chị vẫn không dám trái ý cha mẹ. Năm đầu tiên trôi qua mà chưa có tin vui, chị cứ nghĩ, do trong lòng mình không muốn có nên ít nhiều cũng ảnh hưởng, nhưng đến năm thứ 2, khi họ mong có con mà không được, mới thật sự lo lắng. Ngoài mặt vẫn nói cứng “không có chuyện gì”, rằng “đó là điều rất bình thường”, nhưng vợ chồng lại âm thầm lên Khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ khám. 
Kết quả chồng không sao, riêng chị bị buồng trứng đa nang. Bác sĩ giải thích, trứng của chị nhiều hơn mức bình thường khiến chúng chèn ép nhau không thể phát triển bình thường để thụ thai. Muốn có con cần phải tác động “tiêu diệt” bớt trứng thừa để dành “đất” và dưỡng chất cho những trứng khỏe mạnh hơn phát triển. Nguyên lý là vậy, nhưng sau hơn hai năm chữa trị theo phương pháp trên, bệnh tình của chị vẫn không mấy tiến triển.
Chị nhớ lại, năm đầu tiên điều trị chị đã có tin vui, song “đứa bé” chỉ ở lại với mẹ 3 tháng thì ra đi vì thai nhi không có tim thai. Bác sĩ nói trường hợp như vậy vẫn xảy ra cả với những sản phụ khỏe mạnh, không có gì phải lo lắng, hãy kiên nhẫn chờ đợi, hãy nuôi hi vọng.  Nói thì dễ, nhưng có ở trong hoàn cảnh này mới biết chẳng thể bình tâm được. Chẳng làm được gì ngoài việc nuôi hi vọng và chờ đợi.
Ba năm điều trị mệt mỏi trôi qua, niềm hi vọng có con ngày càng bớt đi. Rồi chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo, mất đi trong sự đau đớn và cảm giác tội lỗi củ người vợ.
Ba năm sau ngày chồng mất, Mai vẫn ở một mình ngày ngày hương khói cho anh. Thương con dâu, cha mẹ khuyên chị đi tìm hạnh phúc riêng. Hết lần này tới lần khác chị đều  từ chối. Mai tâm sự, dẫu chồng không trách, bên nội cũng cảm thông nhưng chị luôn thấy có lỗi với anh nên không sao có thể mở lòng với người khác.
Kết quả “nhiệm màu”
Chị cứ sống trong sự dằn vặt như vậy cho đến khi gặp lương y Sang, một Phật tử sống gần nhà. Ông nhìn chị nói, mỗi người đều có một duyên số, kiếp nạn khác nhau. Những gì chị trải qua, có thể cũng nằm trong quy luật chung đó, không phải lỗi của chị hay của một ai khác. 
Ông khuyên chị nên rũ bỏ quá khứ không vui, hướng tới điều tốt đẹp hơn. Nhà không có đạo, chị không mấy tin lời người hàng xóm lắm. Song lời nói ấy lại giúp chị giải tỏa được những suy nghĩ tiêu cực trước đây, nên chị thầm cầu nguyện: “Nếu con được làm mẹ thì mong trời Phật cho gặp được người tốt”.
Chẳng biết có phải lời cầu nguyện linh ứng hay không mà hai tuần sau chị đã gặp được “người trong mộng”. Mai kể, mình bán tạp hóa tại nhà, kế đó là quán nhậu nên khá đắt hàng. Một hôm, có thanh niên lạ còn rất trẻ tới mua bia. Người này bảo ở trọ khu phía dưới, lên đây mua đồ vì mấy cửa hàng gần nhà đồng loạt đóng cửa. Mua xong, người đó lẳng lặng xách hàng ra về. 
Trưa hôm sau chị đang dọn dẹp hàng hóa thì chàng trai lại xuất hiện, mặt bối rối, hỏi mua thuốc lá. Lần này anh không kiệm lời như trước, giới thiệu mình tên Hiếu, sau khi ấp úng nói thêm dăm ba câu bâng quơ mới rời khỏi tiệm. Sau này trưa nào anh cũng tới mua vài thứ đồ lặt vặt hay có khi chẳng mua gì, chỉ để nói chuyên. Quen biết chừng một tháng, Hiếu ngỏ lời yêu chị.
Từ lúc Hiếu thường xuyên lui tới, Mai đã biết anh có tình ý với mình, song chị luôn tìm cách né tránh bởi thấy không hợp. Mai tâm sự, mình đã qua một đời chồng, ngoại hình vừa già vừa xấu, còn Hiếu là trai tân, cao lớn đẹp trai, ít hơn tới 4 tuổi, nhìn vào đã thấy cách biệt. Thế nhưng khi Mai kể hết quá khứ bệnh tật mong Hiếu đổi ý, anh vẫn không thay đổi, còn thuyết phục lại gặp được chị là do duyên trời định. Lời nói của anh khiến chị nghĩ, hay lời cầu nguyện đã linh ứng. Mai đồng ý.
Ngay từ đầu vợ chồng đã xác định không có con nên cuộc sống, tư tưởng khá thoải mái. Nhưng sự quan tâm của anh khiến hi vọng làm mẹ của chị nhen nhóm lại. Mai âm thầm đến bệnh viện kiểm tra, tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh. Hiếu biết chuyện, khuyên vợ đừng quá áp lực và đồng hành cùng chị đi khắp nơi. 
Cậu bé đáng yêu ra đời sau sự chờ đợi đằng đẵng của người mẹ
 Cậu bé đáng yêu ra đời sau sự chờ đợi đằng đẵng của người mẹ
Mòn mỏi suốt 5 năm mà tin vui vẫn chưa tới. Đúng lúc tuyệt vọng nhất, Mai nhìn thấy hình Quan Thế Âm Bồ Tát treo trên tường bệnh viện, lòng chị như được tiếp thêm niềm tin, hi vọng. 
Ngay sau khi về nhà, chị nhờ người hàng xóm cũng là mộ Phật tử mộ đạo in hình, thỉnh sách kinh Phật về vừa học, vừa mang đi cúng dường. Chị trở thành một Phật tử mộ đạo, hầu như ngày nào cũng tụng kinh niệm Phật. Rồi cơ duyên đến, trong một lần đi chùa, một phật tử biết chuyện chị vô sinh đã giới thiệu đến phòng khám của một bác sĩ. Mai nói, mình không kỳ vọng nhiều, bởi các bệnh viện danh tiếng đều bó tay thì một phòng khám nhỏ có thể làm được gì. Tuy nhiên với suy nghĩ  “còn nước còn tát”, chị đã đến đây chữa bệnh.
Kết quả xét nghiệm vẫn như cũ, bác sĩ lại tiếp tục can thiệp để loại bỏ bớt những trứng dư, và kích thích, nuôi dưỡng những trứng còn lại phát triển. Thật bất ngờ, chỉ hai tháng sau, Mai đã mang bầu. Mai chia sẻ: “Hôm tôi báo tin, chính bác sĩ cũng ngạc nhiên nói không thể ngờ lại có kết quả nhanh đến vậy. Để tránh những chuyện không hay, bác sĩ yêu cầu tôi ở lại phòng khám thêm một thời gian để tiện theo dõi”. Sau hơn 9 tháng chờ mong, con trai Mai chào đời khỏe mạnh, hai vợ chồng chị ôm nhau khóc trong hạnh phúc. 
Tin chị sinh được như ý muốn “nhờ tụng kinh niệm Phật” lan truyền cả xóm,  nhiều người gọi đùa bé Quốc Bảo con trai chị là con của trời, của Phật, thậm chí có cặp vợ chồng hiếm muộn còn tìm đến hỏi bí quyết sinh con. Chị nói, đến bây giờ cũng không biết nhờ tìm đúng thầy đúng thuốc hay nhờ vào phép màu nào đó. Có lẽ đó là cơ duyên./.

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.