Đầu những năm 2000, hưởng ứng sự vận động của chính quyền, nhiều DN có cơ sở sản xuất, phân xưởng tại các quận nội thành đã về xã Tân Phú Trung và Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) để mua đất cất nhà xưởng.
Nhưng ngay sau đó, UBND TP HCM lại ban hành một loạt các quyết định nhằm thu hồi 552ha đất thuộc 2 xã trên, tạm giao cho Quỹ đầu tư phát triển đô thị thành phố thực hiện dự án đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Tân Phú Trung như: Quyết định số 211/QĐ-UB ngày 19/1/2004 về thu hồi, tạm giao đất để chuẩn bị đầu tư xây dựng KCN Tân Phú Trung; Quyết định số 2994/QĐ-UB ngày 24/6/2004 về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư; Quyết định số 6332/QĐ-UB ngày 16/12/2004 về đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN.
Tuy nhiên, điều gây bức xúc là việc TP HCM đã có quyết định thu hồi, tạm giao đất để chuẩn bị đầu tư xây dựng (Quyết định 211/QĐ-UB ngày 19/1/2004) trước khi Chính phủ có văn bản chấp thuận về mặt chủ trương cho phép thành lập KCN Tân Phú Trung (Văn bản số 861/CP-CN ngày 23/6/2006) hơn 6 tháng. Đây được xem là việc “chạy trước” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của hàng chục DN và người dân trong phạm vi dự án.
Ông Hồ Cao Tâm, đại diện cho nhóm DN có đất bị ảnh hưởng bởi dự án KCN Tân Phú Trung cho rằng, nếu các cơ quan trên địa bàn TP HCM tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật, nghĩa là sau khi được Thủ tướng đồng ý cho phép thành lập KCN rồi mới lên phương án đền bù, bồi thường thì sẽ đảm bảo quyền và lợi ích của những đối tượng chịu ảnh hưởng của dự án. Trong trường hợp này, mọi cơ chế và chính sách đền bù, bồi thường sẽ được điều chỉnh theo Luật Đất đai năm 2003 và đơn giá vào thời điểm hiện tại chứ không phải mức giá mà UBND TP áp dụng.
“Hiện nay nhiều DN đã phá sản hoặc đứng bên bờ vực phá sản bởi chưa lâu sau khi đầu tư một khoản tiền lớn để mua đất cất nhà xưởng theo giá thị trường thì đã bị thu hồi đất và chỉ được đền bù giá rất thấp”- ông Tâm chua chát nói.
Với các hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án, gần 15 năm nay, họ phải sống cảnh tạm bợ trên chính mảnh đất của ông cha mình. Ví như gia đình ông Trần Văn Uôn (ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung) phải sống cảnh nhà cửa đổ nát, siêu vẹo hàng chục năm vì không chấp nhận phương án đền bù do chủ đầu tư đưa ra.
Đáng nói, ngôi nhà ông Uôn là “nhà tình nghĩa” được xây dựng cách đây gần 20 năm trên mảnh đất hương hoả và là nơi thờ cúng duy nhất của mẹ Việt nam Anh hùng Đào Thị Kiểm và 2 người con liệt sĩ của mẹ là Đoàn Văn Thể và Đào Văn Rựng.
“Do dự án KCN Tân Phú Trung vẫn còn “dang dở” nên gia đình tôi vẫn được “tạm” sinh sống trên chính mảnh đất của mình mà chưa bị “cưỡng chế” như nhiều gia đình khác”, ông Uôn nói.
Gia đình ông Đào Văn Nhiêu (ấp Bến Đò 2 là gia đình cách mạng được Thủ tướng tặng Bằng khen), năm 2005 đã bị cưỡng chế buộc giao một phần diện tích đất trong tổng số 11.000m2 bị thu hồi để làm đường đi trong KCN Tân Phú Trung. Từ 2005 đến nay, gia đình ông Nhiêu vẫn “bám trụ” sinh sống tạm bợ ở ngôi nhà xập xệ của mình.
Còn gia đình bà Ngô Thị Ngời, vì cuộc sống quá túng quẫn nên đã chấp nhận với mức giá đền bù chủ đầu tư đưa ra sau khi bàn giao 1.252m2 đất, đến nay vẫn phải sống leo lắt từng ngày để chờ được tái định cư.
Chỉ tay vào đám đất của gia đình đã bị thu hồi, bà Ngời buồn bã nói: “Thu hồi đất để bây giờ chỉ làm bãi chăn thả trâu, bò. Đến nay, chủ đầu tư vẫn không có phương án hay động thái trong việc xây dựng khu tái định cư để gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ gia đình khác được an cư, ổn định cuộc sống?”.
DN và người dân bức xúc đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan từ trung ương đến địa phương đề nghị vào cuộc giải quyết dứt điểm. Nhưng đáng tiếc là ngày 5/4/2013, UBND TP HCM đã có thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết các vụ việc khiếu nại của DN và hộ dân tại KCN Tân Phú Trung. Với thông báo này, thì không biết đến bao giờ DN và người dân mới được ổn định, tái định cư, chấm dứt tình trạng phải “ăn nhờ ở đậu” trên chính mảnh đất của mình như hiện nay?