Sự việc cụ thể như sau: Năm 1984, gia đình ông Quế được UBND thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) cho phép tôn tạo đổ đất lấn biển. Sau đó, ông cùng một số anh em là thương binh bỏ công sức ra cải tạo để có được mặt bằng làm nơi buôn bán làm ăn. Năm 2002, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định 2559/QĐ-UB ngày 2/8/2002 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Nguyễn Duy Hưng ký, về việc “Phê duyệt dự án đầu tư mở rộng cơ sở dịch vụ thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu của Xí nghiệp thủy sản Quảng Ninh” (thực chất đây là cơ sở dịch vụ của số anh em thương binh) trong đó có nội dung xây một phân xưởng chế biến, nhà cấp 4 :50m2; xây 4 ki ốt làm cửa hàng, nhà cấp 4: 90m2.
Gia đình ông và cơ sở chế biến cùng một số hộ dân có một lối đi chung duy nhất sử dụng 30 năm nay sát ngay khu nhà của BQL chợ Hạ Long. Hiện toàn bộ khu đất tôn tạo đã được cấp sổ đỏ. Còn 4 ki ốt vẫn do Xí nghiệp kinh doanh quản lý, năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh và Sở TN&MT đã kiểm tra thẩm định và cho phép ông làm thủ tục để cấp sổ đỏ, nhưng vì lý do sức khỏe nên ông chưa kịp làm.
Gần đây, TP Hạ Long có chủ trương mở rộng chợ Hạ Long, UBND thành phố lại đồng ý cho BQL chợ xây bịt toàn bộ các ki ốt và lối đi của gia đình ông, khiến gia đình ông và các hộ dân cùng bà con tiểu thương ở chợ rất bức xúc, vì như thế là trái với Luật Đất đai và Luật Nhà ở.
Có một điều lạ là, từ cuối 2015, ông Hoàng Đức Quế và Xí nghiệp gồm các anh em thương binh gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ninh, thì ngày 20/1/2016 UBND tỉnh này chuyển đơn kiến nghị cho TP Hạ Long giải quyết. Theo đó, ngày 28/4/2016, UBND TP Hạ Long có đơn trả lời, nhưng đến cuối tháng 9/2016 mới gửi cho gia đình ông Quế và Xí nghiệp kinh doanh.
Một điều lưu ý là trong văn bản trả lời của TP Hạ Long cho rằng: “Việc gia đình ông Quế và Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu tỉnh Quảng Ninh vẫn đi tắt qua chợ Hạ Long 1 là do chợ Hạ Long 1 chưa có chủ trương xây dựng hàng rào ngăn cách ranh giới giữa chợ và các hộ xung quanh…”. Điều này không đúng, vì thực tế chợ Hạ Long 1 gần đây mới có chủ trương mở rộng ra phần đất trước cổng Xí nghiệp, còn Xí nghiệp Chế biến thủy sản và các hộ gia đình đã sử dụng lối đi này từ 30 năm nay.
Một điều nữa, trong văn bản trả lời của UBND TP Hạ Long nói: “Từ năm 1990, UBND thị xã Hòn Gai cấp đất cho tổ hợp Hợp tác xã Chương Dương đến thời điểm 2008 gia đình ông Quế được cấp giấy chứng nhận thì gia đình ông Quế chỉ có lối đi duy nhất là đi nhờ qua Công ty Khách Thủy, không thể hiện lối đi qua chợ Hạ Long”. Thực tế là hiện Công ty Khách Thủy tạm cho gia đình ông Quế và Xí nghiệp đi nhờ qua phần đất của mình (đi trên cống thoát nước, chứ không phải lối đi), hai bên thỏa thuận chỉ là đi nhờ, chứ không cho phép sử dụng hợp pháp lối đi này. Còn việc “Không thể hiện lối đi qua chợ Hạ Long” là không đúng vì lúc đó chợ Hạ Long chưa mở rộng ra khu vực này.
Việc UBND TP Hạ Long đồng ý cho BQL chợ Hạ Long 1 xây bịt lối đi của Xí nghiệp Chế biến thủy sản xuất khẩu và các hộ gia đình ở đây đang gây bức xúc dư luận. Người dân đề nghị các cơ quan chức năng Quảng Ninh cần cân nhắc kỹ, tôn trọng lợi ích chính đáng của người dân.