Bị hãm hại nhiều lần
Trong nỗi đau đớn ê chề, bà Liên gạt nước mắt kể lại bi kịch xảy ra với hai cô con gái bất hạnh bị bệnh thiểu năng của mình. Khi đó là giáp Tết năm 2008, đứa con gái thứ 3 của bà tên là Lương Thùy Vân (16 tuổi) bị kẻ gian hãm hiếp. Ngày 30 Tết, khi nhà nhà đã chuẩn bị tươm tất để đón Tết thì bà Liên vẫn còn ở bệnh viện chờ lấy kết quả giám định.
“Thấy vậy, 1 người công an đến nói với tôi: “Thôi cô cứ về đi, có gì ngày mùng 4 Tết cháu sẽ cho anh em vào tận nhà cô để làm việc”. Tôi về nhà mà trong lòng không an tâm chút nào, suy nghĩ nhiều nên bị đổ bệnh”, bà Liên kể.
Đến ngày hẹn nhưng vì cơn đau khiến bà Liên không gắng gượng nổi nên 4h sáng phải dậy qua làng bên lấy thuốc để tranh thủ về sớm. “Tôi chưa kịp về đến nhà thì các chú công an đã vào nhà.
Vì sợ hãi, chồng tôi đã ký vào tờ đơn với nội dung: “Gia đình tự nguyện không truy cứu trách nhiệm sự việc xảy ra với cháu Vân”. Mãi sau này tôi lên hỏi thì ngớ người ra là như vậy. Kết quả là tên vô lại thoát tội, rồi đi bộ đội ngay sau đó không lâu”, bà Liên uất ức.
Đến năm 2012, bi kịch tiếp tục lặp lại, trong một lần hai vợ chồng bà Liên vắng nhà, một kẻ gian khác đã lợi dụng thời cơ vào tận nhà hãm hiếp chị Vân. Đau đớn thay lần này, Vân mang bầu và sinh được một bé gái.
Quá bức xúc với hành động vô nhân tính của kẻ ác kia, bà Liên một lần nữa gửi đơn tới các cơ quan chức năng với yêu cầu làm rõ sự tình. Bà Liên lặn lội gần trăm cây số để đưa con gái ra hầu tòa.
Cuối cùng, kẻ ác phải nhận án 3 năm tù giam nhưng bị cáo không phải chịu trách nhiệm nuôi con. Cho rằng tòa giải quyết sự việc không thỏa đáng bà Liên tiếp tục làm đơn gửi ra các cấp cao hơn để chờ được xử lý minh bạch.
Năm 2015, khi sự việc vẫn chưa sáng tỏ thì thêm một lần nữa Vân lại bị kẻ xấu lợi dụng mang bầu lần thứ hai. Gia cảnh vốn đã khó khăn, con cái bệnh tật. Nuôi một đứa cháu ngoại đã bữa đói bữa no, nay thêm một đứa nữa bà không biết phải làm sao?
Quay cuồng trong mớ hỗn độn bà chỉ biết tin tưởng vào pháp luật, cơ quan này không giải quyết bà tiếp tục làm đơn gửi đến cơ quan các cấp khác. Bà đã từng ra tận Hà Nội để nộp đơn kêu oan nhưng vì sự hiểu biết có hạn nên đành ngậm ngùi chở về tay không.
Cũng trong thời gian bà Liên ra Hà Nội tìm công lý cho cô con gái thứ 3 thì cô con gái út (SN 1999, cũng bị bệnh thiểu năng trí tuệ) cũng bị người ta hại đời. Nỗi uất ức lẫn ô nhục ngày một chất đầy, nhưng bà Liên cố nhịn nhục để sống để làm lụng nuôi hai đứa cháu thơ dại.
Bà Liên bức xúc: “Sự thật thì rõ như ban ngày, nhưng vì gia đình tôi không có tiền để theo vụ kiện nên đành để người ta giành phần công lý. Bây giờ con cháu như vậy tôi rất bức xúc. Thấy tôi theo kiện, bên gia đình bị cáo từng hăm dọa tôi: “Thời buổi này không có tiền thì chỉ có chết như rệp, tôi về tôi bán một con bò tôi đi giám định”.
“Tôi không tin cuộc sống lại không công bằng như vậy, pháp luật sinh ra là cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ dành cho những kẻ có tiền, có quyền. Chỉ mong được các cơ quan đại diện pháp luật quan tâm giải quyết, tìm ra công lý cho gia đình tôi”, bà Liên chia sẻ.
Bà Liên bên hai đứa cháu |
Chật vật trong khốn khó
Được biết, bà Liên sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, quê ở Phú Thọ nên từ nhỏ bà đã phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Lớn lên, bà làm thương lái, đi thu mua mía của người dân để bán lại cho nhà máy đường ăn tiền chênh lệch giá.
Cũng thời gian này, ông Lương Xuân Khiên (SN 1962, quê Thanh Hóa) đi lính, đóng quân ở tỉnh Phú Thọ, cái duyên đã đưa hai người đến với nhau trong một lần gặp gỡ. Từ đó, đôi trai gái nảy sinh tình cảm, tình yêu đã gắn kết họ thành vợ chồng và có với nhau 4 đứa con.
Giữa lúc cuộc sống nơi thôn quê chật vật bởi mùa vụ thiên tai, đói kém liên miên, thấy dân làng rủ nhau Nam tiến làm kinh tế mới, bà Liên bàn với chồng cùng đưa các con vào huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) với ước muốn có cuộc sống mới khấm khá hơn. Sau nhiều năm, với sự nỗ lực khôn ngừng, hai vợ chồng bà Liên cũng mua được mảnh đất nhỏ, dựng được căn nhà nhỏ để tránh mưa, tránh nắng.
Trong một lần say xỉn, ông Khiên đã bị kẻ xấu lừa bán hết đất đai, nhà cửa. Do thiếu hiểu biết pháp luật, nên hai vợ chồng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay dắt con đi ở nhờ hết chỗ này đến chỗ khác.
Để có tiền sống và nuôi con, hai vợ chồng lại bắt đầu làm lại với việc đi làm thuê, làm mướn cho những gia đình khá giả. Cứ thế, biết bao gian khó cũng qua đi, đắng cay, khổ cực ở lại chất chứa trong lòng, nhưng vì con cái, vợ chồng bà Liên vẫn nhẫn nhục chịu đựng.
Không ngờ bất hạnh lại ập xuống, trong số bốn đứa con của bà Liên, thì hai cô con gái út đều mắc chứng bệnh thiểu năng trí tuệ mà không hiểu lý do vì sao. Đứa con gái út thỉnh thoảng còn có thể phụ mẹ các việc lặt vặt, còn Vân thì mắc chứng bệnh tâm thần mức độ nặng, không làm được gì.
Bà Liên nghẹn ngào tâm sự: “Ngày trước đi lính, chồng tôi làm nhiệm vụ gỡ bom mìn ở Tam Đường, Lai Châu bị nhiễm chất độc da cam nên hai đứa út nhà tôi mới bị ảnh hưởng như vậy. Không biết kiếp trước tôi ăn ở làm sao mà kiếp này đời lại đày tôi khổ sở như vậy!”
Vì hoàn cảnh đưa đẩy, hai vợ chồng bà Liên đành phải sống tách biệt khu dân cư. Hầu như mọi việc trong nhà đều do bàn tay bà Liên cáng đáng. Chồng bà, vốn tính “hiền như cục đất”, sau vụ bị lừa mất hết nhà cửa phần vì quá uất ức, phần tiếc của, phần vì cảm thấy có lỗi với vợ con nên trở thành người trầm tính, có khi cả ngày chẳng nói năng gì. Cũng vì chuyển đến ở trong rẫy, nơi vắng người qua lại nên mới sinh nhiều chuyện đau buồn, bi ai như thế.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thơm, Thôn Trưởng thôn 14A (xã Ia T’mốt) chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình bà Liên rất khó khăn, hai đứa con gái đều có tính dở dở nay lại nuôi thêm hai cháu ngoại, việc giải quyết kiện tụng của gia đình với cấp trên tôi không rõ lắm. Cảm thông hoàn cảnh, thôn đã tạo điều kiện cho gia đình bà vay hai chương trình vốn với lãi xuất thấp, tổng cộng là 28 triệu đồng để gia đình bà lấy vốn làm ăn.
“Tình trạng cháu Vân khá đặc biệt nên được chính quyền hỗ trợ 153.000đ/1 tháng. Còn cháu út, vì còn có thể đi lại được, mức độ nhẹ vì vậy không được hỗ trợ. Những bức xúc của gia đình bà Liên, bà con hàng xóm chúng tôi cũng cảm thấy rất bất bình. Dù phải trái ra làm sao, tôi rất mong các cơ quan ban ngành sớm bắt tay vào giải quyết cho rõ ngọn ngành”, vị thôn trưởng bày tỏ.
Ông Lê Bá Tuấn, Trưởng công an xã Ia T’môt thì cho hay: “Sự việc xảy ra đối với gia đình bà Vũ Thị Liên là có. Còn nội tình như thế nào thì bên cơ quan công an huyện vẫn đang trong quá trình điều tra. Vì thế nên chúng tôi không thể khẳng định được điều gì”.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của huyện Ea Súp cần làm sáng tỏ vụ việc, xử lý đúng người, đúng tội để đảm bảo sự thượng tôn pháp luật, trả lại sự công bằng cho người dân.