Từ cú rẽ ngang thành tiến sĩ
Mới đây, trên mạng xã hội, các bạn trẻ chia sẻ với nhau câu chuyện chọn nghề khá thú vị của một Tiến sĩ kinh tế. Đó là anh Nguyễn Ngọc Tú. Qua bài viết của anh Tú trên truyền thông có thể thấy, sự dũng cảm thay đổi tương lai của anh không phải ai cũng có thể làm được và dám làm.
Anh Tú viết: “Tôi từng nổi tiếng với danh hiệu thủ khoa trường Dược mà không hề biết rằng mình lại lao đao vì chính nó… Tôi lên đường ra Hà Nội nhập học với tâm trạng phấn chấn. Trong mơ, tôi đã nghĩ mình sẽ học giỏi nhất lớp và sẽ cố gắng đi du học như ông nội ngày xưa đã từng học ở Liên Xô. Tuần đầu tiên ở đại học, công tác sinh viên khá vui vẻ.
Nhưng bắt đầu sang tuần thứ hai, nhịp độ chỉ là: sáng học lý thuyết, chiều thực hành trên phòng thí nghiệm. Mỗi lần bước chân vào phòng thí nghiệm, cảm giác chán chường ập đến. Việc này không hợp với chàng trai hay thích bay nhảy như tôi. Học thực hành thí nghiệm được ba tuần, tôi quá chán và cảm thấy không thể học tiếp nữa…”
Hoàn toàn có thể hình dung, để đi tìm lại ước mơ, sở trường của mình, anh Tú đã vượt qua nhiều khó khăn ra sao. Cả gia đình, họ hàng bắt ép anh quay lại trường để không bị mang tiếng bỏ học, bản thân anh cũng cho mình cơ hội thử lần học lại lần nữa nhưng rồi lại bỏ vì không thể tìm thấy niềm đam mê trong đó. Quyết định ôn thi vào một trường đại học kinh tế, sau 4 năm học tập, 10 năm đi làm, anh Tú đã học xong tiến sĩ và đang giữ vị trí quản lý cấp cao trong một tổ chức lớn.
“Tôi không phải là trường hợp duy nhất bỏ dở đại học, thi lại một trường khác hay rẽ sang hướng khác, không giống số đông. Tôi cũng biết nhiều người đã học Bách khoa, Xây dựng, Tổng hợp cũng bỏ ngang, chuyển hướng. Điều đó nói lên cái gì? Nó cho thấy công tác hướng nghiệp ở Việt Nam chưa được chú trọng.
Học sinh cấp ba khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời đa phần nghe theo tư vấn của bố mẹ, người quen, chọn trường nào ngành nào dễ xin việc, lương cao hoặc chạy theo phong trào chứ không tìm hiểu thật kỹ và đi theo lộ trình nghề nghiệp đúng sở thích và năng lực thật của mình. Giờ đây, làm người sử dụng lao động, tôi nhận ra đó cũng chính là một lý do khiến chất lượng lao động của Việt Nam khá thấp so với nhiều nước…” – anh Tú viết.
Nên vẽ “bản đồ tương lai” cho con?
Tạm không bàn đến công tác hướng nghiệp trong hệ thống giáo dục, mà bàn đến sự hướng nghiệp của cha mẹ cho con cái trong mỗi gia đình. Theo lời kể của anh Tú, thì lý do anh chọn trường Dược rất đơn giản: “Đầu những năm 2000, nhà tôi còn nghèo lắm. Mẹ là giáo viên cấp một, bố làm kế toán xã, đồng lương ít ỏi của họ phải nuôi hai anh em ăn học. Xem tivi, thấy sinh viên đại học Dược được một công ty mời về làm, còn tặng cho một chiếc xe máy, cả nhà quyết định cho tôi thi trường này”.
Hay như câu chuyện của Ngọc Nhi, bé gái 10 tuổi bị cha bắt trở thành ca sĩ nổi tiếng. Tham gia chương trình “Điều con muốn nói” khi nhìn thấy những chiếc bút chì màu, Ngọc Nhi òa khóc. Em cho biết, em rất thích vẽ và ước mơ trở thành họa sĩ.
Tuy nhiên, ba em lại bắt em sống theo ước mơ của ba, đó là trở thành ca sĩ nổi tiếng: “Hàng ngày, ba bắt con đi diễn, đi hát, tuy nhiên, con thấy áp lực khi làm điều đó. Con muốn làm điều con muốn nhưng ba không cho phép. Người hiểu con nhất hiện nay không phải là ba mà là mẹ và bạn thân của con. Nhưng mẹ cũng bảo ba chỉ muốn tốt cho con mà thôi”.
Về lý do bị ba bắt trở thành ca sĩ, Ngọc Nhi cho biết, hồi nhỏ em từng nói với ba rằng thích làm ca sĩ, tuy nhiên, đến năm lớp 3, em nhận ra ước mơ đó đã không còn khi em không còn hứng thú với việc ca hát. Bên cạnh đó, cô bé lại nhận ra mình rất thích vẽ. Em có thể vẽ mọi chủ đề khác nhau trong cuộc sống, mọi cảm xúc vui buồn em đều có thể chuyển tải vào bức tranh. Tuy nhiên, ba em không quan tâm đến điều này, ba chỉ muốn em dành nhiều thời gian cho việc đi học hát và đi diễn.
Câu chuyện của TS. Kinh tế Nguyễn Ngọc Tú và của bé Ngọc Nhi cho thấy một thực tế đang diễn ra ở các gia đình Việt. Đó là cha mẹ nào cũng muốn vẽ “bản đồ tương lai cho con”, nhưng không phải lúc nào họ cũng thành công. Tương tự như vậy, vào đời bằng “tấm bản đồ tương lai” do cha mẹ vẽ, có bạn trẻ đã bị rơi vào cảm giác hụt hẫng, hối tiếc vì đã chọn nhầm đường…
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã có nhiều tín hiệu vui khi hiện nay theo thống kê từ Bộ LĐ-T&XH tỷ lệ chọn học nghề đang tăng lên rất nhanh tại các trường nghề, phản ánh một sự thay đổi tư duy đáng kể của các bậc phụ huynh và bản thân thế hệ trẻ.
Đơn cử như kỳ tuyển sinh tháng 8 vừa qua ở Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị (Gia Lâm, Hà Nội) hơn 500 học sinh trúng tuyển chương trình 9+ đã nhập học, đặc biệt, trong đợt nhập học lần này có thí sinh thi vào lớp 10 THPT công lập TP Hà Nội đạt 39 điểm.
Chị Nguyễn Thị Phương, Gia Lâm, Hà Nội, phụ huynh đưa con đi nhập học cho biết, qua tìm hiểu thông tin và được nhà trường tư vấn gia đình quyết định cho con theo học chương trình 9+ này. Theo chị Phương khi học chương trình này xong các con có lợi ích là không tốn kém như học đại học, được 2 bằng, học xong có thể đi làm ngay hoặc học tiếp lên là tùy khả năng của các con.
Nguyễn Tiến Dũng và Nguyễn Văn Cường là hai học sinh đến từ Trường THCS Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội. Hai chàng trai trẻ cho biết sau khi được gia đình đồng ý đã quyết định đi học nghề và chọn nghề công nghệ ô tô để theo học. Theo hai em, sở sở dĩ các em chọn đi học nghề vì năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình và thấy học đại học rất tốn kém mà ra trường khó xin việc làm, trong khi đó học nghề công nghệ ô tô hiện nay đang rất “hot”, thu nhập lại cao.
Nhìn theo cách của con để xóa “vênh” giữa cha mẹ và con
Quay lại với câu chuyện của Ngọc Nhi, nói về ước mơ trở thành họa sĩ của con, người cha của em cho biết anh không hề cản trở bé trở thành họa sĩ. Biết con có nhiều năng khiếu như hát, nhảy, vẽ nhưng theo anh hiện tại con chỉ có thể đi hát, sau này lớn mới có trường chuyên về hội họa để vào học.
“Tôi có hứa với cháu đến khi nào lên lớp 6 học khó hơn sẽ tạm ngừng gameshow, ít diễn, tập trung học thôi. Nếu khi đó con gái thích vẽ thì tôi có thể cho bé thi vào các trường như mỹ thuật, hội họa”, người cha cho biết. Lắng nghe câu chuyện của hai cha con, chuyên gia tâm lý nhận định, không phải cha của Ngọc Nhi không thương con, mà chỉ đơn giản là vì chưa hiểu con nên đã thương con theo cách của mình chứ không phải theo cách là cách mà đứa con muốn.
Bàn về sự “vênh” giữa cha mẹ và con cái trong sự hướng nghiệp, Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh, cha mẹ nên có sự tôn trọng và hiểu con. Hãy nhìn theo cách của trẻ em - đó là nguyên tắc trong giáo dục trẻ nhỏ. Yêu con tức là nghe và tôn trọng những ý kiến chính đáng của con trong đó bao gồm cả quyền tự do của con trong lựa chọn nghề nghiệp, học tập theo nguyện vọng và khả năng…