“Em là bé nhất trong nhà nhưng em cũng là con người”
Cách đây không lâu, nhằm mục đích mang đến cho cha mẹ kỹ năng yêu thương con đúng cách và nuôi dạy con tốt hơn, chương trình “Cha mẹ thay đổi” đã đề cập đến câu chuyện của chị Trang, giảng viên âm nhạc, sống tại Hà Nội. Câu chuyện khiến ai xem cũng rơi nước mắt với các cung bậc cảm xúc khác nhau trong những tình huống dạy con của chị.
Chị Trang có 3 người con, con gái lớn là Nhím, 21 tuổi; con trai thứ 2 học nội trú và con gái út là Cún, 11 tuổi. Chị Trang là một bà mẹ cầu toàn, luôn muốn các con làm theo ý mình, bởi chị cho rằng chị làm như vậy cũng chỉ vì muốn tốt cho con. Càng bị bắt ép thì hai cô con gái càng trở nên khó bảo. Khi con khó bảo, chị Trang lại trở nên giận dữ, căng thẳng.
Riêng với Cún, vì muốn con học đàn, có cơ hội việc làm trong tương lai nên chị Trang bắt Cún tập đàn mỗi ngày. Tuy nhiên, lần nào Cún cũng khóc vì không thích và bị mẹ quát. Cún nghẹn ngào chia sẻ với chương trình: “Mẹ em là người cầu toàn, luôn mong muốn hơn nữa. Mong muốn nhiều quá nên nhiều lúc bực mình. Em là bé nhất trong nhà nhưng em cũng là con người nên không có quyền chỉ trích, đánh giá em”.
Lý giải về hành động, lời nói của mình, chị Trang thổ lộ rằng không hiểu vì sao hết lòng lo toan cho con nhưng con lại không chịu nghe lời: “Chúng nó cứ làm theo ý mình, cứ làm cho mình căng thẳng. Ý mình là tốt mà”. Sau nhiều năm bị bắt ép làm theo ý mẹ, phải chiều theo sở thích, mong muốn, nguyện vọng của mẹ nên chị em Nhím, Cún đã xa lánh và phản kháng lại với mẹ.
Khi nghe mẹ nói rằng: “Cuộc đời mẹ thấy không thành công” khi nuôi dạy con, Cún đã phản ứng gay gắt: “Mẹ chẳng hiểu mong muốn của con. Mẹ nghe nhưng không phải là lắng nghe. Mẹ cho bằng được là mẹ đúng. Con đã nói xong đâu mà mẹ chẳng lắng nghe lời con nói mà đã nói lại rồi. Mẹ dạy đúng nhưng cách dạy mẹ sai. Mẹ sai trong cách cư xử nên con coi là sai. Con không muốn mẹ tuyệt vời, mẹ không cần hoàn hảo quá mà chỉ cần mẹ không làm con đau buồn cái gì”.
Thực tế, năm lớp 4, Cún đã từng nghĩ sẽ làm điều gì đó cho cả dòng họ bị bẽ mặt để mẹ lúc già hối hận. Nghe con kể trong chương trình chị Trang đã sốc nặng.
Người lớn cũng từng là trẻ em, sao lại quên?
Ngày 3/6/2020, Báo cáo khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam đã được Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em tổ chức công bố.
Theo đó, mặc dù quyền được lắng nghe của trẻ em là một nội dung quan trọng được đề cập trong Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em và Luật Trẻ em, tuy nhiên khi thực hiện khảo sát trên 1.692 trẻ em Việt Nam (bao gồm trẻ em ở nông thôn và thành thị, trẻ em ở trong nhà trường và trẻ em ngoài nhà trường, trẻ em người dân tộc Kinh, người dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật) từ 11 đến 16 tuổi ở 7 tỉnh, thành phố thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam, cho thấy có tới 88,3% trẻ em tham gia khảo sát cho rằng mình còn có ít cơ hội hoặc không có cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình với cha mẹ, người lớn.
Nói về con số 88,3% trẻ em cho rằng mình không được lắng nghe, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD nhận định: “Người lớn cũng đã từng là trẻ em, nhưng chúng ta thường quên mất trẻ em cũng có những suy nghĩ độc lập, chín chắn, hiểu biết và có các giải pháp, quyết định rất hiệu quả. Chính vì thế chúng ta dù đang mải mê bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhân danh vì lợi ích của trẻ nhưng đôi khi quên mất lắng nghe và đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng vô cùng chính đáng của trẻ em”.
Việc trẻ em không được lắng nghe sẽ gây tổn thương tinh thần cho các em trong suốt quãng đời thơ ấu. Sau khi theo dõi câu chuyện của chị Trang, Giáo sư Peck Cho – Đại học Korea, Hàn Quốc chia sẻ: “Nếu con bạn bây giờ không hạnh phúc thì có thể con bạn cũng không hạnh phúc trong 20, 30 năm tới. Một nghiên cứu mới công bố gần đây có tên gọi là “Những trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu”.
Khi những đứa trẻ có tổn thương thời thơ ấu không phải 1, 2 lần mà nhiều lần nó sẽ làm cho não bộ không còn hoạt động tốt bình thường nữa và tăng tỷ lệ tự tử trong tương lai. Nếu quy đổi tương đương thì mức độ đau đớn của những tổn thương tinh thần ngang với bỏng cấp độ 3”.
Theo GS. Choi Sung Aie - Chủ tịch Hiệp hội Emotion coaching, Hàn Quốc, điều quan trọng nhất là chúng ta phải tôn trọng và hỏi ý kiến con mình. Và nếu đứa trẻ cảm nhận được là bố mẹ lắng nghe và tôn trọng chúng và cảm thấy được quan tâm thì đứa trẻ có được thành công và trưởng thành hơn. Đứa trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi làm những việc mà chúng mong muốn.
Tôn trọng con như một cá nhân có đầy đủ nhân phẩm và trách nhiệm
Một trong những vấn đề mà Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và đang thí điểm thực hiện tại các địa phương trong 2 năm 2019 và 2020 đặc biệt nhấn mạnh là ứng xử trong quan hệ cha mẹ - con.
Theo đó, Bộ Tiêu chí khuyến nghị cha mẹ hãy tôn trọng con cái như một cá nhân có đầy đủ nhân phẩm và trách nhiệm; hãy lắng nghe và cho phép con tham gia phát biểu, hỏi về những vấn đề liên quan đến bản thân và việc chung của gia đình.
Về phần mình, chị Trang đã sớm nhận ra sai lầm trong cách dạy dỗ con cái. Chị thú nhận đã kỳ vọng quá lớn vào con, mong muốn con hoàn hảo: “Trước đây không hiểu tại sao con mình không trở nên hoàn hảo được, bây giờ mình hiểu là con mình đã bị tổn thương quá nhiều, mà càng tổn thương nhiều thì càng không thể trở thành người hoàn hảo được. Trái lại, nó càng trở thành đứa khó bảo, bướng bỉnh, thậm chí bất cần”.
Sau thời gian điều chỉnh từng bước một, hai con gái của chị đã hiểu mẹ và mở lòng hơn với sự quan tâm của mẹ.