Tổ Già Da Xá Đa sinh sau Đức Phật nhập Niết Bàn 654 năm, ở nước Ma Đề. Cha là Già Thiên Cái, mẹ là Lam Phương Tánh. Da Ngài trắng sáng hơn người bình thường. Ngài thích những nơi vắng vẻ, còn lời nói của Ngài là những lời nói ẩn chứa những chiêm nghiệm nhiệm mầu.
Hành trình ngộ thiền
Bà Phương Tánh thọ thai, một đêm mộng thấy có người cầm cái gương báu đến nói: “Tôi đến”. Bà chợt tỉnh giấc, nghe toàn thân nhẹ nhàng thanh thản, khác hơn ngày thường. Trong nhà có mùi hương lạ, vài lằn hào quang xuất hiện. Bảy ngày sau, bà sanh ra Ngài. Thân Ngài trong sáng giống như ngọc lưu ly. Ngài thích chỗ vắng vẻ, nói ra những lời siêu việt. Nhà cha mẹ Ngài ở trên núi Bảo Lạc Ca. Sau khi Ngài ra đời, ngôi nhà nầy luôn luôn có áng mây tía che đậy trên không.
Tổ Tăng Già Nan Đề nhân thấy áng mây ấy, lại nghe Ngài có những điều kỳ đặc, nên đến gặp Ngài, Tổ hỏi: Ta nghe ông có những lời nói sâu xa, vậy những gì là hiểu biết cao tột của ông, ông hãy nói cho ta nghe thử? Ngài trình thưa với Tổ: Những người nghe tôi nói họ bảo tôi nói những lời khó hiểu, chứ sự thật không gì là khó hiểu cả, tại vì họ tưởng tượng nhiều đó thôi. Tổ nói: Vậy ông hãy nói cho ta nghe những lời bình thường ấy như thế nào?
Ngài liền trình bài kệ 12 câu như sau: Ở đời tất cả bình thường/ Tại ta tưởng tượng trùm khắp muôn phương; Nơi thờ phượng là linh lắm/ Những Thầy nói vậy để kiếm “lương”. Nơi vật lý là như vậy/ Vay trả trả vay là lẽ bình thường; Nói như vậy họ bảo cương/ Kính lạy Thần, Thánh để lên thiên đường. Con rằng, không phải là thế/ Việc làm mình chịu, không ai xót thương; Không gieo nghiệp là yên ổn/ Tối ngày lạy lục, để bị đau xương.
Ngài thưa với Tổ: Con nói như vậy họ bảo con gàn bướng, không tin Thần, Thánh. Tổ bảo Ngài: Ông có cái hiểu biết vượt hơn người bình thường một chút, nếu ông muốn hiểu lời chân thật của Như Lai dạy, ông phải xuất gia theo ta học đạo thiền thì mới hiểu thông tất cả những gì ở nơi thế giới này. Nghe Tổ nói như vậy, Ngài xin xuất gia làm đệ tử Tổ.
Theo học với Tổ được 3 năm, một hôm Tổ bảo: Nay ta đã già, ta muốn truyền Tổ vị Thiền tông lại cho ông, nhưng theo quy định của Như Lai, ai làm Tổ sư Thiền tông, người đó phải trình sự hiểu biết của mình với vị Thầy trước. Vậy, ông hãy trình kệ về sự hiểu biết của ông cho ta nghe, nếu đúng ta sẽ truyền Tổ vị Thiền tông cho.
Ngài liền trình bài kệ 40 câu như sau: Theo Tổ học đạo Thiền tông/ Ý con thanh tịnh không mong thứ gì; Tổ dạy khi đứng khi đi/ Để tâm vật lý, tịnh y Niết bàn. Hôm nay con biết rõ ràng/ Cái tâm thanh tịnh là đàng về quê; Ngày xưa Đức Phật nói về/ Ai muốn giải thoát, dừng mê hồng trần. Bao năm Tổ dạy trọn phần/ Thiền tông thanh tịnh, con cần phải ghi; Thiền tông con khi đứng đi/ Tâm luôn thanh tịnh, việc gì cũng xong. Thiền tông không phải cầu mong/ Chỉ cần thanh tịnh, không mong thứ gì; Ngồi nằm, khi đứng hoặc đi Không dính vật lý, có chi theo mình.
Tổ dạy, con thường lặng thinh/ Sống với tánh biết của mình mà thôi; Khi con trình biết chỗ “Thôi”/ Tổ đã xác nhận, ngộ rồi Thiền tông. Con nhìn cảnh vật núi sông/ Tâm con không dính, vào trong thứ gì; Ở trong thanh tịnh huyền vi/ Những thứ trong ấy, không chi sánh bằng. Con nay đã biết thường hằng/ Tâm hằng thanh tịnh, như rằng Linh sơn; Nhờ thiền con đã đứng lên/ Không dính vật lý, vượt lên luân hồi.
Tổ dạy con dùng chữ ‘’Thôi‘’/ Luân hồi sinh tử, hết rồi với con; Hiện tại tâm con không còn/ Buồn, thương, giận, ghét, không còn thứ chi. Thiền tông quả thật diệu kỳ/ Khi tâm thanh tịnh cái chi cũng lìa; Nhìn về Linh Thứu xưa kia/ Đức Phật dạy thiền để độ chúng sanh. Thiền tông không phải giật giành/ Không dính không mắc, tử sanh luân hồi; Đức Phật, dạy chỗ con “Thôi”.
Nhờ vậy sanh tử, hết rồi với con. Tổ Tăng Già Nan Đề vừa nghe Ngài trình 40 câu kệ, biết Ngài đã đạt được “Bí mật Thiền tông”, nên Tổ có dạy Ngài như sau: Còn 15 hôm nữa là đến ngày rằm tháng ba, vậy ông chuẩn bị buổi lễ truyền “Bí mật Thiền tông” cho gọn, nhưng đầy đủ, để ta truyền thiền cho ông làm Tổ sư Thiền tông đời thứ Mười Tám. Đúng 15 ngày sau, buổi lễ truyền “Bí mật Thiền tông” được tiến hành, chỉ có Tổ và Ngài dự thôi.
Tìm người nối truyền
Sau khi Ngài được Tổ truyền tâm ấn và thống lãnh đồ chúng. Tùy duyên, Ngài đi vân du khắp nơi để giáo hóa làm lợi ích cho quần sanh. Khi tuổi đã già, Ngài du hóa đến nước Nguyệt Chí. Trong nước nầy có người dòng Bà La Môn Tên Cưu Ma La Đa tuổi được 30 tu theo ngoại đạo, chủ thuyết tự nhiên. Ông có nuôi một con chó, mỗi khi ăn xong, con chó ra hành lang dưới tấm rèm nằm.
Có những khi mưa gió ướt cả mình mà nó vẫn nằm đó. Người nhà sợ nó lạnh đuổi đi chỗ khác, rồi nó cũng trở lại chỗ đó nằm. Ông Cưu Ma La Đa lấy làm lạ, đem việc đó hỏi thầy ông, nhưng không giải được điều gì. Ông mong có dịp gặp những bậc tu hành đạo đức cao cả để nhờ giải nghi. Khi Ngài cùng đồ chúng đi đến gần nhà người Bà La Môn này, bỗng thấy khí đại thừa xông lên.
Ngài dừng lại bảo chúng: Khí này nếu vòng tròn như khoen đeo tai là có Bồ Tát bên cạnh. Nay khí này tương tự vòng tròn ắt có thánh nhân gần đây. Thầy trò đi đến, bỗng có người Bà La Môn đến hỏi thị giả: Thầy đây là người gì? Thị giả đáp: Là đệ tử Phật. Người ấy liền chạy thẳng vào nhà đóng cửa lại. Ngài đi theo đến nơi gõ cửa.
Trong nhà nói vọng ra rằng: Nhà này không có người. Ngài hỏi: Đáp không người đó là ai? Cưu Ma La Đa nghe nói bèn có vẻ lạ, nghi là bậc đạo hạnh bèn mở cửa. Ra thấy Ngài, ông chào và thỉnh ngồi ghế giữa, đoạn đem nghi vấn về con chó ra hỏi.
Ngài giải thích: Con chó này là cha của ông, bởi có chút ít nghiệp nên đọa làm súc sanh. Xưa kia cha ông đem cả ngàn đĩnh vàng để trong cái hũ lén chôn dưới rèm. Đến khi người chết, chưa gặp ông để trối lại, vì còn tiếc của này nên sanh ra làm chó để gìn giữ. Nếu ông đào được, ắt nó sẽ bỏ đi. Cưu Ma La Đa liền cho người đào chỗ con chó nằm, quả nhiên được hũ vàng đúng như lời Ngài nói. Ông hết lòng kính phục phát nguyện xuất gia.
Ngài hoan hỷ chấp nhận làm lễ xuất gia thọ giới và cho làm thị giả. Thấy cơ duyên đã mãn, Ngài kêu Cưu Ma La Đa đến dặn dò: Xưa Như Lai đem đại pháp nhãn trao cho Tổ Ca Diếp truyền lần đến ta, nay ta truyền lại cho ngươi.
Sau khi truyền pháp cho Tôn giả Cưu Ma La Đa, Tôn giả Già Da Xá Đa liền bay lên hư không, hiện thần thông của mười tám thứ thần biến như: trên thân ra lửa, dưới thân ra nước; dưới thân ra lửa, trên thân ra nước ở giữa hư không. Hiện rõ thần thông của mười tám thần biến qua lại lẫn nhau, rồi dùng Hỏa Quang tam muội và lửa thiền định tự thiêu thân mình rồi viên tịch. Đồ chúng hỏa táng và lượm xá lợi xây tháp cúng dường.
Trong các thư tịch cổ liên quan đều thống nhất vẽ Tổ thứ 18 – Già Da Xá Đa tôn giả đang đi theo chiều gió cuốn, tay trái cầm gương soi phía sau, tay phải gấp, vít cây gậy đeo cuốn kinh. Ở chùa Tây Phương, tượng Già Da Xá Đa tôn giả được tạc theo hình mẫu vẽ trong sách xưa, ống tay áo và vạt áo thổi bay theo chiều gió mạnh về phía trước, song người vẫn đứng thẳng, chân như nhún và tay đong đưa. Mắt tượng hơi mở và miệng há như đang hỏi han, cánh mũi rộng, gò má đầy, tai dài, người đẫy chắc. Khối tượng cứ như nhấp nhô tiến dần về phía trước, cái thực và cái thần quyện vào nhau rất sống động.