Sợ “quyền im lặng” cản hoạt động điều tra?
Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) qui định: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” mà theo lý giải của VKSNDTC nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tạo sự nhận thức thống nhất trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung.
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nhận thấy, cách qui định về “quyền im lặng” trong Dự thảo BLTTHS chưa ổn, “nửa im lặng, nửa không”. Thực tế có lo ngại nếu người bị bắt, bị can, bị cáo giữ “quyền im lặng” sẽ khiến cơ quan điều tra “không biết lấy gì viết vào hồ sơ”, ảnh hưởng đến quá trình điều tra, làm rõ vụ án.
Trong khi đó, qui định “lấy lời khai ngay” sau khi bị bắt chính là nguyên nhân dẫn đến bức cung, nhục hình. Hơn nữa, người bị bắt không thể biết lời khai nào là bất lợi cho mình mà không khai báo nên “cần bỏ ngay qui định “lấy lời khai ngay” và qui định rõ ràng về “quyền im lặng” – một số ĐB cùng đồng tình.
Thậm chí, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nhận thấy, quan trọng nhất là chống bức cung, nhục hình, không để oan, sai, không để tội phạm lộng hành chứ qui định “quyền im lặng” như vậy là rất nguy hiểm, dễ bị hiểu là “không khai báo gì”.
Song, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thường không hiểu pháp luật, lại có tâm lý lo lắng, trong khi cán bộ điều tra lại “nhiều mánh khóe, có thể dùng nhiều câu hỏi “bẫy” khiến người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo dễ “mắc bẫy” mà trả lời bất lợi cho mình nên “cần qui định rõ không được đặt câu hỏi “bẫy” nếu không qui định cụ thể “quyền im lặng” trong Dự thảo BLTTHS”.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, với mục đích chính là chống bức cung, nhục hình, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu đề nghị qui định “không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội” vì đấu tranh để làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai cũng là nghệ thuật trong điều tra, nên để người bị bắt, bị can, bị cáo tự do trình bày lời khai cho cán bộ điều tra khai thác.
Không phải ai cũng đi nghe trộm
Trong các quyền của bị can, bị cáo trong Dự thảo BLTTHS (sửa đổi), các ĐB đánh giá “quyền ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án” là “rất viển vông” bởi bị can, bị cáo không đủ khả năng và cả điều kiện thực hiện. Có những vụ án tài liệu “chất đầy một xe ô tô” như trong vụ “bầu” Kiên thì trong điều kiện giam giữ, không bị can, bị cáo nào có thể tiếp cận đầy đủ số hồ sơ, tài liệu nhiều như vậy.
Do đó, các ĐB đề xuất tăng cường vai trò của luật sư, người bào chữa thực hiện quyền này cho người bị bắt, bị can, bị cáo. Hơn nữa, “cứ qui định chung chung như vậy, nếu bị can, bị cáo “vin” vào quyền này thì không biết bao giờ kết thúc vụ án” – ĐB Nguyễn Anh Sơn, Phó trưởng đoàn ĐB Nam Định nêu.
Cùng với đó, nhiều ĐB bày tỏ lo ngại với qui định về áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong TTHS. Qua thảo luận, hầu hết ý kiến tán thành phải luật hóa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong Dự thảo BLTTHS (sửa đổi). Nhất trí chỉ áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng cho tội tham nhũng, ma túy…, các ĐB nhấn mạnh, phải qui định rõ những loại tội được áp dụng, không thể tràn lan, “ai cũng đi nghe trộm, ai cũng nơm nớp bị theo dõi sẽ làm bất ổn…”.
Mặc dù Thiếu tướng Trịnh Xuyên – Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh “biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt rất cần thiết và qui định trong Dự thảo lần này hoàn toàn đúng” song là một trong số một số ĐB không tán thành qui định về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong dự thảo, ĐB Hà Văn Chiến (Yên Bái) lo ngại qui định cho tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ngay khi “có dấu hiệu tội phạm” là ảnh hưởng đến quyền công dân. Hơn nữa, rất khó giám sát việc tiến hành các biện pháp này nên dễ dẫn đến lạm quyền.